Sau 1 ngày xét xử, chiều 30-10, Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Bá Luân (sinh năm – SN 1988, trú xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần Sơn Nam – đơn vị kinh doanh vận chuyển khách ra đảo Điệp Sơn (Vạn Ninh) 2 năm 3 tháng tù về tội cố ý gây thương tích. Đây là bị cáo chủ mưu trong vụ chém người do mâu thuẫn trong vận chuyển khách ra đảo Điệp Sơn hồi năm 2016.
4 đồng phạm khác, cùng trú xã Vạn Thắng cũng bị kết án. Cụ thể, Lê Văn Vương (SN 1991) 3 năm tù; Võ Đức Trí (SN 1995) 2 năm tù; Nguyễn Đức An (SN 1995) 2 năm tù; Lê Huy (SN 1997) 2 năm tù. Ngoài ra, tòa còn công nhận sự tự nguyện của bị cáo Luân, tiếp tục bồi thường 80 triệu đồng cho người bị hại (trước đó Luân đã bồi thường 50 triệu đồng; An và Trí đã bồi thường 20 triệu đồng).
Dùng dao Giải quyết mâu thuẫn trong kinh doanh
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao, khoảng tháng 3-2016, anh Trần Ngọc Tuấn Huy (biệt danh “Cu Đốc”, trú thị trấn Vạn Giã, Vạn Ninh) có ý định mua ca nô chở khách du lịch ra đảo Điệp Sơn. Tuy nhiên, anh Tuấn Huy bị Luân, người đang kinh doanh dịch vụ chở khách ra đảo Điệp Sơn gây khó khăn. Do vậy, ngày 30-3-2016, anh Tuấn Huy hẹn gặp Luân nói chuyện. Khi anh Tuấn Huy nói ý định trên, Luân không đồng ý và nói cấm tất cả không được lái ca nô chở khách ở cảng Phan Đình Giót ra đảo Điệp Sơn. Nghe vậy, anh Tuấn Huy phản ứng và đã thách đố Luân.
Sáng 2-4-2016, Luân đã gặp Vương (người làm thuê cho Luân), nhờ Vương kiếm mấy người để chém anh Tuấn Huy. Vương nhận lời, sau đó rủ Lê Huy. Chiều cùng ngày, Vương, Lê Huy vào đất liền gặp An, Trí và truyền đạt lại Luân nhờ chém anh Tuấn Huy, đồng thời đã bố trí để cả nhóm ra đảo Điệp Sơn sau khi chém. Tối 2-4, cả nhóm ngụy trang bằng khẩu trang, đến nhà anh Tuấn Huy. Thấy anh này đang nằm ngủ, Trí và An chém tới tấp vào anh Tuấn Huy. Sau đó, cả nhóm đến bãi biển nơi Luân đợi sẵn và được Luân chở ra đảo Điệp Sơn. Luân dặn cả nhóm ở lại đảo, không vào đất liền.
Được biết, kết quả giám định ban đầu của Trung tâm Pháp y (Sở Y tế) cho thấy, anh Tuấn Huy bị thương tích 29%. Sau khi anh Tuấn Huy yêu cầu giám định lại, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an kết luận, anh Tuấn Huy bị thương tật 30%.
Công – tội phân minh
Vụ án này do cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an điều tra, kết luận. VKSND Tối cao ra cáo trạng truy tố và ủy quyền cho VKSND tỉnh thực hành quyền công tố tại tòa.
Trong ngày đầu xét xử, bị cáo Luân khai nhận, kêu người “dằn mặt” anh Tuấn Huy vì sợ ca nô của anh này hoạt động không đảm bảo an toàn cho khách sang đảo, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty Luân và người lao động. Tại thời điểm xảy ra vụ việc, chỉ doanh nghiệp của Luân có giấy phép chở khách ra đảo Điệp Sơn, 4 điểm hoạt động ca nô khác chưa có giấy phép nhưng vẫn đưa khách ra đảo này.
Theo nhận định của tòa, quá trình đấu tranh xét hỏi, Luân, Trí, An, Vương đều thừa nhận hành vi phạm tội; riêng Lê Huy phản cung và nhiều lần kêu oan, cho rằng bị ép cung. Nhưng ngay khi Lê Huy có đơn đầu thú, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và VKSND Tối cao đã lấy lời khai, ghi âm, ghi hình. Theo đó, Lê Huy đã khai cùng đồng phạm chém anh Tuấn Huy. Các đồng phạm cũng khai rõ hành vi của Huy. Do đó, Huy phản cung là không có cơ sở, thể hiện sự ngoan cố.
Vương có 2 tiền án về các tội cướp tài sản và mua bán trái phép chất ma túy, phạm tội lần này thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm.
Đối với Luân, bị cáo là người khởi xướng và chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện, do đó cần thiết phải có mức án đủ nghiêm khắc để răn đe. Tuy nhiên, gia đình bị cáo đã tự nguyện nộp tại cơ quan thi hành án 50 triệu đồng để bồi thường cho anh Tuấn Huy. Luân cũng nhận bồi thường toàn bộ thiệt hại cho Huy. Ngoài ra, Luân còn được Thủ tướng Chính phủ gửi thư và tặng bằng khen về thành tích trong công tác phòng, chống thiên tai năm 2017. Ngoài ra, Luân còn được nhận bằng khen UBND tỉnh vì trong cơn bão số 12 năm 2017, Luân và nhân viên Công ty Cổ phần Sơn Nam đã phối hợp với lực lượng chức năng cứu gần 200 người dân, người làm thuê trên các bè nuôi tôm hùm bị mắc kẹt ngoài vịnh Vân Phong (Vạn Ninh). Luân còn thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện ở địa phương. Do đó, cần giảm cho bị cáo một phần hình phạt để thấy được sự khoan hồng của pháp luật.
NGUYỄN VŨ
Theo: Báo Khánh Hòa