Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho biết vịnh Maya ở Thái Lan đã từng đóng cửa 3 năm để bảo vệ hệ sinh thái trước phản ứng dữ dội của các công ty du lịch địa phương.

Hồi chuông cảnh báo

* Phóng viên: Là đại biểu Quốc hội, từng là Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, ông suy nghĩ gì khi biết chuyện san hô quanh đảo Hòn Mun – vùng lõi khu bảo tồn vịnh Nha Trang – bị tàn phá nghiêm trọng, thưa ông?

– Ông TẠ ĐÌNH THI: Khi Báo Người Lao Động có loạt bài phản ánh kèm hình ảnh san hô bị vôi hóa, tôi nhận định vấn đề có phải do bị tác động của cả một quá trình mà việc quản lý giám sát, đánh giá chưa được thực hiện liên tục chăng?

Việc mất đi những khu vực san hô sẽ cần rất nhiều thời gian để phục hồi không chỉ san hô mà cả hệ sinh thái. Do đó, việc này cần được địa phương đưa ngay vào chương trình kiểm tra, đánh giá tổng thể và có giải pháp để ngăn chặn sự suy thoái và đẩy mạnh quá trình phục hồi rạn san hô… Đây thực sự là hồi chuông cảnh báo các cơ quan quản lý, cộng đồng, người dân có liên quan phải có ngay những hành động bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững đa dạng sinh học khu bảo tồn vịnh Nha Trang, trong đó có việc phục hồi rạn san hô khu vực Hòn Mun.

* Theo ông, hệ lụy của việc việc này đối với hệ sinh thái biển ra sao?

– Rạn san hô là yếu tố cốt lõi của hệ sinh thái rạn san hô, một trong những hệ sinh thái biển quan trọng nhất và luôn là điểm nóng về đa dạng sinh học. Các rạn san hô bị suy thoái kéo theo sự suy thoái của cả hệ sinh thái rạn san hô, sinh vật biển bị phá hủy nơi trú ngụ, sinh sản, nguồn gien bị thu hẹp. Nhìn từ góc độ khoa học, bất cứ hệ sinh thái nào của biển bị tác động quá mạnh sẽ làm mất cân bằng sinh thái và kéo theo sự tác động đến các hệ sinh thái khác. Nhìn từ góc độ xã hội, nếu rạn san hô bị suy thoái thì các thành phần thuộc những hệ sinh thái quan trọng khác của biển như thảm cỏ biển, rừng ngập mặn cũng khó tránh khỏi những tác động tiêu cực. Điều này làm suy giảm nguồn lợi của biển, đe dọa sự phát triển bền vững và hạnh phúc của các cộng đồng người dân sống dựa vào biển.

Rạn san hô bị phá hủy do nhiều yếu tố, tập trung vào các yếu tố chính, bao gồm: ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (nhiệt độ nước biển cao, biến đổi dị thường làm tẩy trắng san hô, san hô dần chết); ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các vùng ven bờ, làm suy giảm sự phát triển của san hô; tác động của hoạt động của con người, như đánh bắt hải sản thiếu kiểm soát, dùng vật liệu nổ, hóa chất (đáng sợ nhất là xyanua)… Để tìm ra nguyên nhân chính phá hủy san hô của từng khu vực thì cần có sự theo dõi và giám sát thường xuyên, liên tục. Vấn đề này không tách khỏi nhiệm vụ của người dân, của địa phương, bộ, ngành và của các nhà khoa học liên quan.

Bài học đắt giá

* Kinh nghiệm quốc tế ứng xử những vụ việc như ở Hòn Mun như thế nào, thưa ông?

– Tôi có thể kể về kinh nghiệm rất điển hình của Thái Lan và Úc. Bất chấp nguồn thu khổng lồ từ du lịch, Thái Lan quyết định đóng vịnh Maya và bãi biển La Dalam ở Koh Phi Phi thuộc Vườn Quốc gia Hat Noppharat Thara-Mu Koh Phi Phi, mục đích là để rạn san hô và môi trường biển có thời gian phục hồi. Sau khi đóng cửa hòn đảo, các nhà khoa học và chuyên gia đã tới để nuôi thả các loài cá và phục hồi rạn san hô. Khoảng 40% rạn san hô bị tổn thương trước đây đã sống trở lại, nhờ sự vắng bóng của du khách. Tuy nhiên, cần ít nhất 2 thập kỷ để khôi phục rạn san hô. Năm 2022, vịnh này mở cửa trở lại, để bảo vệ hệ sinh thái tại Maya, chỉ có tối đa 375 du khách được tham quan cùng một thời điểm, việc bơi lội vẫn bị cấm. Chương trình tham quan bị giới hạn trong vòng 1 giờ.

Môi trường biển vịnh Hòn Mun bị xâm hại nghiêm trọng, cần những giải pháp cấp bách để bảo vệ Ảnh: KỲ NAM

Đối với trường hợp Úc, năm 2022, nước này đã công bố kế hoạch 9 năm trị giá 1 tỉ đô-la Úc (tương đương 700 triệu USD) đầu tư cho các dự án bảo tồn để cải thiện chất lượng nước, ươm giống và phục hồi rạn san hô nhằm bảo vệ rạn san hô Great Barrier đang bị đe dọa do tình trạng biến đổi khí hậu. Một số cảng ở khu vực gần rạn san hô Great Barrier ở phía Bắc Úc sẽ được trang bị hệ thống phát hiện và cảnh báo sớm nhằm đối phó sự xuất hiện của các loài sinh vật biển gây hại cho môi trường biển trong khu vực.

* Chúng ta cần làm gì trước mắt cũng như trong tương lai để cứu hệ sinh thái biển? Câu chuyện ở đây không chỉ là ở vịnh Nha Trang mà còn các nơi khác trên cả nước?

– Muốn bảo vệ các hệ sinh thái biển cần có sự vào cuộc tích cực, thực chất và hiệu quả của các nhà khoa học, người dân, các cấp chính quyền, bộ, ngành liên quan. Thường xuyên giám sát tình trạng các rạn san hô, quan trắc môi trường biển. Cần có định hướng và quy hoạch không gian phù hợp.

Các nhà khoa học nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin, các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái biển. Các bộ, ngành, địa phương cần có những giải pháp chính sách và triển khai cụ thể, kịp thời. Phải để người dân hiểu được rằng tài nguyên thiên nhiên là tài sản vô giá, gắn với lợi ích của họ. Tuyên truyền nâng cao nhận thức là chưa đủ mà cần phải có các biện pháp cải thiện sinh kế, tạo công ăn việc làm ổn định cho cư dân ven biển.

Mặt khác, phải rà soát lại toàn bộ các rạn san hô tại Việt Nam, lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ, phục hồi cho từng vùng. Cần khẩn trương tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển, lập kế hoạch bảo vệ, khoanh vùng các khu bảo tồn nghiêm ngặt, các khu vực cần phục hồi. Có các quy chế, quy định chặt chẽ đối với những hoạt động du lịch, kinh tế, nuôi trồng thủy hải sản và nhiều hoạt động khác tại các vùng biển. 

Sớm báo cáo tình hình, dừng hoạt động du lịch

Với tư cách đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam – ông Nguyễn Chu Hồi đề nghị tỉnh Khánh Hòa cần khẩn trương có thông tin chính thức về thực trạng rạn san hô ở Hòn Mun để cho công luận rõ. Trên cơ sở đó có những giải pháp, trong đó giải pháp dừng hoạt động du lịch tại khu vực biển Hòn Mun, không phải là ngoại lệ, thậm chí còn phải ưu tiên.

Vịnh Nha Trang là 1 trong 16 khu bảo tồn biển quốc gia theo Quyết định 742/QĐ-TTg năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020. Đồng thời, vịnh Nha Trang cũng là khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam (đầu tiên có tên Hòn Mun) và là 1 trong 3 khu tiêu biểu được chọn để quản lý thí điểm ở cấp toàn cầu. Liên quan đến vấn đề suy thoái rạn san hô Hòn Mun và thực trạng quản lý khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang, ban quản lý khu bảo tồn này phải có trách nhiệm giải trình cho lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có giải pháp xử lý trước mắt và lâu dài.

Việc phục hồi san hô và rạn san hô bị suy giảm, suy thoái, hư hại như hiện nay phải mất một thời gian dài, ít ra cũng phải 10 năm, không phải ngày một, ngày hai. Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã vào cuộc ngay từ cuối năm 2021 và lần này đã kịp thời chỉ đạo ngay khi nhận được thông tin báo chí. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần vào cuộc giúp tỉnh Khánh Hòa kiểm tra về góc độ quản lý nhà nước chuyên ngành. Yêu cầu ban quản lý khu bảo tồn này có báo cáo toàn diện, đầy đủ về tình hình, công tác quản lý khu bảo tồn vịnh và giải pháp khắc phục. Tỉnh Khánh Hòa nên tiếp cận với các cơ quan khoa học liên quan và chuyên gia đã từng khảo sát rạn san hô ở Hòn Mun và vịnh Nha Trang để sớm công khai chính thức hiện trạng rạn san hô Hòn Mun để công luận rõ và tham vấn giải pháp khả thi để phục hồi rạn và thúc đẩy công tác bảo tồn.







Văn Duẩn thực hiện