Những ngày này, không khí Tết cổ truyền đã len lỏi trong từng ngõ xóm, đến từng nhà của đồng bào Công giáo ở xã Cam Phước Đông (TP. Cam Ranh). Đây vừa là dịp để đồng bào Công giáo thể hiện lòng kính yêu Chúa vừa tỏ lòng biết ơn đối với ông bà tổ tiên, cha mẹ để hướng tới một năm mới tốt đẹp hơn.
Kính Chúa, nhớ ơn ông bà tổ tiên
Những ngày này, đồng bào Công giáo trên địa bàn xã Cam Phước Đông chuẩn bị đón năm mới Nhâm Dần với đầy sự hân hoan, phấn khởi. Không khí rộn ràng của mùa xuân trải khắp thánh đường và ngôi nhà, ngõ xóm trong các vùng giáo xứ. Trước Tết, người Công giáo lo dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ Chúa, bàn thờ tổ tiên để thể hiện lòng thành kính, mong muốn năm mới an lành. Trong không khí cả nước chuẩn bị đón Tết, người Công giáo cũng rộn ràng mua sắm, chuẩn bị hoa chưng Tết. Bên cạnh đó, họ còn có cách đón năm mới rất riêng, đó là chuẩn bị tâm hồn trong sáng: dọn mình xưng tội, làm nhiều việc bác ái.
Ghé thăm nhà ông Trương Minh Nghĩa (thôn Thống Nhất) vào một ngày cuối tháng Chạp, không khí Tết dường như đã tràn ngập từ sân vườn đến trong nhà. Người con trai đi làm xa nay đã trở về phụ ông Nghĩa lau dọn bàn thờ Chúa và bàn thờ tổ tiên sạch sẽ, chu đáo. Ông Nghĩa cũng đã kịp mua một chậu mai rực rỡ về chơi Tết. Bánh trái, gạo nếp gói bánh tét cũng chuẩn bị sẵn sàng. Ông Nghĩa tâm sự: “Tết cổ truyền đối với người theo đạo cơ bản giống người bên lương. Mùng một gia đình sẽ đi lễ nhà thờ, bốc thăm lấy lời chúc của Chúa để có một năm may mắn, an lành. Mùng hai là ngày con cháu sum vầy để tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Tuy nhiên, người Công giáo không làm cơm cúng mà chỉ cúng trái cây, cầu nguyện. Đến mùng ba, chúng tôi sẽ lên nhà thờ cầu nguyện cho mùa màng tốt tươi bội thu”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tuyến (thôn Hòa Bình, đang làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Cam Phước Đông) cho biết, cứ đến 22 giờ ngày cuối cùng của năm cũ là gia đình ông đi dự lễ tất niên ở nhà thờ Phú Nhơn, rồi đón giao thừa tại đây. Mọi năm, lễ tất niên rất đông vui nhưng năm nay, địa phương và Giáo xứ khuyến cáo hạn chế tập trung đông người nên khả năng sẽ ít người hơn. Theo ông Tuyến, người Công giáo không quan niệm ngày tốt – ngày xấu, không có tục lệ xông đất, chọn tuổi… “Đối với người Công giáo, cứ ngày nào làm được nhiều việc thiện thì đó là ngày tốt. Chúng tôi kính Chúa, nhớ ơn ông bà tổ tiên, hướng đến những điều tốt đẹp”, ông Tuyến chia sẻ.
Cùng hướng tới những điều tốt đẹp
Theo báo cáo của UBMTTQ Việt Nam xã Cam Phước Đông, dân số trên địa bàn xã khoảng 14.000 người, trong đó có hơn 70% là đồng bào Công giáo, tập trung chủ yếu ở 4 thôn: Thống Nhất, Suối Môn, Hòa An, Hòa Bình. Những năm qua, Đảng, chính quyền, MTTQ thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, động viên chức sắc tôn giáo trong các dịp lễ, Tết; đồng thời quà tặng cho giáo dân có hoàn cảnh khó khăn. Tết này, UBMTTQ Việt Nam xã đã tặng 220 suất quà cho các gia đình giáo dân có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Nguyễn Thành Mỹ – Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Cam Phước Đông cho biết, những năm gần đây, nhờ được Nhà nước đầu tư hạ tầng giao thông, kênh mương nội đồng bài bản nên đời sống người dân trên địa bàn xã, nhất là đồng bào Công giáo ngày càng ổn định. Người dân yên tâm làm ăn, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, thực hiện tốt các nghĩa vụ công dân, sống “tốt đời, đẹp đạo”. Trong dịp Tết cổ truyền, giáo dân chấp hành nghiêm các quy định ở khu dân cư.
VĂN KỲ
Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202201/xa-cam-phuoc-dong-tet-o-vung-dong-bao-cong-giao-8242026/