Tuy đã đi vào hoạt động từ năm 2015 nhưng đến nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chỉ có 2 dự án của doanh nghiệp (DN) vay vốn Quỹ Bảo vệ môi trường (BVMT).
Chỉ có 2 doanh nghiệp vay vốn
Theo lãnh đạo Quỹ BVMT, 2 DN vay vốn Quỹ BVMT gồm: Công ty Cổ phần Môi trường Khánh Hòa vay 5 tỷ đồng đầu tư xe ô tô thu gom chất thải phục vụ hoạt động của Nhà máy Xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại tại xã Ninh An (thị xã Ninh Hòa) và Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Suối Dầu vay 630 triệu đồng mua sắm hệ thống quan trắc nước thải tự động tại Khu công nghiệp Suối Dầu (huyện Cam Lâm). 2 dự án này đều vay vốn ưu đãi với lãi suất 3,6%/năm, trả lãi hàng tháng, trả gốc 3 tháng/lần, thời gian vay 5 năm, ân hạn 1 năm.
Tuy việc vay vốn có nhiều ưu đãi từ lãi suất đến thủ tục vay, nhưng đến nay, Quỹ BVMT vẫn có rất ít DN, cơ sở sản xuất đăng ký vay. Giải thích nguyên nhân, ông Bùi Minh Sơn – Phó Chi cục trưởng Chi cục BVMT, Phó Chủ tịch Quỹ BVMT Khánh Hòa cho biết: Thứ nhất, các dự án lớn, DN đã vay vốn ngân hàng đầu tư ngay từ đầu, trong đó các công trình BVMT chỉ chiếm một phần nhỏ của dự án đầu tư; thứ hai, các cơ sở, DN nhỏ nhu cầu đầu tư công trình BVMT rất cấp thiết nhưng vì phần lớn các DN này xây dựng trong khu dân cư, không đúng quy hoạch nên quỹ không thể cho vay. Mặt khác, công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của quỹ hiện nay gặp nhiều khó khăn về con người, kinh phí nên không có nhiều đơn vị kinh doanh biết tới. Hiện nay, mô hình hoạt động của quỹ mỗi nơi một kiểu, chưa thống nhất, chưa đồng bộ, có nơi quỹ là đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh, có nơi là DN nhà nước. Sắp tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ban hành văn bản sửa đổi, thống nhất cách vận hành của Quỹ BVMT, qua đó sẽ có nhiều điểm mới, phù hợp hơn. Một lý do nữa khiến các DN chưa mặn mà với quỹ là họ không muốn đầu tư xây dựng các công trình BVMT. Bởi các công trình này không sinh lợi, DN chỉ muốn cải tạo, sửa chữa tránh tác động xấu cho môi trường.
Tuy nhiên, theo một số DN, không phải họ không mặn mà với quỹ mà chủ yếu do công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về quỹ chưa sâu rộng. Ông Trần Văn Trinh – chủ cơ sở sản xuất nhôm An Nguyên (xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh) cho biết, đơn vị vẫn chưa biết gì về quỹ này. Vừa qua, cơ sở rất muốn vay vốn ưu đãi để hoàn thiện một số công trình BVMT theo hướng dẫn của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện liên quan đến ô nhiễm không khí. Hiện nay, đơn vị đã khắc phục xong và được Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh xác nhận các thông số nằm trong ngưỡng cho phép. Vì vậy, đơn vị không còn nhu cầu vay vốn nữa.
Ông Võ Tấn Hoàng – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đô thị Ninh Hòa cho biết: “Trước đây, tôi có dự hội thảo của Quỹ BVMT Việt Nam nhưng không biết là có quỹ cấp tỉnh. Hiện nay, công ty có nhu cầu vay với số vốn hàng chục tỷ đồng để xử lý rác theo công nghệ mới, nếu được quỹ hỗ trợ vấn đề này thì rất hay, tôi sẽ liên hệ quỹ để thực hiện ngay”.
Hoạt động không vì lợi nhuận
Toàn tỉnh hiện có 64 DN ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường. Trong đó, bộ cấp phép 18 dự án, tỉnh cấp phép 46 dự án. |
Đến nay, vốn Quỹ BVMT tỉnh đã tăng trưởng hơn 31 tỷ đồng từ 2 nguồn: ngân sách hỗ trợ ban đầu (15 tỷ đồng) và nguồn từ các DN khai thác khoáng sản ký quỹ phục hồi môi trường. Từ nguồn vốn này, quỹ cho các DN, đơn vị có nhu cầu vay với lãi suất ưu đãi 3,6%/năm. Hiện nay, các đơn vị vay vốn chấp hành tốt việc trả lãi, trả vốn theo quy định.
Về ý kiến cho rằng, thời gian qua, Quỹ BVMT hoạt động kém hiệu quả, không có kinh phí trả cho các DN ký quỹ phục hồi môi trường, theo ông Sơn, ý kiến này không xác đáng, bởi về nguyên tắc Quỹ BVMT hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Mục tiêu của quỹ là bảo toàn vốn điều lệ và tự bù đắp chi phí quản lý, được miễn nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước đối với các hoạt động BVMT theo quy định của pháp luật về thuế và ngân sách. Tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của các DN khai thác khoáng sản được quỹ cho các DN có nhu cầu xây dựng công trình BVMT vay lại, phần còn lại gửi vào ngân hàng lấy lãi. Khoản lãi của các DN ký quỹ được Quỹ BVMT trả lãi đúng bằng lãi suất cho vay của quỹ là 3,6%/năm sau khi DN thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường, hoàn trả mặt bằng khi kết thúc dự án nên không có chuyện vỡ quỹ. Nếu đơn vị khai thác khoáng sản “bỏ của chạy lấy người”, không thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường, quỹ sẽ lấy nguồn này để thực hiện.
Q.Viên
Theo: Báo Khánh Hòa