Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Vụ lừa bán thiên thạch dỏm: Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm

Cơ quan điều tra cho rằng chưa xác định được lai lịch, nhân thân của 3 đối tượng, còn các bị cáo (BC) lại cung cấp hình ảnh, thông tin về các đối tượng. Tuần vừa qua, cấp phúc thẩm đã tuyên hủy bản án sơ thẩm vụ án Lê Anh Nguyên và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản để điều tra, xét xử lại.

Chưa xác định được 3 đối tượng?

Vụ án liên quan đến nhóm đối tượng lừa bán viên thiên thạch dỏm tại Khánh Hòa mà cấp sơ thẩm đã xét xử năm 2018.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị hủy án.

Theo hồ sơ, khoảng tháng 5-2017, Lê Anh Nguyên (sinh năm – SN 1973, trú Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận)  quen Phan Thành Dư (SN 1975, trú quận 8, TP. Hồ Chí Minh) – là người làm thuê cho ông B.V.S ở TP. Hồ Chí Minh. Biết ông S. mê đá quý và thường tìm mua đá quý để bán lại kiếm lời, Dư bàn với Nguyên tìm cách lừa ông S. tin Nguyên có đá thiên thạch cần bán và tìm người đóng vai bán đá. Nguyên đồng ý và rủ thêm Nguyễn Liễu Anh Vinh (SN 1974, trú Di Linh, tỉnh Lâm Đồng). Vinh cùng Nguyên nhờ một ông già người dân tộc thiểu số (thường gọi là ông già đeo kính) đóng giả người chủ viên đá và rủ thêm 7 người trong làng là đồng bào dân tộc Chăm, Chu Ru, Raglai đóng giả làm vợ, con, cháu ông này.

Sáng 23-6-2017, tại Diên Khánh, nhóm Nguyên đã lừa bán cho ông S. viên đá thiên thạch giả lấy 1,3 tỷ đồng. Sau khi bị bại lộ, 8 đối tượng trong nhóm Nguyên đã giao nộp 932,45 triệu đồng.

Cáo trạng xác định, quá trình điều tra, còn 3 đối tượng khác là ông già người dân tộc thiểu số cùng vợ và 1 nam thanh niên người Kinh nhưng cơ quan điều tra vẫn chưa xác định được nhân thân, lai lịch nên chưa có căn cứ để xử lý; khi nào xác định được các đối tượng trên thì sẽ xử lý theo quy định.

Vì vậy, cấp sơ thẩm đã tuyên phạt BC Nguyên 14 năm tù; Dư 13 năm tù; Vinh 12 năm tù. 5 BC còn lại cùng mức án 10 năm tù gồm: Thổ Anh Nhịn (SN 1997), Trần Thị Thiết (SN 1986), Mang Quyên (SN 1994, cùng trú Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận), Y Oanh (SN 1985, trú Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng), Ma Hương (SN 1979, trú Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng). Các BC còn phải liên đới bồi thường tiếp cho người bị hại 300 triệu đồng. Sau xét xử sơ thẩm, các BC kháng cáo, đồng thời gửi đơn kêu cứu đến Tòa án nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng.

Bị cáo cung cấp thông tin về đối tượng

Tại phiên tòa phúc thẩm, các BC cho rằng, cơ quan tiến hành tố tụng đã bỏ lọt tội phạm, điều tra không khách quan, dẫn tới các BC phải chịu hình phạt quá nặng. Các BC đã trả lại toàn bộ phần tiền được chia nhưng vẫn bị buộc phải bồi thường tiếp đối với phần mà 3 đối tượng không bị khởi tố, truy tố đã chiếm đoạt là không công bằng. Đặc biệt, cơ quan điều tra xác định chưa xác minh được nhân thân, lai lịch 3 đối tượng là chưa chính xác.

Để chứng minh, các BC khai rõ, ông già đeo kính trú tại thôn Mađanh, xã Tutra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Người đóng vai vợ ông già đeo kính thường gọi là mẹ Tâm, trú thôn Cambót, xã Tutra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Nam thanh niên người Kinh là anh Thái (lấy tên cha), thực tế hay gọi là Dương, ở thôn Ninh Thái, xã Ninh Loan, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Các BC còn cung cấp ảnh chụp 2 ông, bà già, nhà ở của đối tượng Thái (Dương) cùng số điện thoại của những người này và khẳng định, trước nay 3 đối tượng vẫn ở làng, không đi đâu xa. Các BC cũng lý giải, ở phiên tòa sơ thẩm đã khai không biết rõ 3 đối tượng này do thiếu hiểu biết pháp luật, tưởng khai như vậy sẽ nhẹ tội.

Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng nhận định, 3 đối tượng trên là những đồng phạm trong vụ án, đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra chưa tiến hành đối chất làm rõ, chỉ xác minh 1 lần nhưng nội dung chưa đầy đủ, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Vì vậy, hội đồng xét xử phúc thẩm đã quyết định tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Được biết, trong bản án sơ thẩm, hội đồng xét xử cũng đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục điều tra làm rõ 3 đối tượng trên, nếu đủ căn cứ đề nghị xử lý theo quy định để tránh bỏ lọt tội phạm.

N.VŨ

Theo: Báo Khánh Hòa