UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị” và “Xây dựng mô hình công dân học tập” giai đoạn 2021 – 2030. Trên cơ sở đó, Hội Khuyến học tỉnh đang triển khai các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện chương trình xây dựng xã hội học tập giai đoạn mới.
Thêm mô hình mới là công dân học tập
Chương trình xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua học tập thường xuyên, suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị dựa trên những thành quả thực hiện Đề án 281 giai đoạn 2015 – 2020 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thực hiện mô hình công dân học tập, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi cá nhân được tham gia học tập, hướng tới công dân số, đáp ứng yêu cầu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia và góp phần xây dựng thành công xã hội học tập.
TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Ông Trần Quang Mẫn – Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết, hội đang chuẩn bị các điều kiện để triển khai kế hoạch xây dựng xã hội học tập đến năm 2030. Trong đó, tập trung mọi nguồn lực để thực hiện 4 mô hình học tập đã có và mô hình mới là công dân học tập – vấn đề mới lần đầu tiên được đề cập ở Việt Nam. UBND tỉnh đã có hướng dẫn việc áp dụng các bộ tiêu chí khung và quy trình đăng ký, đánh giá, minh chứng và công nhận các danh hiệu xã hội học tập, công dân học tập. Cụ thể, có 3 bộ tiêu chí khung để đánh giá công dân học tập ứng với 3 đối tượng: Nông dân và lao động nông thôn; công nhân khu công nghiệp; trí thức. Mỗi bộ gồm 3 tiêu chí năng lực cốt lõi, 10 chỉ số kỹ năng và phẩm chất. Suy cho cùng, 3 vấn đề cốt lõi của một công dân học tập là tự học và học tập suốt đời, coi việc học là nhu cầu của cuộc sống; có năng lực thực hiện công việc; có năng lực hợp tác với tập thể, cộng đồng. Bộ tiêu chí mới ban hành mang tính chất thí điểm, trong quá trình thực hiện sẽ có những điều chỉnh phù hợp với thực tế.
Sẽ triển khai thí điểm
Trong giai đoạn mới, ngoài việc có thêm mô hình mới là công dân học tập, các mô hình học tập đã có gồm: Gia đình học tập, dòng họ học tập, đơn vị học tập, cộng đồng học tập cũng được bổ sung, nâng cấp, cụ thể hóa thêm một số chỉ tiêu, tiêu chí, có gắn với năng lực kỹ thuật số phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021 – 2030. Hội Khuyến học tỉnh đã biên soạn tài liệu triển khai chương trình xây dựng xã hội học tập giai đoạn mới để phổ biến và thống nhất thực hiện trong hệ thống hội các cấp. Trên tinh thần chỉ đạo của Trung ương Hội và UBND tỉnh, hội sẽ tiếp tục tập huấn, tuyên truyền và triển khai thí điểm ở các cấp; đến giữa quý II/2023 sẽ đánh giá sơ kết để rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, hội sẽ ký kết chương trình phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể về thực hiện chương trình. Khối trường đại học, cao đẳng được chọn làm trọng tâm để thí điểm mô hình công dân học tập, bởi có lực lượng trí thức đông đảo. Đối với nông dân và lao động nông thôn, công nhân khu công nghiệp, hội sẽ chọn 2 huyện để triển khai thí điểm. Ngoài ra, việc xây dựng mô hình công dân học tập sẽ từng bước gắn với công tác thi đua ở các đơn vị.
Theo ông Trần Quang Mẫn, đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn mới nêu rõ, ngân sách để thực hiện đề án sẽ được bố trí hàng năm để triển khai; tuy vậy vẫn cần sự năng động của các cấp hội để huy động tối đa nguồn lực xã hội. Hội Khuyến học tỉnh đề xuất có chế độ đặc thù đối với người làm công tác khuyến học ở cấp xã để khích lệ, động viên. Ngoài ra, để phát huy tốt nguồn lực cho cấp xã khi thực hiện đề án, cần xem xét sớm việc sáp nhập trung tâm học tập cộng đồng và trung tâm văn hóa – thể thao cấp xã. Việc sáp nhập đã có chủ trương nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc khi triển khai.
Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/giao-duc/202207/xay-dung-xa-hoi-hoc-tap-giai-doan-moi-8257816/