Đến thời điểm này, Việt Nam đã điều trị thành công cho 16/16 ca dương tính với bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus SARS-CoV-2 (COVID-19).

Mặc dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng Việt Nam đã có một phác đồ điều trị hiệu quả.

Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus SARS-CoV-2 (COVID-19) đã chia sẻ về vấn đề này

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Đưa ra hướng dẫn điều trị sớm

– Với những nỗ lực trong thời gian qua của các bác sỹ điều trị, đã có 16/16 bệnh nhân khỏi bệnh COVID-19. Ông có đánh giá như thế nào về thành công này?

Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê: Việt Nam hiện nay có 16/16 bệnh nhân đã được ra viện và chữa khỏi bệnh COVID-19 – đây là những sự kiến đánh dấu mốc quan trọng. Chúng ta đã thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các bộ ngành.

Đặc biệt phác đồ điều trị của chúng ta hiện nay cho thấy kết quả điều trị tốt. Sự cố gắng của các thầy thuốc khiến người bệnh khi đến điều trị cảm thấy thoải mái, tin tưởng. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao nỗ lực này của Việt Nam.

– Với những bệnh nhân ra viện chúng ta tiếp tục theo dõi lâu dài nữa không thưa ông?

Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê: Việt Nam hiện nay mới có 16 bệnh nhân nhiễm COVID-19, chúng tôi có nhiều kịch bản, tình huống được đặt ra.

Đối với người bệnh được cho xuất viện, về tâm lý, thể trạng vẫn cần phải được theo dõi, được sự quan tâm, động viên của y bác sỹ. Vì vậy, hệ thống y tế tuyến Trung ương và cơ sở tại Việt Nam hiện nay được phối hợp chặt chẽ.

Chúng tôi chỉ đạo cơ sở y tế tại Khánh Hòa, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc khi bệnh nhân đã ra viện cần quan tâm người bệnh, tránh việc bệnh nhân bị kỳ thị khiến bị cô lập. Vì vậy, việc quản lý theo dõi là việc hết sức đúng đắn trong giai đoạn hiện nay khi chúng ta kiểm soát được dịch bệnh tại Việt Nam.

– Hầu hết các trường hợp mắc bệnh COVID-19 tại Việt Nam đầu được chữa khỏi và xuất viện. Xin Cục trưởng chia sẻ kinh nghiệm điều trị thành công đối với các ca bệnh COVID-19 của Việt Nam trong thời gian qua?

Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê: Ngày từ khi có những thông tin về dịch bệnh này từ Trung Quốc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo rất quyết liệt với ngành y tế và các bộ ngành liên quan.

Hệ thống khám chữa bệnh ngay sau đó đã họp hội đồng chuyên môn. Bởi thực tế cho thấy, các hướng dẫn chuyên môn với dịch bệnh tại Việt Nam thường được xây dựng rất sớm. Chúng tôi đã họp hội đồng chuyên môn với các giáo sư đầu ngành và thấy bệnh này có đặc thù gần giống với dịch SASR trước kia và căn bệnh mới nổi hiện nay.

Chúng ta có được hướng dẫn điều trị cập nhật ngay từ những ngày trước Tết. Sau đó chúng tôi tổ chức tập huấn, triển khai cho các bệnh viện các phác đồ hướng dẫn điều trị.

Ngay sau khi điều trị khỏi cho 3 bệnh nhân ra viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi tiếp tục cập nhật phác đồ điều trị một lần nữa để đưa ra những chiến lược điều trị cụ thể. Từ hướng dẫn về đón tiếp ban đầu, cách ly người bệnh đến sử dụng thuốc, dịch truyền và những phương tiện cấp cứu cần thiết nhất cho bệnh nhân nặng bằng phương tiện hiện đại nhất.

Đi trước khuyến cáo của WHO

– Vậy là chúng ta đã làm theo đúng như những khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)?

Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê: Có thể nói, đối phó với dịch COVID-19, chúng ta luôn đi trước khuyến cáo của WHO. Cho đến nay vẫn chưa có thêm ca bệnh mới dương tính tại Việt Nam.

Hiện nay, 16 bệnh nhân mắc COVID-19 đã ra viện hoặc đang điều trị đều có sức khỏe ổn định, tiến triển tốt, không có bệnh nhân nào tiến triển nặng và chắc chắn không có bệnh nhân nào tử vong.

Đây chính là nỗ lực, là kết quả thông qua sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các thầy thuốc, sự hợp tác của người bệnh, đồng lòng của người dân từ việc cách ly điều trị ban đầu cho đến triển khai đồng bộ các giải pháp trong điều trị.

Các bệnh nhân mắc COVID-19 tại Việt Nam đã có đầy đủ mô hình như: có bệnh nhân nam, nữ; có bệnh nhân cao tuổi; có bệnh nhân nhiều bệnh nền huyết áp, tim mạch, tiểu đường và từng cắt phổi do ung thư; có bệnh nhi.

Chúng tôi đang tiếp tục tổng hợp các số liệu về dịch tễ học, lâm sàng và các kết quả điều trị để tiếp tục cập nhật thêm phác đồ điều trị cho những người bệnh trong thời gian tới.

Trong công tác phòng chống, điều trị COVID-19, Việt Nam chuẩn bị các phương án để ứng phó và điều trị tại các tuyến như thế nào thưa Cục trưởng?

Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê: Bộ Y tế vẫn tiếp tục phân tuyến điều trị COVID-19 như đã thực hiện. Người dân hoàn toàn có thể yên tâm về công tác phòng, chống dịch bệnh.

Với những bệnh nhân có triệu chứng không nặng, chưa diễn biến nặng thì giữ ở tuyến tỉnh điều trị. Thực tế ở Thanh Hóa, Khánh Hòa đã giữ bệnh nhân điều trị tại tỉnh và đã thành công. Do đó, chúng ta không cần tập trung bệnh nhân mắc COVID-19 về các trung tâm lớn.

Với phương châm bốn tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ và hậu cần tại chỗ), với sự chi viện của bác sỹ tuyến Trung ương sẽ giúp cơ sở tuyến tỉnh, huyện đáp ứng được điều trị cho người bệnh.

Tuyệt đối cách ly nguồn bệnh

Đối với dịch COVID-19, nhiều ý kiến đánh giá cho rằng, công tác cách ly với người bệnh và những người có nguy cơ nhiễm bệnh nếu được triển khai tốt sẽ khống chế thành công được dịch bệnh. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê: Đối với bệnh truyền nhiễm, nguyên tắc số 1 là phải cách ly thật tốt. Đối với dịch này cũng vậy. Khi tiếp nhận người bệnh (có thể là người bệnh nghi ngờ, có thể dương tính nhẹ hay nặng), bệnh viện phải tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc cách ly của Bộ Y tế.

Để đảm bảo chất lượng chuyên môn, đảm bảo an toàn cho người bệnh, thầy thuốc, cộng đồng, Bộ Y tế đã có văn bản tiếp tục nhắc nhở, chỉ đạo các giám đốc Sở Y tế, giám đốc bệnh viện và các cơ sở y tế các ngành hết sức quan tâm đến việc cách ly, quản lý người bệnh.

Thực tế nguồn bệnh COVID-19 rất dễ phát tán, đặc biệt lây qua đường hô hấp. Bài học của Trung Quốc vừa qua cho thấy, đã nhiều thầy thuốc của bạn lây nhiễm bệnh. Do vậy, Mục tiêu của Bộ Y tế là phấn đấu, cố gắng không để các nguồn lây đó lây sang thầy thuốc và không để từ bệnh viện ra cộng đồng.

Do vậy, chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo rất quyết liệt. Đặc biệt, việc cách ly cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước, công an, chính quyền địa phương. Thậm chí, có những khu vực chúng ta cần quản lý chặt chẽ, tuyệt đối chia các vùng.

Có ba khu vực cách ly, đó là khu vực với những người nghi ngờ mắc, chưa phải là người bệnh dương tính nhưng phải được cách ly tuyệt đối trong cộng đồng. Khu vực thứ hai dành cho người đã bị bệnh rồi nhưng nhẹ, vẫn sinh hoạt bình thường được vẫn phải quản lý.

Khu vực thứ ba dành cho những người bị bệnh nặng và cần quản lý theo một cách khác. Ở đây, nhân viên y tế quản lý cả quần, áo, chất thải của người bệnh theo quy chuẩn của Bộ Y tế về an toàn sinh học, kiểm soát nhiễm khuẩn.

– Trong công tác phòng chống dịch, là những người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân và tiếp xúc gần nhất với các mềm bệnh. Các bác sỹ luôn có nguy cơ bị lây bệnh từ người bệnh, xin Cục trưởng chia sẻ vài điều về sự hy sinh này?

Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê: Với bệnh dịch nguy hiểm như COVID-19 mà Tổ chức Y tế Thế giới phải công bố khẩn cấp và tại Trung Quốc hằng ngày vẫn có thêm hàng trăm người chết, hàng nghìn người mắc bệnh thì rõ ràng đây là dịch bệnh tối khẩn cấp theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm ở nhóm A.

Theo thông tin từ Trung Quốc, đã có hàng nghìn cán bộ y tế nhiễm bệnh và có nhiều nhân viên y tế tử vong. Còn tại Việt Nam, chưa có thầy thuốc nào nhiễm COVID-19.

Là cơ quan quản lý, chúng tôi đánh giá cao tất cả các thầy thuốc khi tham gia vào công tác phòng chống dịch, đã quên mình không vì lợi ích cá nhân để phục vụ người bệnh, từ đội ngũ nhân viên y tế ở Trung ương cũng như tại Bình Xuyên. Bộ Y tế cũng đã trang bị những thiết bị phòng hộ cần thiết nhất để các bác sỹ tự bảo vệ mình trước dịch bệnh.

– Xin cảm ơn ông!

Bài 5: Thu trái ngọt, Việt Nam vẫn là điểm đến an toàn

Theo: Viet Nam Plus