Thời gian qua, nhiều trường đại học (ĐH), cao đẳng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã hướng đến xây dựng mô hình “Thư viện xanh” với không gian mở, thuận tiện, thân thiện cho sinh viên (SV) đọc sách, nghiên cứu và học tập.
Tạo môi trường thân thiện
Thư viện của Trường ĐH Thái Bình Dương đưa vào sử dụng được 6 năm. Mới đây, nhà trường đã nâng cấp, đầu tư mới thư viện với không gian mở, hiện đại, tạo sức hấp dẫn không chỉ đối với giảng viên, SV của trường mà cả bạn đọc tìm đến đọc sách, nghiên cứu và học tập. Thầy Phạm Quốc Lộc – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngoài việc đáp ứng những tài liệu theo chương trình đào tạo, thư viện trường còn đa dạng hóa những tủ sách đặc biệt, như: personal collection (tủ sách cá nhân), tủ sách thông minh cảm xúc, tủ sách nghệ thuật, tủ sách văn hóa vùng Nam Trung Bộ. Với sức chứa hơn 100 bạn đọc/lượt, không gian thư viện gồm nhiều khu vực như: khu vực đọc sách cá nhân, học tập, thảo luận nhóm, không gian văn hóa: chiếu phim, biểu diễn, giới thiệu tác phẩm, gặp gỡ diễn giả… SV Lê Thị Phương – ngành Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Thái Bình Dương cho biết, thiết kế của thư viện mới tạo cảm giác thoải mái, thân thiện cho SV hơn so với thư viện cũ của trường. Thư viện mới chia thành nhiều khu vực, có không gian để SV nghiên cứu, học tập, làm bài tập nhóm rất thuận tiện hơn.
Tại thư viện của Trường Đại học Nha Trang, ngoài 3 tòa nhà có 7 phòng đọc với tổng số 1.000 chỗ ngồi; 2 kho sách và phòng tạp chí để truy cập Internet và cơ sở dữ liệu đa phương tiện, nhà trường còn bố trí nhiều khu tự học với không gian xanh, thoáng đãng và yên tĩnh cho SV học nhóm, sinh hoạt học thuật.
Hiện nay, các trường: ĐH Tôn Đức Thắng, Cao đẳng Du lịch Nha Trang, ĐH Khánh Hòa… cũng đã xây dựng mô hình thư viện thân thiện, có các khu vực đọc khác nhau phù hợp với từng nhóm SV và thể loại tài liệu, hoặc hoạt động. Theo lãnh đạo các trường, thư viện không chỉ là nơi chứa sách mà đang dần trở thành một trung tâm thông tin, trung tâm văn hóa và sinh hoạt cộng đồng, khuyến khích sáng tạo cho SV và giảng viên.
Làm thay đổi thói quen của sinh viên
Với những thư viện thiết kế mở, các cán bộ thư viện không còn làm nhiệm vụ đi lấy sách phục vụ người đọc mà giữ vai trò tư vấn, giới thiệu cho bạn đọc tìm kiếm thông tin, tài liệu. Bạn đọc có thể tra cứu thông tin về sách trên hệ thống máy tính tại thư viện, sau đó tìm theo sơ đồ chỉ dẫn đến các kho sách và trực tiếp lấy sách đọc tại chỗ hay làm thủ tục mượn sách về nhà, qua đó góp phần nâng cao chất lượng tìm kiếm tài liệu. “Khi đến thư viện của trường, tất cả đều là tài liệu mở nên chúng em có thể tham khảo và tra cứu dễ dàng. Thư viện còn có khu vực thảo luận nhóm và có thể nghỉ trưa. Đặc biệt, kho tài liệu tham khảo vừa có truy cập Internet vừa có tham khảo tài liệu luận văn tiến sĩ, tài liệu nước ngoài…” – một sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch Nha Trang chia sẻ.
Ông Nguyễn Quý Hoàn – Giám đốc Thư viện Trường ĐH Nha Trang cho biết, với việc tạo ra những trung tâm thông tin thư viện sẽ giúp SV tiếp cận tài liệu học tập một cách tốt nhất. Thư viện của trường đang phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học cho hơn 1.000 cán bộ, học viên cao học và nghiên cứu sinh, hơn 12.000 SV tại Nha Trang và 15.000 SV đào tạo xa trường. Thư viện có lượng lớn tài liệu với 18.000 đầu sách khác nhau (46.000 bản), trong đó 23.000 bản bằng tiếng nước ngoài; gần 3.500 luận án và 300 loại báo, tạp chí trong nước và quốc tế. Thư viện cũng có cơ sở dữ liệu điện tử gồm 4.000 cuốn sách và hàng trăm nghìn tài liệu tham khảo có bản quyền được cung cấp theo đường dẫn trực tuyến. Nguồn thông tin được cập nhật hàng năm với 2.000 đầu sách mới (5.000 bản).
Thầy Phạm Quốc Lộc cho rằng, việc chú trọng đến mô hình thư viện mở, thân thiện với người đọc của nhiều trường ĐH đã làm thay đổi nhận thức và thói quen của SV, giảng viên đối với việc học, đọc sách và tổ chức các hoạt động trong không gian thư viện.
THANH TRÚC
Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/giao-duc/202203/xay-dung-mo-hinh-thu-vien-xanh-8245726/