Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Xây dựng kịch bản hậu Covid-19

Để ứng phó hiệu quả trước sự tác động của dịch bệnh Covid-19, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế – xã hội cho thời gian tới. Sở cũng đưa ra một số giải pháp nhằm hạn chế tác động của dịch bệnh, thúc đẩy tăng trưởng của các ngành.

Tăng trưởng khó


Theo báo cáo của Sở KH-ĐT, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng, nhu cầu tiêu dùng và ăn uống đều giảm. Các khách sạn lớn công suất phòng chỉ đạt khoảng 50%, một số cơ sở kinh doanh phục vụ khách nước ngoài tại Cam Lâm và Nha Trang tạm đóng cửa, người lao động phải nghỉ việc với số lượng lớn. Các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc như: thủy sản, cà phê, dệt may, nông sản… bị tác động mạnh, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2020 của tỉnh.



Lĩnh vực dệt may sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.



Sở KH-ĐT nhận định, các lĩnh vực xuất nhập khẩu, du lịch và giao thông vận tải sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp và so với cùng kỳ năm trước, các chỉ số đều giảm mạnh. Dự báo, nếu dịch kết thúc cuối quý I thì xuất khẩu trong quý ước đạt 335 triệu USD, giảm 15%; nhập khẩu ước đạt 170 triệu USD, giảm 5,8%. Trong quý, khách Trung Quốc ước đạt 180.000 lượt, giảm khoảng 420.000 lượt; khách quốc tế giảm khoảng 15% – 20%. Trong trường hợp dịch kết thúc vào quý II, xuất khẩu trong quý ước đạt 360 triệu USD, giảm 11,9%. Trong đó, nông sản và thủy sản sẽ giảm khoảng 24%. Nhập khẩu giai đoạn này cũng chỉ đạt khoảng 215 triệu USD, giảm 7%. Đối với du lịch, 6 tháng đầu năm, nguồn khách Trung Quốc sẽ giảm khoảng 1 triệu khách so với trường hợp không có dịch. Các ngành khác như: công nghiệp, nông lâm, thủy sản, đầu tư, lao động, việc làm… cũng bị ảnh hưởng gián tiếp. Đối với công nghiệp, quý I và quý II chỉ tăng trưởng từ 6,5% đến 7%.


Ông Trần Hòa Nam – Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động đầu tư sẽ bị tác động, làm giảm đầu tư trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn. Đặc biệt, khu vực đầu tư có vốn nước ngoài và khu vực đầu tư ngoài nhà nước sẽ ảnh hưởng lớn. Hoạt động dịch vụ du lịch, khách sạn giảm mạnh doanh thu. Tình hình này dẫn đến việc nợ xấu tăng cao. Ngoài ra, khả năng các hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư Trung Quốc nói riêng và các quốc gia khác nói chung sẽ bị trì hoãn. Đối với các dự án đã đầu tư, các nhà đầu tư cũng có khả năng hoãn việc tăng vốn. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt đối với các mặt hàng không thiết yếu sẽ giảm mạnh, điều này làm cho sản xuất bị đình trệ, hàng tồn kho lớn.

Hỗ trợ khôi phục sản xuất


Theo lãnh đạo Sở KH-ĐT, ngay sau khi kiểm soát, dập dịch thành công, các sở, ngành cần tập trung hỗ trợ khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương cùng các sở, ngành liên quan và các địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất các mặt hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản; nghiên cứu chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh các ngành hàng; kịp thời thông tin các biện pháp mà Trung Quốc áp dụng ảnh hưởng đến xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Song song đó, triển khai một số gói chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ cho doanh nghiệp, nông dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh; chú ý đến việc khoanh nợ, miễn, giảm lãi vay… nhằm nhanh chóng phục hồi sản xuất và xuất khẩu.





Đối với Sở Du lịch, Sở KH-ĐT đề nghị sở này phối hợp với các cơ quan liên quan, Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa và các doanh nghiệp triển khai kế hoạch phục hồi, đưa khách du lịch quốc tế đến Khánh Hòa khi kết thúc dịch bệnh. Bên cạnh đó, chuẩn bị nguồn lực, công cụ để triển khai hiệu quả chương trình quảng bá, xúc tiến tại các thị trường khách du lịch.


Ngoài ra, trong kịch bản xây dựng cho hậu Covid-19, Sở KH-ĐT yêu cầu tất cả các sở, ngành và địa phương thực hiện đồng bộ, linh hoạt các chính sách để thúc đẩy tăng trưởng; bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, nâng cao năng suất lao động và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Kịch bản cũng nhấn mạnh việc huy động tổng thể các nguồn lực để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. “Đặc biệt, các sở, ngành và địa phương cần chú ý tháo gỡ vướng mắc kịp thời, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh triển khai các dự án phát triển công nghiệp mới để bổ sung năng lực sản xuất. Du lịch biển, đảo phải được tận dụng để trở thành thế mạnh nhằm kích thích, tạo động lực phát triển sản xuất cho các ngành, lĩnh vực khác”, ông Nam cho biết.


Đình Lâm



Ông Nguyễn Đắc Tài – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa:

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh rất lớn. Chính vì vậy, không thể đợi đến khi hết dịch mới tìm phương án ứng phó và các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế. Ngay từ bây giờ, các cấp, ngành phải có  phương án sản xuất, kinh doanh cho thời gian tới; đồng thời phải có phương án ứng phó cụ thể cho ngành mình quản lý.

 


Theo: Báo Khánh Hòa