UBND tỉnh Khánh Hòa đang chỉ đạo xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất công để hiện đại hóa công tác quản lý đất đai thống nhất từ tỉnh đến cơ sở.

Cập nhật dữ liệu

Theo ông Nguyễn Văn Phúc – Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, từ tháng 7-2018, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về rà soát, thống kê, báo cáo và đăng ký đất công ích và đất nông nghiệp do UBND cấp xã quản lý, đến nay, cơ bản các địa phương đã có báo cáo thống kê cho tỉnh. Đây là nội dung quan trọng để tỉnh có thể số hóa dữ liệu thông tin về đất công, đất công ích nhằm tăng cường quản lý đất công.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Nhập dữ liệu tại Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh.

Nhập dữ liệu tại Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh.

Việc yêu cầu cung cấp dữ liệu đất công thời gian qua gặp nhiều khó khăn, chậm tiến độ do đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm; hồ sơ lưu trữ đất công của cấp xã chủ yếu là hồ sơ giấy, lưu trữ không đầy đủ qua các thời kỳ; các biến động do tranh chấp; các địa phương cấp huyện không có kinh phí điều tra, rà soát. Chỉ một vài đơn vị chủ động do xây dựng được cách thống kê từ trước như TP. Nha Trang. Ông Nguyễn Chí Danh – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Nha Trang cho hay, từ năm 2016, TP. Nha Trang đã xây dựng Đề án Đo đạc và lập hồ sơ quản lý quỹ đất công trên địa bàn thành phố nên chủ động hơn trong việc báo cáo cho tỉnh. Việc xây dựng đề án nhằm tăng cường quản lý đất công, đất công ích trên địa bàn ngày càng chặt chẽ; rà soát, đánh giá, lập hồ sơ đầy đủ, chi tiết các thửa đất thuộc quỹ đất công ích (đất 5%) giao các xã, phường quản lý theo Nghị định 64 của Chính phủ; đồng thời cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính đối với các thửa đất thuộc quỹ đất công. Trước đây, việc quản lý, lưu trữ chủ yếu là các bản đồ giấy, được lập theo phương án 64, sổ mục kê, sổ đăng ký ruộng đất, các tài liệu của hợp tác xã bàn giao cho xã quản lý nên chưa xác định cụ thể thông tin thửa đất công, công ích trên hệ thống hệ tọa độ quốc gia VN-2000 và vị trí thực địa của thửa đất, gây khó khăn cho việc cập nhật, số hóa thông tin. Thành phố triển khai đề án và đến nay đã cơ bản hoàn thiện số liệu với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng.

Việc cập nhật số liệu đất đai không chỉ gặp khó trong việc cập nhật dữ liệu mà còn phức tạp do sự biến động đất đai qua nhiều thời kỳ dưới sự quản lý của cấp xã. Ông Võ Thành Sơn – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vạn Ninh cho biết, vừa qua, Ban Kinh tế – Xã hội, HĐND huyện tiến hành giám sát chuyên đề về công tác quản lý đất công thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã. Qua giám sát cho thấy, vấn đề này bộc lộ nhiều khiếm khuyết trong công tác quản lý như: đất công bị lấn chiếm; cho thuê không qua hình thức đấu giá; nhiều nơi chưa hoàn thành thủ tục để trình tỉnh phê duyệt giá khởi điểm; diện tích đất công không còn sử dụng không có kế hoạch sử dụng, bỏ hoang gây lãng phí, thậm chí có thửa xảy ra việc xét cấp nhầm gây khiếu kiện…

Tăng cường số hóa

Nha Trang: Tổng thửa đất công ích, đất nông nghiệp do cấp xã quản lý là 1.072 thửa, tổng diện tích hơn 110ha; Cam Ranh: 961 thửa, 207ha; Cam Lâm: 2.049 thửa, tổng diện tích hơn 435ha; Diên Khánh: 6.234 thửa, 573ha; Khánh Vĩnh: 172 thửa, 165ha; Khánh Sơn: 51 thửa, 272ha; Ninh Hòa: 924ha (chưa tách được số liệu thửa); Vạn Ninh: 5.852 thửa, 165ha.

Theo lãnh đạo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, đến thời điểm này, việc cập nhật, thống kê, báo cáo số liệu đất công, đất công ích, đất nông nghiệp do cấp xã quản lý của các địa phương cơ bản hoàn tất. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị cấp xã chưa báo cáo số liệu (2 xã: Vạn Bình, Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh). Qua thống kê cho thấy nhiều xã, phường không có quỹ đất nói trên (7 xã, phường ở TP. Cam Ranh; 7 xã ở huyện Khánh Vĩnh; 3 xã ở huyện Khánh Sơn; 2 xã ở thị xã Ninh Hòa). Việc rà soát, cập nhật số liệu đất công, đất công ích, đất nông nghiệp còn bộc lộ nhiều bất cập trong công tác quản lý như việc cho thuê đất 5% qua các thời kỳ một số trường hợp làm thất lạc, không quản lý được; cập nhật chưa đầy đủ. Trước mắt, việc cập nhật nhằm xây dựng bộ cơ sở dữ liệu đất đai của tỉnh, những thửa nào chưa xác định được chủ thể sử dụng đất sẽ bổ sung, cập nhật sau. Qua đó, siết chặt công tác quản lý đất công, số hóa cơ sở dữ liệu đất công làm nền tảng cho việc quản lý đất đai theo hướng hiện đại.

Được biết, đến nay, việc số hóa dữ liệu đất đai đối với đất hộ gia đình, cá nhân toàn tỉnh đã thực hiện xong, bước đầu phát huy tác dụng trong việc quản lý. Hiện nay, tỉnh tiếp tục số hóa dữ liệu đất đai đối với đất công, đất công ích, đất nông nghiệp để hoàn chỉnh việc số hóa đất đai. Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh đang tiến hành nhập cơ sở dữ liệu để quản lý đối với huyện Diên Khánh, TP. Cam Ranh và thị xã Ninh Hòa, các địa phương còn lại sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

V. LẠC

 
 

Theo: Báo Khánh Hòa