Sau cơn bão số 12 năm 2017, Dự án Nhà chống lũ đã đến với người dân thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa. Dự án đã và đang hỗ trợ người dân nơi đây kiên cố hóa nhà cửa nhằm tránh những tổn thất do thiên tai gây ra.
Nhà chống bão kiên cố hơn
Gia đình ông Nguyễn Thế Tuấn (phường Ninh Đa) dọn về ngôi nhà mới đã hơn 2 tháng sau khi căn nhà cũ bị cơn bão số 12 làm sập hoàn toàn. Không chỉ vui mừng vì có chỗ ở ổn định, ông Tuấn còn rất yên tâm khi ngôi nhà mới được xây dựng theo mô hình nhà ở chống bão do Dự án Nhà chống lũ hỗ trợ. Ngoài việc hỗ trợ về kỹ thuật, dự án còn hỗ trợ gia đình ông 35 triệu đồng và kết nối với một nhóm mạnh thường quân cho vay 35 triệu đồng không lãi suất, trả trong 10 năm.
Cũng là đối tượng được Dự án Nhà chống lũ hỗ trợ, gia đình anh Lê Sỹ Phú (thôn Gia Mỹ, xã Ninh An) vừa khởi công xây nhà dưới sự hướng dẫn của dự án. Theo anh Phú, trước đây, do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên người dân địa phương có thói quen xây nhà khá đơn giản, không trụ, không móng, không sắt, chỉ xây bằng gạch từ trước ra sau. Vì vậy, khi có bão, những căn nhà không kiên cố nhanh chóng bị đánh sập. Căn nhà cũ của gia đình anh cũng nằm trong trường hợp này. “Tôi dự kiến xây nhà khoảng 120 triệu đồng, trong đó dự án hỗ trợ 40 triệu đồng. Gia đình tôi hy vọng, với cách xây dựng này, ngôi nhà sẽ bền vững, kiên cố hơn, có thể chống chọi trong điều kiện bão lũ như vừa qua”, anh Phú chia sẻ. 
Ngoài gia đình anh Phú, đợt này xã Ninh An có 9 hộ gia đình được Dự án Nhà chống lũ hỗ trợ. Bên cạnh việc hỗ trợ xây nhà, các nhân viên của dự án còn tập huấn kiến thức, kỹ năng trú ẩn an toàn, ứng phó với thiên tai cho người dân. 
Ngôi nhà mới của một hộ ở phường Ninh Đa được hỗ trợ từ Dự án Nhà chống lũ.
Ngôi nhà mới của một hộ ở phường Ninh Đa được hỗ trợ từ Dự án Nhà chống lũ.
Năm 2018 hỗ trợ 50 nhà
Theo bà Nguyễn Thị Thu Lành – Quản lý Dự án Nhà chống lũ tại Khánh Hòa, sau cơn bão số 12, số hộ có nhà sập hoàn toàn, hư hỏng nặng, rất nặng tại Khánh Hòa rất lớn. Khảo sát thực tế, nhân viên dự án thấy nhiều tồn tại trong cách xây dựng nhà của người dân địa phương. Vì vậy, các kiến trúc sư của dự án đã đưa ra mô hình nhà chống bão để giúp người dân có chỗ ở an toàn, lâu dài. “Thực chất, mô hình này không phải là xây dựng ngôi nhà hoàn toàn khác biệt mà chỉ là kiên cố thêm những vị trí xung yếu của ngôi nhà như: móng, cột trụ, mái nhà… Điều này các gia đình có kinh tế khá giả, hộ dân ở thành thị đã làm, nhưng đối với người dân có hoàn cảnh khó khăn thì không dám làm vì tốn nhiều kinh phí. Do đó, chúng tôi thuyết phục họ xây dựng nhà theo mô hình này và sẽ hỗ trợ người dân kinh phí để có được ngôi nhà kiên cố”, bà Lành cho biết.

Ngày 21-11-2013, chương trình Nhà chống lũ ra đời do bà Phạm Thị Hương Giang (thường gọi là Jang Kều, hiện là Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn thương hiệu G’Brand) sáng lập và quản lý. Dự án kêu gọi các tổ chức, cá nhân và cộng đồng hỗ trợ với mục đích xây nhà an toàn và phát triển sinh kế bền vững cho người dân nghèo ở các vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu. Các hình thức gây quỹ như: kêu gọi tổ chức, cá nhân ủng hộ trực tiếp, mua sản phẩm (áo, dù, ba lô), ủng hộ sản phẩm, tổ chức sự kiện. Tính đến hết năm 2017, dự án đã xây dựng 523 ngôi nhà cho người dân nghèo trên toàn quốc. Năm 2017, dự án đã gây quỹ được hơn 10,3 tỷ đồng, nâng tổng số tiền gây quỹ từ ngày đầu thành lập dự án lên 29,5 tỷ đồng.   
Đối tượng hỗ trợ của dự án là các hộ có nhà sập hoàn toàn, hư hỏng nặng do cơn bão số 12 vừa qua, trong đó ưu tiên cho các hộ có trẻ em, hộ nghèo, khó khăn đông nhân khẩu. Sau khi khảo sát, kiến trúc sư tập huấn về các yêu cầu kỹ thuật khi xây nhà kiên cố (đối phó với bão, có tính sử dụng lâu dài, bền vững…) cho các hộ dân. “Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, người nghèo thường có tâm lý xây tạm một vài phòng để có chỗ ở trước mắt, còn nhà bếp, công trình phụ sẽ chắp vá sau. Hoặc nhiều hộ có suy nghĩ, thói quen xây phòng khách thật rộng nhưng phòng ngủ và bếp thì rất chật. Do đó, chúng tôi tư vấn và thuyết phục người dân nên xây nhà theo tiêu chí tăng công năng sử dụng, tạo không gian sinh hoạt thoải mái và tính sử dụng lâu dài. Phần kinh phí tăng thêm, dự án sẽ hỗ trợ để ngôi nhà có ý nghĩa, chứ không phải chỉ là chỗ ở tạm sau bão”, bà Lành chia sẻ. Sau khi thống nhất phương án hỗ trợ, bàn giao bản vẽ thiết kế cho hộ dân và nhà thầu, kiến trúc sư của dự án yêu cầu thực hiện đúng kỹ thuật bản vẽ và sẽ giám sát thi công một số giai đoạn quan trọng. Tùy vào từng trường hợp, hoàn cảnh, dự án sẽ hỗ trợ người dân từ 25 đến 40 triệu đồng. Trong đó, 70% số tiền hỗ trợ mua vật liệu xây dựng, 30% còn lại sẽ trao tiền mặt khi nghiệm thu nhà. Ngoài ra, dự án còn cho một số hộ vay tiền không lãi suất để có thêm kinh phí xây nhà. 
Tại Khánh Hòa, dự án mới triển khai ở thị xã Ninh Hòa với 19 ngôi nhà được hỗ trợ xây mới, sửa chữa 10 căn nhà. Tổng số tiền hỗ trợ khoảng 727 triệu đồng. Theo kế hoạch, trong năm 2018, dự án hỗ trợ 50 nhà ở cho người dân thị xã Ninh Hòa. Tuy nhiên, nếu đối tượng nằm trong các tiêu chí của dự án vẫn còn nhiều thì dự án sẽ mở rộng, tăng thêm nguồn hỗ trợ. Ông Cao Khánh Toàn – Phó Chủ tịch UBND phường Ninh Đa cho biết: “Tại địa bàn phường, Dự án Nhà chống lũ đã hỗ trợ xây dựng 6 nhà mới, sửa chữa 8 nhà với tổng số tiền hơn 272 triệu đồng. Hiện nay, dự án đang hỗ trợ xây 5 nhà mới với số tiền gần 180 triệu đồng và khảo sát thêm gần 20 hộ khác. Hoạt động của dự án rất thiết thực, ý nghĩa, góp phần giúp đỡ cho người dân có chỗ ở an toàn, kiên cố, lâu dài để ổn định đời sống sau cơn bão số 12. Vì vậy, chính quyền địa phương tích cực phối hợp rà soát, khảo sát để có nhiều hộ được hưởng lợi ích từ dự án”.
MAI HOÀNG

Theo: Báo Khánh Hòa