Dư luận ở Nha Trang giật mình khi thấy trong một vụ án mua bán khách sạn trị giá hàng chục tỉ đồng tại 28 A đường Hoàng Hoa Thám, phường Lộc Thọ, TAND TP.Nha Trang có những dấu hiệu xét xử không bình thường, bất chấp cả sự thật và pháp luật, chiều chuộng và ưu ái nguyên đơn một cách thái quá ?

Bản án sơ thẩm lần một “vi phạm nghiêm trọng tố tụng dân sự” (!)

Bà Trương Thị Thúy Sen, sinh 1961, trú 125 Thống Nhất, Nha Trang vay ngân hàng Nam Á 5 tỉ đồng, cộng lãi suất 500 triệu đồng, nhưng không có tiền để trả. Ở chỗ quen biết, bà Sen đến vợ chồng ông Đoàn Hồng Ngọc, Lâm Ái Sang, trú số 8 Tô Vĩnh Diện đặt vấn đề vay mượn tiền và sang nhượng khách sạn. Do GCNQSHNO và QSDĐO (sổ đỏ) đang nằm trong ngân hàng nên hai bên phải lập “Bản thỏa thuận và cam kết vay tiền”. Bản thỏa thuận vay số tiền 5,5 tỉ đồng có thời hạn trong 4 tháng. Nếu bà Sen không trả được thì ông Ngọc, bà Sang được ưu tiên mua khách sạn. Ngày 21/8/2008, sau khi hai bên ký thỏa thuận, ông Ngọc, bà Sang đưa cho bà Sen 2,2 tỉ đồng nộp ngân hàng. Ngày 22/8 ông Ngọc, bà Sang đưa tiếp 3,3 tỉ nữa; tổng số là 5,5 tỉ. Vậy là sổ đỏ được lấy ra. Cùng ngày (22/8) hai bên đến Phòng Công chứng số 1, tỉnh Khánh Hòa ký Hợp đồng chuyển nhượng và công chứng nhằm đảm bảo khoản tiền vay.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Khách sạn Ngọc Sang II.

Sau 4 tháng, bà Sen không bán được khách sạn, đã đồng ý bán cho ông Ngọc, bà Sang với giá 7 tỉ đồng. Ngày 22/12/2008 bà Sen lập biên bản thỏa thuận theo Hợp đồng đã ký giao khách sạn cho ông Ngọc, bà Sang và nhận nốt số tiền 1,5 tỉ đồng; bà Sen cam kết sẽ không khiếu nại, khiếu kiện gì nữa trong việc mua bán này. Ông Ngọc, bà Sang tiến hành sữa chữa khách sạn, làm các thủ tục bổ sung đăng ký kinh doanh, đổi tên khách sạn “Mặt trời mọc” sang khách sạn “Ngọc Sang II”, tổ chức kinh doanh theo qui định của pháp luật. Thế nhưng, ngày 9/2/2009, bà Trương Thị Thúy Sen trở mặt, khởi kiện ông Đoàn Hồng Ngọc, bà Lâm Ái Sang ra TAND TP.Nha Trang yêu cầu “hủy một phần biên bản thỏa thuận và cam kết vay tiền; hủy Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất”. Bà Sen nại ra: “Hợp đồng…” số 1900 ngày 22/8/2008 mặc dù đã được công chứng nhưng đó là hợp đồng giả tạo nhằm che dấu một giao dịch dân sự khác là “biên bản thỏa thuận và cam kết vay tiền” ngày 21/8/2008; đồng thời khảng định “Đó là một giao dịch dân sự đã vô hiệu do giả tạo”. Ngày 04/12/2009 TAND TP.Nha Trang mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ kiện, tuyên bố chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, vô hiệu “Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ và tài sản gắn liền với đất” số 1900 giữa ông bà Đoàn Hồng Ngọc, Lâm Ái Sang với bà Trương Thị Thúy Sen; buộc ông bà Ngọc, Sang trả khách sạn cho bà Sen và bà Sen trả lại số tiền 7 tỉ đồng, cộng lãi suất theo ngân hàng và các khoản sữa chữa khác với tổng số tiền trên 564 triệu đồng cho ông Ngọc, bà Sang. HĐXX TAND TP.Nha Trang còn ban hành quyết định số 522/QĐ-BPKCTT nhằm đảm bảo thi hành khoản tiền 872 triệu đồng mà bà Trương Thị Thúy Sen vay của bà Nguyễn Thị Hồng Tuyết, trú 11 đường Phương Câu, phường Phương Sài, TP. Nha Trang.

Bản án của Tòa bị ông Ngọc, bà Sang và cả bà Sen kháng cáo. Ngày 21/01/2010, Viện Kiểm sát Nhân dân TP.Nha Trang ban hành quyết định kháng nghị, đề nghị TAND tỉnh Khánh Hòa đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm theo hướng: “Hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ cho tòa cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo qui định của pháp luật, bởi lẽ: Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ và tài sản gắn liền trên đất số 1900 ngày 22/8/2008 giữa bà Trương Thị Thúy Sen với ông, bà Đoàn Hồng Ngọc, Lâm Ái Sang là hợp pháp, đúng qui định tại Điều 450, Bộ Luật Dân sự. Mặt khác, thời điểm chuyển nhượng, tài sản nói trên là của bà Sen. Sau khi chuyển nhượng, bên nhận chuyển nhượng đã hoàn thành nghĩa vụ của mình. Khi giao nhà bà Sen cam kết không khiếu nại bất cứ điều gì của hợp đồng. Việc TAND TP.Nha Trang ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để đảm bảo thi hành khoản tiền phải trả cho người khác do bà Sen nợ nhưng không xác minh tài sản khách sạn 28A thời điểm ban hành quyết định là của ai. Do đó, quyết định 522/QĐ-BPKCTT của TAND TP.Nha Trang là trái pháp luật, vì đến nay chưa có cơ quan nhà nước thẩm quyền nào ban hành quyết định hủy hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ và tài sản gắn liền trên đất số 1900 ngày 22/8/2008, đối với khách sạn 28A Hoàng Hoa Thám, Nha Trang giữa bà Sen và ông Ngọc, bà Sang. Như vậy, Bản án nói trên của TAND TP.Nha Trang là không có căn cứ pháp luật, vi phạm nghiêm trọng trong thực hiện tố tụng dân sự”.

Ngày 2/2/2010, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Khánh Hòa ra quyết định kháng nghị Quyết định công nhận hòa giải thành số 07/2009/QĐHGT-DS ngày 2/4/2009 của TAND TP.Nha Trang giữa bà Trương Thị Thúy Sen và bà Nguyễn Thị Hồng Tuyết; đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND tỉnh Khánh Hòa đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy quyết định 07, giao hồ sơ vụ án cho TAND TP.Nha Trang giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

 Ngày 08/01/2014 nguyên đơn Trương Thị Thúy Sen có đơn rút toàn bộ đơn khởi kiện và đơn kháng cáo; bị đơn Đoàn Hồng Ngọc – Lâm Ái Sang cũng rút đơn. Ngày 16/01/2014 TAND tỉnh Khánh Hòa mở phiên tòa phúc thẩm, ban hành Quyết định số 01/2014/QĐ-PT hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm.

Khuất tất đến ngờ vực khi thụ lý và xét xử vụ án lần II

Khi có quyết định của Tòa Phúc thẩm, bà Trương Thị Thúy Sen lại viết giấy cam kết “không khiếu nại gì nữa”, nhưng khoảng giữa năm 2015, bà này đến nói với ông Đoàn Hồng Ngọc “xin được giới thiệu ai đó mua khách sạn, để hưởng phần chênh lệch”. Lần này ông Ngọc vẫn đồng ý, nhưng với điều kiện: Đưa cho ông 9,5 tỉ đồng chứ không phải 7,5 tỉ đồng như năm 2009.

Theo ông Đoàn Hồng Ngọc và bà Lâm Ái Sang, thực tế trong năm 2015 và đầu năm 2016 đã có nhiều người đến xem khách sạn nhưng xem rồi họ lại bỏ đi. Mãi đến tháng 6/2016 bà Sen hẹn ông Ngọc đến quán cà phê Vườn Treo tại số 02 đường Ngô Quyền, TP.Nha Trang để nhận tiền. Khi đến nơi ông thấy có 3 người, nhưng một trong 3 người đó đang cãi qua cãi lại với luật sư Lê Văn Trường (người bảo vệ quyền lợi cho bà Sen) nên ông Ngọc bỏ về. Sau này ông Ngọc được biết ba người khách kia là anh em ruột của ông Triển, Công an Hà Nội vào đặt cọc cho bà Sen 500 triệu đồng, còn việc họ mua bán khách sạn như thế nào, giá bao nhiêu thì ông không biết. Sau vụ mua bán không thành này, ông Ngọc biết thêm một điều nữa là bà Sen, luật sư Trường và ông Nguyễn Tuấn Long, thẩm phán TAND TP.Nha Trang đã có sự thỏa thuận: Phải đưa vụ án ra xét xử, hủy hợp đồng chuyển nhượng số 1900 thì mới bán được. Vậy là bà Sen lại tiếp tục khởi kiện ông Ngọc ra Tòa lần thứ 2, bất chấp Quyết định số 01/2014/QĐ-PT ngày 16/01/2014 của TAND tỉnh Khánh Hòa hủy bản án sơ thẩm số 147/2009/DS-ST của TAND TP.Nha Trang và đình chỉ vụ án. Khi tiến hành hòa giải, ông Ngọc nói rõ: Việc mua bán khách sạn này là tự nguyện, công khai, hợp pháp không che dấu bất cứ một giao dịch nào khác. Hợp đồng mua bán nhà… và cam kết vay tiền là thỏa thuận dân sự liên quan với nhau, cái này là tiền đề của cái kia. Khi hòa giải, trước mặt ông Ngọc và thẩm phán Nguyễn Tuấn Long, bà Trương Thị Thúy Sen trắng trợn thúc dục tòa xử sớm để bà có bản án gửi ra Hà Nội yêu cầu người mua giao tiền vì họ đã đặt cọc. Trường hợp có bản án hủy hợp đồng 1900 rồi nhưng người mua không mua nữa thì coi như mất tiền cọc. Còn thẩm phán Nguyễn Tuấn Long thì nói với ông Ngọc: “Nếu Tòa xử, ông sẽ thua”!.

Ngày 19/12/2016 TAND TP.Nha Trang mở phiên tòa xét xử vụ án lần 2. Luật sư Lê Văn Trường tranh luận tại phiên tòa cho rằng “Hợp đồng mua bán nhà số 1900… là giả chấp để che đậy thỏa thuận vay tiền. Xét thấy hai bên đều có lỗi nên đề nghị Tòa tuyên bản án hủy Hợp đồng…, nhưng trả lại tiền mua khách sạn cho ông Ngọc. Lần xử đó, không rõ lý do gì,  thẩm phán Nguyễn Tuấn Long hội ý HĐXX rồi tuyên bố tạm dừng phiên tòa. Sau đó thẩm phán Long chuyển công tác lên TAND tỉnh, vụ án được giao lại cho thẩm phán Võ Đình Phương.

Thỏa thuận mua bán nhà và nhận cọc giữa bà Trương ThịThúy Sen và bà Phan Thị Kim Thịnh cùng các thông báo của bà Sen.

Ngày 16/1/2017 TAND TP.Nha Trang mở phiên tòa xét xử vụ án. Bà Trương Thị Thúy Sen và luật sư của bà là ông Lê Văn Trường không ra tòa. Phiên tòa phải hõa. Ngày 9/8/2017, phiên tòa mở lại lần 2. Lần này cả nguyên đơn Thúy Sen và luật sư Trường lại vắng mặt. Thẩm phán Phương tiếp tục tuyên bố hoãn phiên tòa. Lần thứ ba, phiên tòa được tổ chức vào ngày 25/8/2017. Bà Sen và luật sư Trường không đến dự phiên tòa. Chủ tọa Võ Đình Phương cho biết bà Sen vắng mặt do bị bệnh “đĩa đệm” và theo Điều 247 (nhưng không nói luật nào) tòa vẫn tiến hành xét xử. Ngày 28/8/2017, sau 4 ngày nghỉ nhiều hơn xét xử, HĐXX tuyên bản án: Chấp nhận hoàn toàn yêu cầu của nguyên đơn, hủy Hợp đồng số 1900 ngày 22/8/2008 về việc chuyển quyền sử dụng nhà đất và tài sản gắn liền với đất tại 28A Hoàng Hoa Thám, Nha Trang giữa ông bà Đoàn Hồng Ngọc, Lâm Ái Sang với bà Trương Thị Thúy Sen. Bản án đưa ra những nhận định hết sức khó hiểu: “Trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng nhà đất nhưng không yêu cầu xem xét “văn bản thỏa thuận và cam kết vay tiền” nên Tòa không có cơ sở để xem xét. Mặt khác việc giao nhận tiền vay và nhận thế chấp là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ văn bản thỏa thuận và cam kết vay tiền chứ không phải nhận từ Hợp đồng chuyển nhượng nhà đất… Điều đó cho thấy việc ký Hợp đồng chuyển nhượng nhà đất nêu trên, các bên không giao nhận bất cứ khoản tiền nào và không giao nhận giấy CNQSDĐ trong hợp đồng này. Trên cơ sở đó HĐXX tuyên hủy Hợp đồng chuyển nhượng và buộc giao trả nhà đất (khách sạn) số 1900, nhưng không có cơ sở để xem xét buộc bà Sen phải trả số tiền vay 7 tỉ đồng cho ông Ngọc, bà Sang như bản luận cứ của luật sư Lê Văn Trường”. Tóm lại, bản án của Tòa do thẩm phán Võ Đình Phương làm Chủ tọa đã lấy không khách sạn 10 tầng của ông Đoàn Hồng Ngọc, Lâm Ái Sang giao cho bà Trương Thị Thúy Sen mà bà Sen không phải trả lại cho ông Ngọc, bà Sang bất cứ một khoản tiền nào (?). Đây là một bản án có dấu hiệu sai sự thật, trái đạo lý, vi phạm nghiêm trọng pháp luật ở nhiều góc độ.

Điều bất ngờ đến mức khó hiểu hơn là khi vụ án chưa đưa ra xét xử thì nguyên đơn Trương Thị Thúy Sen đã làm văn bản thỏa thuận mua bán nhà đất và nhận tiền cọc với người khác (không phải là ông Triển). Biên bản đề ngày 17/07/2017, trước lúc có bản án 01 tháng 12 ngày. Người nhận chuyển nhượng khách sạn là bà Phan Thị Kim Thịnh, sinh 1964, trú phòng 403-N2F-KĐT Trung Hòa, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội. Số tiền thỏa thuận chuyển nhượng là 16,5 tỉ đồng và số tiền đặt cọc là 2,9 tỉ đồng.

Cùng ngày làm bản “Thỏa thuận mua bán nhà đất và nhận cọc” (17/7/2017), bà Phan Thị Kim Thịnh đặt cọc cho bà Trương Thị Thúy Sen 2,5 tỉ đồng và hứa đưa nốt 400 triệu vào ngày 18/7. Nhưng sau đó có lẽ bà Thịnh biết được tình trạng khách sạn nên đã dừng lại. Ngày 7 và 8/9/2017 bà Thúy Sen liên tiếp ra hai thông báo cho bà Thịnh yêu cầu đưa số tiền cọc còn lại 400 triệu đồng.

Bình luận và kiến nghị

Trước hết phải nói cho rõ và khảng định: Việc vay mượn tiền để giải chấp ngân hàng và mua bán chuyển nhượng khách sạn 28 A, Hoàng Hoa Thám, Nha Trang giữa các ông bà Đoàn Hồng Ngọc, Lâm Ái Sang và Trương Thị Thúy Sen là rõ ràng, minh bạch, ngay tình, thẳng lý chứ không có gì gian dối. Khi nhận tiền vay là một giả chấp, nhưng khi tiền vay không còn khả năng thanh toán, phải chấp nhận thực hiện Hợp đồng chuyển nhượng thì chính giả chấp đó đã vô hiệu, chứ không phải Hợp đồng chuyển nhượng vô hiệu như bà Sen biện bạch và thẩm phán Võ Đình Phương nhận định.

Logic của vụ án là: Bà Thúy Sen vay tiền ngân hàng, đến hạn không trả được phải tìm đến ông Ngọc, bà Sang giới thiệu bán khách sạn. Nhưng muốn bán khách sạn phải có sổ đỏ, mà muốn lấy sổ đỏ phải có tiền trả ngân hàng. Theo đó, phải làm “Biên bản thỏa thuận và cam kết vay tiền”. Không ai ngu gì đưa cho người khác vay hàng tỉ đồng mà chỉ nhận lại lời hứa suông. Chính vì sự thật minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu như thế nên Phòng Công chứng số 1 tỉnh Khánh Hòa mới công chứng, thừa nhận việc mua bán là ngay tình, thẳng lý và cũng chính vì thế mà Viện Kiểm sát Nhân dân TP.Nha Trang trong Kháng nghị Bản án số 147/2009/DS-ST ngày 4/12/2009 của TAND TP.Nha Trang, đã cho rằng: “Đây là bản án không có căn cứ pháp luật, vi phạm nghiêm trọng trong thực hiện tố tụng dân sự”. Việc thẩm phán Võ Đình Phương cho rằng: Hợp đồng mua bán khách sạn 28 A giữa ông Ngọc, bà Sang với bà Thúy Sen là giả chấp để che đậy giao dịch vay tiền là kiểu lập luận ngược chiều, dùng quyền lực của thẩm phán để áp đặt sự thật, công lý và lẽ phải. Thẩm phán Võ Đình Phương còn trắng trợn hơn khi lý lẽ: Trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn yêu cầu hủy “Hợp đồng chuyển nhượng”, mà không yêu cầu xem xét “cam kết vay tiền” nên không có cơ sở để xem xét. Mặt khác việc giao nhận tiền vay và nhận thế chấp là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ văn bản thỏa thuận và cam kết vay tiền chứ không phải nhận từ Hợp đồng chuyển nhượng nhà đất… Đây rõ ràng là một kiểu biện bạch thô thiển, bênh vực nguyên đơn một cách quá lố, bất chấp sự thật, công lý, đạo lý và pháp luật. Bởi vậy, mặc dù ba lần Tòa đưa ra xét xử nhưng cả ba lần nguyên đơn và luật sư của nguyên đơn đều không thèm đến phiên tòa. Mặt khác, tòa chưa xử nhưng nguyên đơn đã biết mình thắng, vẫn ngang nhiên “Thỏa thuận mua bán và đặt cọc”. Đúng là một sự xúc phạm đối với ngành Tòa án?.

Ông Đoàn Hồng Ngọc đang hết sức buồn rầu về bản án lần thứ II của Tòa.

Bản án đã bị kháng cáo. Bị đơn đã có đơn tố cáo thẩm phán Võ Đình Phương. Không vì quyền công dân vô lối của bà Trương Thị Thúy Sen mà để bà này “đáo tụng đình”; không chỉ đưa người khác là ông Đoàn Hồng Ngọc, bà Lâm Ái Sang vào một thế phức tạp, rắc rối; khi làm ơn đã phải chốc lấy oán, mà còn lôi kéo cả 2 cấp tòa là TP.Nha Trang và tỉnh Khánh Hòa ra đùa giỡn trước pháp luật và dư luận. Việc bà Thúy Sen bán khách sạn 28 A Hoàng Hoa Thám lần 1, dù tiền đã nhận, đã cam kết không khiếu nại, nhưng rồi lại khởi kiện ra Tòa, tạm coi là thuộc quyền của bà Sen và chấp nhận được. Đến lần 2, khi đã rút toàn bộ đơn kháng cáo, đơn khởi kiện và cam kết không khiếu nại; khi TAND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án; quyết định của Tòa đã có hiệu lực pháp luật, nhưng rồi bà Sen lại kiện và Tòa lại thực hiện theo yêu cầu của bà này một cách mẫn cán là điều khó chấp nhận?. Mặc dù vụ án chưa đưa ra xét xử, nhưng bà Sen đã nắm chắc phần thắng về mình, thẩm phán công khai cho bị đơn biết “ông sẽ thua” là một điều khó gặp ở ngành Tòa án. Việc Tòa chưa xử, khách sạn đang do ông Ngọc, bà Sang đang quản lý, nhưng bà Thúy Sen ngang nhiên làm “Thỏa thuận mua bán nhà và nhận tiền cọc” là hành vi coi thường Tòa. Riêng việc nguyên đơn 3 lần không thèm đến Tòa thì đúng là một sự không chỉ coi thường HĐXX mà cả đối với TAND TP.Nha Trang (!). Thẩm phán Võ Đình Phương có biết thời điểm bà Thúy Sen ký “Thỏa thuận mua bán nhà và nhận tiền cọc” khi căn nhà đó đang thuộc quyền quản lý sử dụng của ai không?. Có biết, khi vụ án chưa đưa xét xử, nhưng bà Sen đã biết mình thắng và ngang nhiên làm văn bản “Thỏa thuận…” là điều coi thường chính thẩm phán chủ tọa phiên tòa hay không?. Hành vi lấy tài sản của người này bán cho người khác; một tài sản nhưng được bán cho nhiều người của bà Thúy Sen liệu có cần được xem xét trách nhiệm Hình sự theo qui định của pháp luật hay không?. Cũng cần làm rõ ngoài việc “Thỏa thuận mua bán nhà và nhận cọc” giữa bà Sen với bà Thịnh, liệu còn ai nữa đã mắc phải cái bẫy của bà này?.

Từ thực tiễn phiên tòa và bản án mà tòa tuyên, chúng tôi kiến nghị: TAND tỉnh Khánh Hòa sớm đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, hủy toàn bộ án sơ thẩm, trả hồ sơ về TAND TP.Nha Trang xét xử lại từ đầu theo hướng giữ nguyên nội dung Quyết định số 01/2014/QĐ-PT ngày 16/01/2014 của TAND tỉnh Khánh Hòa. Làm rõ dấu hiệu thẩm phán Võ Đình Phương có liên quan đến “Thỏa thuận mua bán nhà, đất và nhận tiền cọc” ngày 17/7/2017 giữa bà Trương Thị Thúy Sen và bà Phan Thị Kim Thịnh không?. Làm rõ nguyên nhân vì sao thẩm phán Võ Đình Phương lại tuyên một bản án đến mức cả một khối tài sản lớn của bị đơn, nhưng không được đề cập trong nội dung bản án, để dư luận cho rằng ông thẩm phán này ngang nhiên lấy khách sạn 28 A, Hoàng Hoa Thám trị giá 16,5 tỉ đồng của ông Đoàn Hồng Ngọc và bà Lâm Ái Sang biếu cho bà Trương Thị Thúy Sen?.

 Nguyễn Xuân