Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Xã Ninh Xuân: Đất làm gạch tăng giá

Đến năm 2020, các lò gạch thủ công trên địa bàn thị xã Ninh Hòa sẽ chấm dứt sản xuất theo quy định của UBND tỉnh Khánh Hòa. Thực hiện chủ trương này, ngành chức năng thị xã đang tăng cường các biện pháp quản lý khai thác nguồn nguyên liệu đất không rõ nguồn gốc, không cho phép tận thu mỏ đất sét. Chính vì thế, giá đất làm gạch trên địa bàn liên tục tăng, trong khi giá gạch không tăng khiến các cơ sở sản xuất lao đao.

Khan hiếm đất làm gạch

Theo các cơ sở sản xuất gạch nung trên địa bàn xã Ninh Xuân, từ sau Tết đến nay, tình hình thiếu đất làm gạch ngày càng căng thẳng. Giá bắt đầu bị đẩy lên, từ 600.000 đồng lên 700.000 đồng/xe (7 – 8m3) khiến các cơ sở làm gạch gặp khó. Đặc biệt, giá tăng mạnh khoảng 2 – 3 tháng gần đây khi chính quyền thị xã ráo riết vào cuộc, chặn bắt các xe chở đất không rõ nguồn gốc. Hiện nay, giá đất tại các cơ sở có giấy phép cung cấp đã tăng lên trên dưới 1 triệu đồng/xe.

Nguyên nhân của việc tăng giá, theo người dân là do chính quyền siết chặt quản lý nguồn tài nguyên đất sau thời gian dài đất làm gạch bị thả nổi, không kiểm soát; thứ hai là nguồn dự trữ trong dân và các cơ sở làm gạch cũng dần cạn kiệt. Bên cạnh đó, các đơn vị cung cấp đất làm gạch bị kiểm soát gắt gao. Trước đây, trên địa bàn thị xã có nhiều nơi cung cấp, hiện nay chỉ còn 2 đơn vị có giấy phép hoạt động.

Bà Nguyễn Thị Hoài – chủ một cơ sở làm gạch tại thôn Phước Lâm, xã Ninh Xuân cho biết, cơ sở đang lâm vào cảnh rất khó khăn vì giá đất nguyên liệu tăng đột biến, trong khi giá gạch thành phẩm không tăng (ổn định mức 660.000 – 670.000 đồng/1.000 viên). Tuy nhiên, cơ sở không thể dừng sản xuất, bởi phải nuôi hàng chục công nhân với mức lương bình quân 4 – 5 triệu đồng/người/tháng, rồi tiền điện, nguyên liệu đốt, tiền lãi ngân hàng mỗi tháng tổng cộng hàng trăm triệu đồng.

Được biết, các cơ sở sản xuất gạch tại Ninh Xuân đã chuyển đổi từ lò đứng sang lò nằm, là lò được tỉnh cho phép hoạt động đến trước năm 2020.

Nguồn cung đất làm gạch khan hiếm khiến các cơ sở lao đao.

Không thể can thiệp

Ông Lê Bá Thuận – Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa: Tình hình khan hiếm đất làm gạch là có thật, bởi thị xã đang thực hiện ráo riết chỉ thị của UBND tỉnh về việc chấm dứt sản xuất lò gạch thủ công theo lộ trình. Hiện nay, trên địa bàn chỉ còn vài doanh nghiệp có giấy phép cung cấp nguồn nguyên liệu sản xuất gạch hoạt động tại xã Ninh Hưng. Trách nhiệm của địa phương là tăng cường công tác quản lý, vì thế, chính quyền thị xã không thể can thiệp sâu hơn vào vấn đề này.

Theo lãnh đạo UBND thị xã Ninh Hòa, thực hiện Đề án Phát triển vật liệu không nung trên địa bàn thị xã, năm 2017, thị xã đã chi hỗ trợ tháo dỡ lò gạch thủ công (lò đứng) với tổng kinh phí 1,08 tỷ đồng (21 cơ sở, 54 vỏ lò) và đang chuẩn bị hỗ trợ bổ sung 9 cơ sở, 14 vỏ lò với số tiền 280 triệu đồng. Các xã, phường trên địa bàn cũng đã phạt 8 cơ sở tự xây lò nằm (lò Hoffman). Theo thống kê của UBND thị xã, đến nay, trên địa bàn chỉ có 38 cơ sở sản xuất gạch bằng lò nằm sử dụng nguyên liệu đốt là bột cưa, mùn trấu, phụ phế phẩm công nghiệp. Theo đề án, lộ trình chấm dứt các lò này trước năm 2020.

Thị xã Ninh Hòa kiến nghị tỉnh chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với thị xã trong lộ trình chấm dứt sản xuất gạch nung và phát triển gạch không nung trên địa bàn; tăng định mức hỗ trợ lò vòng và lò vòng cải tiến, (hiện nay 20 triệu đồng là thấp, trong khi lò vòng đầu tư 700 – 800 triệu đồng/lò); không cho phép khai thác tận thu mỏ đất sét nhằm ngăn chặn sản xuất lén lút gạch nung thủ công, tiến tới chấm dứt triệt để hoạt động này; tìm nguồn cung cấp nguyên liệu cùng dây chuyền vật liệu không nung, phổ biến dây chuyền sản xuất gạch không nung…

Ông Trần Lân – Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho hay, chủ trương của tỉnh là không khuyến khích sản xuất gạch nung, lộ trình đến năm 2020 sẽ chấm dứt hoạt động lò gạch thủ công trên địa bàn. Vì vậy, thị xã không thể giải quyết nguồn nguyên liệu cho các cơ sở gạch nung.

V.LẠC

Theo: Báo Khánh Hòa