Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định việc đi xe không chính chủ sẽ bị phạt, mức phạt cao nhất là 8 triệu đồng. Việc này khiến dư luận e ngại trong trường hợp mượn xe của người thân trong gia đình hay bạn bè.
Đi xe không chính chủ, đi xe của vợ/chồng, bố mẹ có bị phạt hay không?
Ngày 30/12/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Theo đó, Nghị định này đã tăng mức xử phạt đối với hàng loạt các hành vi vi phạm quy định về giao thông đường bộ, đáng chú ý là quy định tăng nặng mức xử phạt đối với chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ.
Theo quy định trên, kể từ ngày 01/01/2020 nếu chủ phương tiện mô tô, ô tô và các loại xe tương tự khi có phát sinh giao dịch như mua bán, tặng cho, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản mà không thực hiện việc đăng ký sang tên xe thì sẽ bị phạt tiền theo các mức tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Cụ thể, đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy, mức phạt tối đa lên đến 600.000 đồng nếu là cá nhân, 1.200.000 đồng nếu là tổ chức, đặc biệt, đối với chủ xe ô tô, mức phạt tối đa này sẽ lên đến 4.000.000 đồng nếu là cá nhân, 8.000.000 đồng nếu là tổ chức.
Trước đây, Nghị định 46/2016/NĐ-CP chỉ xử phạt hành vi trên ở mức 1.000.000 – 2.000.000 đồng và 2.000.000 đồng – 4.000.000 nếu chủ xe ô tô là cá nhân hoặc tổ chức; xử phạt 100.000 đồng – 200.000 đồng và 200.000 đồng – 400.000 đồng nếu chủ xe máy là cá nhân hoặc tổ chức.
Chia sẻ trên Kiến thức, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, việc quy định mức xử phạt này để tăng cường tính chất răn đe đối với hành vi trốn thuế, chậm nộp thuế vi phạm về thủ tục đăng ký phương tiện giao thông chứ không phải là “phạt xe không chính chủ” như nhiều người dân suy nghĩ.
Theo đó, pháp luật quy định về thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ khi chuyển quyền sở hữu tài sản là ô tô, xe máy.
Trong các trường hợp chuyển quyền sở hữu mà không thực hiện thủ tục đăng ký thì sẽ không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế với nhà nước, đồng thời gây khó khăn cho việc quản lý phương tiện giao thông.
Chính vì thế Luật giao thông đường bộ quy định đây là hành vi vi phạm và Nghị định 46, nay là Nghị định 100 quy định về mức chế tài xử phạt.
“Nếu phương tiện giao thông là của người thân trong gia đình, thậm chí của bạn bè mà người khác mượn, tham gia giao thông thì sẽ không bị xử phạt.
Quy định phạt xe không sang tên này chỉ áp dụng với hành vi không sang tên khi đã có hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế… chứ không phạt với hành vi cho mượn, chuyển quyền sử dụng nhưng không chuyển quyền sở hữu.
Khi chuyển quyền sử dụng (cho mượn) thì những trách nhiệm về mặt dân sự vẫn thuộc về chủ xe cơ giới”, luật sư Cường cho biết.