Kế thừa thành quả của Dự án VLAP, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai (CSDLĐĐ), góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước theo hướng hiện đại.

Số hóa hơn 327.000ha

Theo lãnh đạo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, hệ thống CSDLĐĐ được xây dựng đồng bộ và hiện đại sau khi có Dự án VLAP. Hệ thống này khắc phục nhiều mặt yếu mà trước đó không thể làm được. “Trước đây, đất ở đô thị do Sở Xây dựng cấp, đất nông nghiệp do Sở Địa chính cấp, đất rừng do Kiểm lâm cấp,  mỗi nơi một kiểu rất khó quản lý. Bên cạnh đó, Văn phòng Đăng ký đất đai thành lập năm 2005 nhưng là 2 cấp (huyện, tỉnh) nên rất khó chỉ đạo. Năm 2015, khi xây dựng văn phòng 1 cấp, chúng tôi mới chỉ đạo xây dựng hệ thống CSDLĐĐ để tận dụng thành quả của Dự án VLAP”, ông Nguyễn Văn Phúc – Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh cho biết.  

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Bộ phận xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai tại Văn phòng Đăng ký đất đai.

Bộ phận xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai tại Văn phòng Đăng ký đất đai.

VLAP là dự án áp dụng công nghệ hiện đại trong công tác quản lý đất đai mà nổi bật là phần mềm VILIS (phần mềm hệ thống thông tin đất đai). Tuy nhiên, để xây dựng hệ thống CSDLĐĐ đòi hỏi các nhà quản lý cần sáng tạo thêm, không đơn thuần dừng lại với phần mềm VILIS. Ông Phạm Ngọc Ẩn – Trưởng phòng Thông tin lưu trữ và CSDLĐĐ, Văn phòng Đăng ký đất đai cho biết, ngoài phần mềm VILIS do Trung ương cung cấp, bộ phận công nghệ thông tin của văn phòng còn xây dựng phần mềm bản đồ dùng chung cho toàn tỉnh. Bản đồ này cho phép khớp nối tất cả các thửa đất tại các địa phương đã xây dựng CSDLĐĐ trên cơ sở hệ tọa độ VN 2000. Bên cạnh đó, các cán bộ của văn phòng cấp tỉnh và các chi nhánh còn phải thực hiện việc cập nhật thông tin về thửa đất, ranh giới thửa đất và quét scan toàn bộ hồ sơ với đầy đủ thông tin và tính pháp lý của thửa đất. Việc xây dựng hệ thống CSDLĐĐ như trên cho phép bất kỳ cán bộ nào của văn phòng đều có thể trích xuất, kiểm tra, nhận biết một thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay chưa, thửa đất đó trước đây cấp cho ai, ai là chủ sở hữu, có chồng lấn hay không… Từ đó, chủ động trong công tác quản lý nhà nước về đất đai.

Với cách quản lý này, có thể nói, Khánh Hòa là một trong số ít tỉnh, thành tiên phong trong lĩnh vực quản lý đất đai theo hình thức số hóa. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được CSDLĐĐ cho hơn  327.000ha với hàng triệu thửa đất. Trong đó, tổ chức hơn 211.000ha và hộ gia đình, cá nhân hơn 115.000ha.

Cần xây dựng kho lưu trữ

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, tuy việc xây dựng hệ thống CSDLĐĐ đã đạt kết quả bước đầu, toàn tỉnh đã quản lý đến 85% diện tích đã cấp giấy chứng nhận, song hiện nay, công tác lập CSDLĐĐ vẫn còn một số khó khăn. Giai đoạn 2 của Dự án VLAP gọi là Dự án tăng cường quản lý đất đai và CSDLĐĐ (VILG) sẽ thực hiện tại 2 địa phương còn lại là thị xã Ninh Hòa và huyện Diên Khánh. Kinh phí Trung ương sẽ không bao cấp toàn bộ mà chỉ cấp phần thực hiện CSDLĐĐ. Chi phí đo đạc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giao cho địa phương.

Đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thành khâu lập dự toán kỹ thuật và dự toán bổ sung phần đo đạc và cấp giấy chứng nhận. Thiết kế dự toán đã được gửi về Ban Quản lý Dự án Trung ương, Bộ TN-MT kiểm tra, thẩm định với kinh phí dự kiến 250 tỷ đồng (Ban Quản lý Trung ương 50 tỷ đồng, địa phương 200 tỷ đồng). Tuy nhiên, do chưa có ý kiến phản hồi từ Ban Quản lý Dự án Trung ương nên giai đoạn 2 chưa thể triển khai. Sở TN-MT đã đề xuất tỉnh cấp kinh phí thực hiện giai đoạn 2. Sau khi hoàn thành việc số hóa CSDLĐĐ tại 2 địa phương còn lại xem như tỉnh hoàn tất bộ hệ thống CSDLĐĐ.

Ngoài ra, hiện nay, tuy việc cập nhật CSDLĐĐ đã được số hóa nhưng việc lưu trữ hồ sơ dữ liệu bằng giấy cũng rất quan trọng, vì đây là các tài liệu, văn bằng chứng minh nguồn gốc thửa đất qua các thời kỳ. Vì vậy, cần có kho chứa đảm bảo đủ điều kiện lưu trữ, chống mối mọt, xuống cấp, hư hỏng. Trong khi đó, tại Văn phòng Đăng ký đất đai cũng như các chi nhánh còn thiếu nơi làm việc, nơi lưu trữ. Nhiều nơi phải để hồ sơ ngoài hành lang (thị xã Ninh Hòa), gặp thời tiết mưa nắng, gió bão dễ làm hỏng hồ sơ. Từ 2 khó khăn nói trên, Sở TN-MT đang đề xuất tỉnh hỗ trợ kinh phí thực hiện trong thời gian tới. Lúc đó, hệ thống CSDLĐĐ mới hoàn chỉnh, góp phần hiện đại hóa công tác quản lý đất đai trên địa bàn.

V.LẠC

Theo: Báo Khánh Hòa