Xã Sông Cầu (huyện Khánh Vĩnh) tập trung phấn đấu hoàn thành nông thôn mới (NTM) vào năm 2019. Để trở thành xã NTM đầu tiên của huyện miền núi, một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của địa phương là đưa thu nhập của người dân lên cao hơn nữa.
Thu nhập chưa đạt
Xã Sông Cầu có diện tích tự nhiên khoảng 25km2, trong đó đất sản xuất nông nghiệp chưa đầy 500ha. Người dân chủ yếu sinh sống bằng nông nghiệp, phần lớn là trồng cây mía. Những năm gần đây, cây mía không mang về thu nhập như mong đợi nên một số hộ đã chuyển đổi sang trồng bưởi, sầu riêng. Đến nay, toàn xã có khoảng 30ha sầu riêng, 50ha bưởi da xanh. Những cây trồng này bước đầu mang về nguồn thu tốt.
Thống kê đến hết năm 2017, người dân xã Sông Cầu có thu nhập bình quân 25,6 triệu đồng/người/năm. Theo tiêu chí thu nhập trong chương trình NTM, năm 2019, con số này phải đạt 38 triệu đồng/người/năm. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Hoa – Chủ tịch UBND xã Sông Cầu cho biết: “Ngoài diện tích cây sầu riêng, bưởi da xanh vừa phát triển, người dân trong xã chủ yếu trồng mía và trồng keo. Trong khi đó, đây không phải là loại cây trồng có thu nhập cao. Vì vậy, xã quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp cụ thể để thay đổi điều này”.
Tính đến nửa năm 2018, Sông Cầu đã đạt 16/19 tiêu chí NTM. Trong 3 tiêu chí chưa đạt, tiêu chí tổ chức sản xuất và tiêu chí hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật có thể hoàn thành. UBND xã đã chỉ đạo hợp tác xã cây ăn quả Sông Cầu làm đầu mối liên hệ với các doanh nghiệp giải quyết việc làm cho lao động trong thời gian nông nhàn. Đồng thời đứng ra làm đầu mối các gói dịch vụ giống cây trồng, vật nuôi nhằm giúp hợp tác xã hoạt động hiệu quả hơn và có mối liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Nhiệm vụ trọng tâm của xã hiện nay là tập trung nâng cao thu nhập cho người dân.
Nhiều giải pháp nâng thu nhập
Ngày 25-9-2018, UBND huyện Khánh Vĩnh đã xây dựng kế hoạch để đưa Sông Cầu trở thành xã NTM vào năm 2019. Kế hoạch đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó chủ yếu là hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; tìm kiếm thêm việc làm.
Thời gian qua, UBND xã Sông Cầu đã tạo điều kiện và hỗ trợ cho 418 người lao động làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong tỉnh, trong và ngoài nước, giải quyết đáng kể việc làm ổn định cho lao động ở địa phương, đồng thời góp phần nâng cao thu nhập. Huyện đã chỉ đạo UBND xã tiếp tục phát huy lĩnh vực này. Đối với việc hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, theo ông Nguyễn Văn Đồng – Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, địa phương vận động người dân chuyển đổi đất trồng cây hàng năm, cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả đến năm 2019 khoảng 20ha.
Ngoài ra, huyện đã đề nghị cấp trên hỗ trợ giống cây trồng, phân bón cho 7 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đã được cấp đất sản xuất theo cơ chế hỗ trợ 100% giống, phân bón, không quá 10 triệu đồng/ha. Đồng thời, huyện cũng đề nghị cấp trên cho cơ chế đặc thù đối với 13 hộ nghèo và 29 hộ cận nghèo nhằm nâng cao hơn nữa thu nhập cho các đối tượng này. Bên cạnh đó, với 19 hộ có hoàn cảnh tương đối khó khăn, nguy cơ tái cận nghèo cao, huyện đang xin cơ chế hỗ trợ chăn nuôi cho mỗi hộ là 5 triệu đồng.
Đối với đầu tư hạ tầng sản xuất nông nghiệp, năm 2016, UBND tỉnh đã phê duyệt cho xã Sông Cầu được xây dựng 2 công trình hợp thủy. Hiện nay, huyện đã đề nghị tỉnh cấp vốn để thực hiện 2 công trình này. Tổng nguồn vốn đầu tư hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất trong năm 2019 dành cho Sông Cầu hoàn thành mục tiêu trở thành xã NTM là gần 4,4 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh gần 2,5 tỷ đồng.
Trao đổi thêm về vấn đề thu nhập, ông Nguyễn Ngọc Hoa khẳng định: “Trong giai đoạn 2013 – 2016, Nhà nước đã hỗ trợ 66 con bò sinh sản và hơn 1 tỷ đồng cho người dân phát triển sản xuất. Những chương trình này đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 3,5%. Trong thời gian tới, khi Cụm công nghiệp Sông Cầu đi vào hoạt động, hứa hẹn sẽ tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần vào việc tăng thu nhập cho người dân”.
Hồng Đăng
Theo: Báo Khánh Hòa