Xét xử vụ án Nguyễn Thị Cẩm Thúy và đồng phạm chống phá Nhà nước: 9 năm tù cho kẻ cầm đầu
Ngày 30-3, Tòa án nhân dân tỉnh xét xử sơ thẩm vụ án làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. 3 bị cáo: Nguyễn Thị Cẩm Thúy (sinh năm – SN 1976), Ngô Thị Hà Phương (SN 1996), Lê Viết Hòa (SN 1962), cùng trú xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, đều thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Thừa nhận các hành vi chống Nhà nước
Tại phiên tòa, bị cáo Thúy thừa nhận, cáo trạng truy tố đúng hành vi phạm tội của mình. Theo đó, từ giữa năm 2018, Thúy sử dụng tài khoản Facebook và tài khoản Youtube cá nhân để đăng tải các video có nội dung bôi nhọ, xúc phạm lãnh tụ Hồ Chí Minh; tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước và lịch sử dân tộc Việt Nam. Thúy thường xuyên livestream trên mạng xã hội để tuyên truyền nội dung phản động, xúc phạm, kích động chống phá Đảng và Nhà nước. Thúy đã đến nhiều tỉnh; gặp nhiều cá nhân; theo dõi trên mạng Internet để thu thập, tích lũy thông tin thất thiệt, phiến diện về tiểu sử, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác Hồ, về các vụ việc tiêu cực, tham nhũng và kết quả xử lý của cơ quan chức năng, lấy đó làm nội dung thể hiện quan điểm cá nhân, đả kích, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xúc phạm hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Các video do Thúy tự làm, đăng tải, phát tán, lan truyền trên mạng Internet nhằm tuyên truyền, kích động, gây mất lòng tin trong người dân, kêu gọi sự ủng hộ vật chất, tinh thần của mọi người đối với hành động của Thúy, tập hợp lực lượng tiến tới thành lập tổ chức chính trị đối lập mang tên “Quốc hội tự xưng”, mục đích xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN ở Việt Nam. Đặc biệt, ngày 28 và 29-4-2020, Thúy còn đốt cờ Tổ quốc, cờ Đảng.
Đồng phạm giúp sức
Một số đối tượng đã giúp sức cho Thúy thực hiện hành vi phạm tội. Cụ thể, Phương dùng điện thoại di động quay video khi Thúy livestream tuyên truyền chống Nhà nước; chia sẻ các video từ tài khoản của Thúy sang tài khoản của Phương; đăng tải một số video quay Thúy đang livestream lên tài khoản Youtube của Phương; làm cờ vàng có 3 sọc đỏ ngang cho Thúy sử dụng khi livestream; tham gia cùng Thúy đốt cờ Tổ quốc; cho Thúy sử dụng tài khoản mà mẹ Phương cho mượn để Thúy nhận tiền giúp sức hoạt động chống Nhà nước từ các đối tượng và cũng là người chuyển, rút các khoản tiền này.
Còn Hòa cùng Thúy đến nhiều địa phương, gặp gỡ, nhận tài liệu, thông tin từ các đối tượng. Khi Thúy livestream, Hòa cảnh giới để ngăn cản công an, chính quyền địa phương vào làm việc. Hòa còn cho Thúy sử dụng tài khoản của mình để nhận tiền giúp sức hoạt động chống Nhà nước. Với Vũ Tiến Chi, sau khi xem Thúy livestream đã liên hệ, thường xuyên đến chơi, ở lại nhà Thúy, dùng tài khoản cá nhân chia sẻ các video mà Thúy đã đăng.
Nguyễn Khang Duy (cháu Thúy) khai, khoảng tháng 3-2020, khi Duy tới ở nhờ nhà Thúy để học cùng con của Thúy, Thúy nhờ Duy tải các video mình đã livestream chống Nhà nước rồi cắt ghép, chỉnh sửa, đăng lên tài khoản Youtube của Thúy.
Thanh minh và hối hận
Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Thúy 9 năm tù; Phương 7 năm tù; Hòa 5 năm tù cùng về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Tòa cũng phạt bổ sung 2 bị cáo Thúy và Phương, mỗi bị cáo phải chịu quản chế 3 năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù.
Bị cáo Thúy thanh minh, trước đó, những khiếu nại, tố cáo, yêu cầu của bị cáo về giáo dục (bị cáo nguyên là giáo viên), đất đai không được cấp có thẩm quyền đáp ứng vì không đủ căn cứ, điều kiện giải quyết. Từ đó, bị cáo nảy sinh oán hận, bất mãn, cho rằng bản thân gặp khó khăn trong công việc, cuộc sống do lỗi của chính quyền; do các cơ quan nhà nước tại địa phương cản trở hành vi của mình, nên quyết định chống đối Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên sau khi được giải thích, bị cáo đã thay đổi nhận thức, thành khẩn khai báo. Bị cáo Phương và Hòa cũng hối hận về hành vi của mình và lý giải do nhận thức hạn chế.
Hội đồng xét xử nhận định, công an đã phát hiện điện thoại của Thúy lưu trữ 31 video; 30 video đăng tải trên tài khoản Facebook và 50 video đăng trên tài khoản Youtube của Thúy; đồng thời thu giữ 5 tờ giấy nền vàng có 3 sọc đỏ ngang, 1 ảnh Bác Hồ bị dán bẩn, nhiều máy tính, điện thoại di động, tài liệu, hàng trăm lít xăng dầu, nhiều loại vũ khí… Điện thoại của Phương lưu trữ 12 video; 2 video trong tài khoản Facebook chia sẻ từ tài khoản của Thúy; 5 video đăng trên tài khoản Youtube của Phương. Kết luận giám định cho thấy, các video này đều có nội dung bôi nhọ, xúc phạm Bác Hồ và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tuyên truyền chống Nhà nước. Các video của Thúy đã có hàng ngàn lượt người xem, bình luận. Một số cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đã liên hệ giúp sức tinh thần, vật chất để Thúy có điều kiện hoạt động chống Nhà nước. Trong vụ án này, Thúy là người trực tiếp thu thập, tích lũy các thông tin thất thiệt, làm, đăng tải, phát tán, lan truyền các video trên mạng Internet nhằm tuyên truyền, kích động, tạo tâm lý hoang mang trong người dân, ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân… Tuy đã được vận động, giải thích nhưng bị cáo vẫn tiếp tục thực hiện các hành vi chống Nhà nước. Các bị cáo Phương, Hòa đã giúp sức cho Thúy thực hiện hành vi phạm tội. Như vậy, cáo trạng truy tố các bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật. Tuy nhiên, sau khi phạm tội, các bị cáo đã thành khẩn khai báo, phạm tội lần đầu, chưa có tiền án, tiền sự.
Riêng đối tượng Chi đã bị Công an Lâm Đồng khởi tố, điều tra cùng tội danh với 3 bị cáo nêu trên nên không xem xét trong vụ án này. Duy chưa đủ 15 tuổi nên không truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh nêu trên. Hà Thị Xuân ở tại nhà Thúy từ tháng 4 đến tháng 5-2020, chứng kiến Thúy livestream, tham gia đốt cờ Tổ quốc, cờ Đảng, nhưng quá trình điều tra chưa xác định Xuân ở đâu nên công an đang tiếp tục điều tra.