Hội đồng xét xử tuyên án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Sáng 22/1, tại Phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam – PVC) và các đồng phạm, Hội đồng xét xử đã tuyên án đối với các bị cáo.

Án phạt nặng cho nhóm tội “Tham ô tài sản”

Tòa đã tuyên án phạt bị cáo Trịnh Xuân Thanh 14 năm tù về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng,” tù chung thân về tội “ tham ô tài sản”. Tổng hợp hình phạt chung cho cả hai tội danh là tù chung thân.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Bị cáo Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng Giám đốc PVC) bị tuyên phạt 7 năm tù về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, 15 năm tù về tội “ tham ô tài sản.” Tổng hợp hình phạt chung cho cả hai tội danh là 22 năm tù.

Đối với nhóm bị cáo phạm tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng,” Tòa đã tuyên án phạt các bị cáo: Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN) 13 năm tù; Phùng Đình Thực (nguyên Tổng Giám đốc PVN), Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN) và bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN) cùng bị tuyên phạt 9 năm tù; Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban Tài chính kế toán và kiểm toán PVN) 7 năm tù;

Lê Đình Mậu (nguyên Phó Trưởng Ban kế toán và Kiểm toán PVN), Phạm Tiến Đạt (nguyên Kế toán trưởng PVC) cùng bị phạt 4 năm 6 tháng tù; Nguyễn Ngọc Quý (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVC) và Nguyễn Mạnh Tiến (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC) cùng bị phạt 6 năm tù; Vũ Hồng Chương (nguyên Trưởng Ban Quản lý Dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2) 3 năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm; Trần Văn Nguyên (nguyên Kế toán trưởng Ban Quản lý Dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2) 30 tháng tù treo, thời gian thử thách là 5 năm; Trương Quốc Dũng (nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam PVC) 17 tháng tù.

Đối với nhóm tội “tham ô tài sản,” bị cáo Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC) bị Tòa tuyên phạt 16 năm tù; Lương Văn Hòa (nguyên Giám đốc Ban Điều hành Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch) và Bùi Mạnh Hiển (nguyên Chánh Văn phòng PVC) cùng bị phạt 10 năm tù; Nguyễn Thành Quỳnh (nguyên Giám đốc kỹ thuật công nghệ Tổng Công ty cổ phần miền Trung – Công ty Cổ phần (Đà Nẵng) 8 năm tù; Lê Thị Anh Hoa (nguyên Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quỳnh Hoa) 3 năm tù treo, thử thách 5 năm. Riêng 3 bị cáo gồm: Nguyễn Đức Hưng (nguyên Trưởng Phòng Tài chính kế toán, Ban Điều hành Vũng Áng – Quảng Trạch thuộc PVC), Lê Xuân Khánh (nguyên Trưởng Phòng Kinh tế kế hoạch, Ban Điều hành Vũng Áng – Quảng Trạch thuộc PVC), Nguyễn Lý Hải (nguyên Trưởng Phòng Kỹ thuật, Ban Điều hành Vũng Áng – Quảng Trạch thuộc PVC) cùng bị phạt 3 năm tù treo, thử thách 5 năm. Ba bị cáo này được Hội đồng xét xử trả tự do ngay tại tòa.

Công tâm xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo

Đánh giá vị trí, vai trò, nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của các bị cáo, Hội đồng xét xử đã nhận định: Bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVC) có vai trò chính trong việc chỉ đạo PVC ký hợp đồng EPC số 33 trái quy định của pháp luật; xin cấp tạm ứng thực hiện hợp đồng khi chưa đủ điều kiện và quyết định sử dụng tiền tạm ứng trái luật.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm nghe tòa tuyên án. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đối với hành vi tham ô, bị cáo là người giữ vai trò chính trong việc đề ra chủ trương, cùng bị cáo Vũ Đức Thuận chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ, rút hơn 13 tỷ đồng từ Ban Điều hành Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch, để chia nhau sử dụng cá nhân, trong đó bị cáo trực tiếp chiếm đoạt 4 tỷ đồng. Hành vi chiếm đoạt của bị cáo Trịnh Xuân Thanh là đặc biệt nghiêm trọng, đủ điều kiện để áp dụng quy định tại Khoản 4, Điều 353 – Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức án là tử hình. Tuy nhiên, xét bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã cùng với gia đình tự nguyện khắc phục số tiền chiếm đoạt là 4 tỷ đồng.

Gia đình bị cáo đều là cán bộ có công với Nhà nước, tại phiên toà, phần nào cũng đã nhận ra sai phạm của mình. Hội đồng xét xử đã cân nhắc một cách toàn diện nội dung vụ án, nên quyết định không cần thiết áp dụng mức hình phạt cao nhất đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh nhằm mục đích giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung.

Đối với bị cáo Đinh La Thăng, Hội đồng xét xử cho rằng tại phiên tòa và tại cơ quan điều tra, bị cáo Đinh La Thăng đã cơ bản thừa nhận hành vi phạm tội, nhân thân chưa có tiền án, tiền sự. Cân nhắc tính chất mức độ hành vi phạm tội cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của bị cáo Đinh La Thăng, Hội đồng xét xử đã quyết định giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo và áp dụng hình phạt bổ sung, cấm đảm nhiệm chức vụ và làm công việc trong một thời gian nhất định.

Với cương vị nguyên là Tổng Giám đốc PVN, bị cáo Phùng Đình Thực mặc dù biết rõ PVC không đủ năng lực và kinh nghiệm nhưng bị cáo vẫn thực hiện sự chỉ đạo của bị cáo Đinh La Thăng, chỉ đạo cấp dưới ký Hợp đồng EPC trái quy định, sau đó tạm ứng cho PVC trái quy định. Bị cáo Phùng Đình Thực phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, gây tổn hại rất lớn về mặt kinh tế cho Nhà nước. Do vậy, cần thiết phải xử lý nghiêm đối với bị cáo.

Tuy nhiên, Hội đồng xét xử đã xem xét hoàn cảnh bị cáo Phùng Đình Thực thực hiện hành vi phạm tội là do sức ép của cấp trên, công việc được giao bị cáo đã ủy quyền cho bị cáo Nguyễn Quốc Khánh thực hiện, không tư lợi cá nhân, bản thân lại là nhà khoa học đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, nên có thể áp dụng mức hình phạt ngang với bị cáo Nguyễn Quốc Khánh cũng đủ tác dụng giáo dục, cải tạo bị cáo trở thành công dân có ích cho xã hội.

Buộc các bị cáo liên đời bồi thường cho nguyên đơn dân sự

Đối với tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, tại phiên tòa, nguyên đơn dân sự là PVN đã đề nghị Hội đồng xét xử buộc các bị cáo phải bồi thường các thiệt hại đã gây ra cho PVN. Hội đồng xét xử nhận thấy, do hành vi cố ý làm trái của các bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Phùng Đình Thực, Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Xuân Sơn, Vũ Đức Thuận, Ninh Văn Quỳnh, Lê Đình Mậu, Vũ Hồng Chương, Trần Văn Nguyên, Nguyễn Ngọc Quý, Nguyễn Mạnh Tiến, Phạm Tiến Đạt và Trương Quốc Dũng đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền là hơn 119 tỷ đồng, nên buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường số tiền này cho Nhà nước do PVN là đại diện.

Căn cứ vào tính chất mức độ hành vi phạm tội, vị trí vai trò và lỗi của từng bị cáo trong vụ án, Hội đồng xét xử phân định trách nhiệm dân sự đối với mỗi bị cáo như sau: Bị cáo Đinh La Thăng và bị cáo Trịnh Xuân Thanh có vai trò ngang nhau nên phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền là 60 tỷ đồng, trong đó chia theo kỷ phần mỗi bị cáo là 30 tỷ đồng. Các bị cáo Phùng Đình Thực, Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Xuân Sơn, Vũ Đức Thuận chịu trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền là 30 tỷ đồng, trong đó chia theo kỷ phần mỗi bị cáo phải bồi thường 7,5 tỷ đồng. Các bị cáo: Nguyễn Ngọc Quý, Nguyễn Mạnh Tiến, Ninh Văn Quỳnh mỗi bị cáo phải bồi thường 6 tỷ đồng. Các bị cáo: Trần Văn Nguyên, Vũ Hồng Chương, Phạm Tiến Đạt, Trương Quốc Dũng, Lê Đình Mậu, mỗi bị cáo phải chịu trách nhiệm bồi thường hơn 2,3 tỷ đồng.

Đối với tội “tham ô tài sản,” tại phiên tòa, nguyên đơn dân sự là PVC đã đề nghị Hội đồng xét xử buộc các bị cáo phải bồi thường các thiệt hại đã gây ra cho PVC. Hội đồng xét xử nhận thấy, các bị cáo: Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh, Bùi Mạnh Hiển, Lương Văn Hòa, Nguyễn Thành Quỳnh, Lê Thị Anh Hoa, Nguyễn Đức Hưng, Lê Xuân Khánh, Nguyên Lý Hải đã có hành vi tham ô chiếm đoạt số tiền là trên 13 tỷ đồng của Ban Điều hành Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch thuộc PVC nên phải buộc các bị cáo bồi thường số tiền này cho PVC. Tuy nhiên, trong số tiền này có 1.198.322.407 đồng đã được Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quỳnh Hoa nộp cho Chi cục Thuế Quảng Bình, Hội đồng xét xử thấy, đây là số tiền do phạm tội mà có, hơn nữa việc nộp số thuế này xuất phát từ các hợp đồng khống nên cần thiết buộc Chi cục Thuế tỉnh Quảng Bình trả lại cho PVC số tiền là 1.198.322.407 đồng. Do vậy, các bị cáo còn phải bồi thường số tiền là 11.867.940.064 đồng.

Căn cứ vào tính chất mức độ hành vi phạm tội, vị trí vai trò và lỗi của từng bị cáo trong vụ án, Hội đồng xét xử phân định trách nhiệm dân sự đối với mỗi bị cáo như sau: Bị cáo Trịnh Xuân Thanh phải bồi thường số tiền là 4 tỷ đồng, bị cáo Vũ Đức Thuận phải bồi thường số tiền là 800 triệu đồng, bị cáo Nguyễn Anh Minh phải bồi thường số tiền là 3.648.240.000 đồng, bị cáo Lương Văn Hòa phải bồi thường số tiền là 757.260.000 đồng, bị cáo Bùi Mạnh Hiển phải bồi thường số tiền là 400 triệu đồng, Nguyễn Thành Quỳnh cùng vợ là Lê Thị Anh Hoa phải liên đới bồi thường số tiền là 762.440.064 đồng; Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh và Bùi Mạnh Hiển phải liên đới bồi thường số tiền chiếm hưởng và sử dụng chung là 1,5 tỷ đồng, chia theo kỷ phần mỗi bị cáo là 375 triệu đồng.

Trong giai đoạn điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo và gia đình đã nộp số tiền khắc phục hậu quả. Cụ thể như sau: Nguyễn Quốc Khánh nộp 2 tỷ đồng, Trịnh Xuân Thanh nộp 4 tỷ đồng, Nguyễn Anh Minh nộp hơn 3,6 tỷ đồng, Vũ Đức Thuận nộp 800 triệu đồng, Lương Văn Hòa nộp hơn 2,4 tỷ đồng, Bùi Mạnh Hiển nộp 400 triệu đồng, Nguyễn Thành Quỳnh và Lê Thị Anh Hoa nộp hơn 977 triệu đồng, Nguyễn Đức Hưng nộp 20 triệu đồng, Lê Xuân Khánh nộp 10 triệu đồng. Số tiền này sẽ được khấu trừ vào trách nhiệm bồi thường dân sự của các bị cáo. Số tiền còn lại sẽ được trả cho các bị cáo.

Về việc kê biên tài sản của Trịnh Xuân Thanh, Hội đồng xét xử quyết định tiếp tục duy trì lệnh kê biên tài sản của Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an để đảm bảo cho việc thi hành án: Biệt thự số AD02-16 khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside; căn hộ số 15F05, The Costa 32-34 Trần Phú, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; xe ô tô Mazda CX5 màu trắng, biển kiểm soát 30A-970.97 đã giao cho Trịnh Hùng Cường (con trai bị cáo Trịnh Xuân Thanh) bảo quản và phong tỏa tài khoản; sổ tiết kiệm của vợ, chồng Trịnh Xuân Thanh, Trần Dương Nga cùng 2 con trai (Trịnh Hùng Cường, Trịnh Hùng Phương); phong tỏa chứng khoán do Trịnh Xuân Thanh và Trần Dương Nga (vợ của Trịnh Xuân Thanh) không cho chuyển nhượng để đảm bảo thi hành án.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm nghe tòa tuyên án. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Hội đồng xét xử kiến nghị làm rõ các nội dung liên quan

Theo công văn báo cáo của PVC, tình hình thực hiện thu hồi tiền tạm ứng của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đến thời điểm 10/1/2018 đã thu hồi được 1.240.200.000.000 đồng từ các nguồn: sử dụng tăng vốn điều lệ để bù đắp tạm ứng cho dự án là 317.200.000.000 đồng; thu hồi từ thoái vốn và thu hồi từ các dự án khác là 514.300.000.000 đồng; chi phí quản lý của PVC phục vụ dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là 408.600.000.000 đồng.

Như vậy, PVC đã phải sử dụng nguồn tiền khác để bù đắp vào khoản chi trái phép từ nguồn tiền tạm ứng thực hiện hợp đồng Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 của PVN, còn khoản tiền chi trái mục đích hiện chưa thu hồi được. Vì vậy, kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ việc sử dụng khoản tiền 1.115.868.979.065 đồng tiền tạm ứng thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vào các mục đích khác PVC để xử lý theo quy định của pháp luật.

Mặc dù PVC không đủ năng lực tài chính và kinh nghiệm chuyên môn để thi công các dự án lớn nhưng ngoài việc được chỉ định làm tổng thầu EPC Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 thì PVC còn được chỉ định thầu xây dựng một số dự án lớn khác như Ethanol Phú Thọ, Xơ sợi Đình Vũ… cho đến nay đã được Chính phủ xác định thất thoát thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Do vậy, kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ việc thất thoát này để xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với việc phê duyệt Dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và các dấu hiệu sai phạm khác tại PVN và PVC, Hội đồng xét xử kiến nghị Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật./.

Theo: Viet Nam Plus