Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Vụ tố làm giả giấy sang nhượng để chiếm đất: Không đủ cơ sở

Người có đất khẳng định chỉ cho thuê đất nhưng người thuê lại làm giả giấy sang nhượng để chiếm đất. Tuy nhiên, kết quả giải quyết của cơ quan chức năng cho thấy không đủ cơ sở xem xét nội dung này.  

Tố người thuê làm giả giấy sang nhượng


Trong đơn và qua trình bày, vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Mùi – Lê Thị Chót (trú Vĩnh Phú, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm) cho biết, năm 1996, gia đình ông bà được Nhà nước cấp đất canh tác theo Nghị định 64 của Chính phủ, với diện tích gần 3.200m2 ở Vĩnh Phú, Suối Tân, Cam Lâm. Ông bà đã trồng mì trên diện tích này. Năm 1997, ông bà cho ông Đặng Ngọc Cần ở gần đó thuê diện tích trên từ năm 1997 đến 2015 với giá 5 chỉ vàng. Ông Cần giữ giấy cho thuê đất và trồng hoa màu. Năm 1998, ông bà Mùi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích trên.


Năm 2015, gia đình ông Mùi thấy ông Cần đào hố trồng cây lâu năm nên phản đối và yêu cầu trả lại đất. Ông Cần không đồng ý và đưa ra một giấy sang nhượng đất mì đề ngày 25-1-1999, khẳng định vợ chồng ông Mùi đã bán đất cho ông. Tuy nhiên, ông Mùi và bà Chót cho rằng, giấy sang nhượng do ông Cần ngụy tạo ra nhằm chiếm đoạt, ông bà không hề ký vào giấy này nên đã tố cáo đến các cơ quan chức năng và khởi kiện ra tòa.    

Bác yêu cầu khởi kiện


Qua xác minh tại Tòa án nhân dân (TAND) huyện Cam Lâm và TAND tỉnh, được biết, vụ án dân sự đòi tài sản giữa bà Chót (nguyên đơn) và ông Cần (bị đơn) đã được TAND huyện Cam Lâm xét xử sơ thẩm ngày 21-11-2019. Hội đồng xét xử sơ thẩm đã tuyên không chấp nhận yêu cầu của bà Chót về việc buộc ông Cần trả lại mảnh đất ở Vĩnh Phú và công nhận hợp đồng chuyển nhượng ngày 25-1-1999 giữa hai bên có hiệu lực. Ngày 29-5-2020, vụ án trên được xét xử phúc thẩm do bà Chót có kháng cáo. Cấp phúc thẩm cũng tuyên không chấp nhận yêu cầu của bà Chót, công nhận hợp đồng chuyển nhượng ngày 25-1-1999 có hiệu lực; ông Cần có quyền liên hệ cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục sang tên mảnh đất trên.


Hội đồng xét xử cũng nhận định, trong khi ông Mùi và bà Chót khẳng định chỉ cho thuê đất nhưng không cung cấp được giấy cho thuê, ông Cần cũng không thừa nhận việc này. Ngược lại, ông Cần cung cấp được giấy sang nhượng đất ngày 25-1-1999, trong đó có nêu hai bên đồng ý với thời hạn cho đến khi “xã bàn”, tức là khi Nhà nước thu hồi toàn bộ đất trong dân để chia lại. Ông bà Mùi – Chót khẳng định không ký vào giấy sang nhượng nhưng kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh ngày 7-11-2017 cho thấy, chữ ký của bà Chót trên giấy sang nhượng là thật.


Ngoài giấy sang nhượng này, tại biên bản làm việc của UBND xã với bà Chót và ông Cần ngày 21-1-2016 liên quan đến tranh chấp đất đai, bà Chót thừa nhận đã sang nhượng đất cho ông Cần với giá 5 chỉ vàng. Như vậy, việc bà Chót sang nhượng đất cho ông Cần là có thật.


Đối với chữ ký của ông Mùi trên giấy sang nhượng, kết luận giám định xác định không phải chữ ký của ông Mùi, cũng có nghĩa ông Mùi không ký vào giấy sang nhượng. Tuy nhiên, tại thời điểm Nhà nước cấp đất năm 1998, ông Mùi và các con đều sống cùng nhà với bà Chót, không có ý kiến về việc ông Cần trồng cây lâu năm (xoài, mãng cầu) trên đất; 5 chỉ vàng đã được dùng để sửa chữa nhà ở chung của gia đình. Theo Án lệ 04/2016, trường hợp nhà đất là tài sản chung của vợ chồng mà chỉ có một người đứng tên ký hợp đồng chuyển nhượng, người còn lại không ký tên trong hợp đồng; nếu có đủ căn cứ xác định bên chuyển nhượng đã nhận đủ số tiền theo thỏa thuận, người không ký tên trong hợp đồng biết và cùng sử dụng tiền chuyển nhượng nhà đất; bên nhận chuyển nhượng nhà đất đã nhận và quản lý, sử dụng nhà đất đó công khai; người không ký tên trong hợp đồng biết mà không có ý kiến phản đối thì phải xác định người đó đồng ý với việc chuyển nhượng nhà đất. Đây là một căn cứ để cấp phúc thẩm nhận định, cấp sơ thẩm xác định ông Mùi và các con đồng ý với việc bà Chót sang nhượng cho ông Cần là đúng. Ngoài ra, tuy giấy sang nhượng không được công chứng, chứng thực nhưng bà Chót đã nhận đủ tiền sang nhượng. Sau khi nhận đất, ông Cần đã san ủi, đóng cọc, làm hàng rào, trồng cây, sử dụng ổn định, liên tục và phù hợp với quy hoạch, không bị xử phạt hành chính. Do đó, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên có hiệu lực.


Được biết, cho đến nay, ngoài bản án phúc thẩm có hiệu lực ngay sau khi tuyên, chưa có văn bản nào của cấp có thẩm quyền cao hơn giải quyết tranh chấp này.


N.VŨ

Theo: Báo Khánh Hòa

Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/phap-luat/202007/vu-to-lam-gia-giay-sang-nhuong-de-chiem-dat-khong-du-co-so-8175488/