Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Việt Nam có 15.000 hay 300.000 người bán dâm?

Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh vừa có báo cáo tổng hợp kết quả giám sát “Việc thực hiện Luật phòng, chống vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), Luật phòng, chống ma túy và Pháp lệnh phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2016″ (báo cáo giám sát) gửi đến Quốc hội.

Một địa điểm bán dâm được phát hiện

Theo đó, Đoàn giám sát đã nghe báo cáo của 8 bộ, ngành có liên quan (Bộ Lao động – thương binh và xã hội, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao và Bảo hiểm xã hội Việt Nam) và 9 địa phương (Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Khánh Hòa, Nghệ An, Lai Châu và Sơn La).

Đã có nam bán dâm

Kết quả giám sát từ các Bộ ngành, địa phương cho thấy về tình hình mại dâm, căn cứ vào thống kê của các địa phương trên toàn quốc, hiện nay ước tính có khoảng hơn 15.000 người bán dâm.

Còn theo kết quả của một nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính số lượng người bán dâm ở Việt Nam hiện nay là 101.272 người. Đáng chú ý, trong đó có 72.000 người bán dâm là nữ và hầu hết khách hàng là nam giới (ILO, ngành công nghiệp tình dục ở Việt nam – một khía cạnh về quyền lao động. Tóm tắt báo cáo nghiên cứu định tính, 2016).

Như vậy, theo ILO, ở Việt Nam đã tồn tại mại dâm nam, người đồng tình, với số lượng người bán dâm khá lớn, có thể tới con số gần 30.000 người.

Trong khi đó theo ước tính của Bộ Y tế, số lượng người bán dâm ở Việt Nam hiện nay vào khoảng 87.000 người (năm 2016). 

Còn một tài liệu nghiên cứu của Liên hợp quốc ước số lượng người bán dâm ở mức xấp xỉ 300.000 người (năm 2014).

“Hoạt động mại dâm hầu hết dưới dạng trá hình, tập trung trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, ngày càng tinh vi hơn, với nhiều hình thức biến tướng mới, sử dụng công nghệ thông tin hiện đại nên khó phát hiện”- báo cáo giám sát nêu rõ.

Báo cáo giám sát cũng cho biết từ 2011 đến 2016, đội kiểm tra liên ngành 178 của các tỉnh, thành phố đã truy quét, triệt phá 5.791 vụ, ổ nhóm hoạt động mại dâm với 23.231 người vi phạm, gồm 9.643 người bán dâm; 8.206 người mua dâm; 5.158 đối tượng chủ chứa, môi giới và 224 người bán dâm dưới 18 tuổi (tăng 1.572 vụ với 5.837 người vi phạm so với giai đoạn 2006-2010).

Viện Kiểm sát nhân dân các cấp thụ lý và kiểm sát điều tra 3.963 vụ/4.579 bị can, liên quan đến mại dâm (tội “Chứa mại dâm”: 2.231 vụ/ 2.280 bị can; tội “Môi giới mại dâm”: 1.679 vụ/2.227 bị can; tội “Mua dâm người chưa thành niên”: 53 vụ/72 bị can).

Toà án nhân dân cấp sơ thẩm đã thụ lý 3.800 vụ với 5.004 bị cáo phạm các tội về mại dâm để xét xử theo thủ tục sơ thẩm (tăng 34 vụ, 325 bị cáo so với giai đoạn trước); đã xét xử 3.619 vụ với 4.692 bị cáo, đạt tỷ lệ 95,2% (vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra). 

Trong đó, có 2.662 bị cáo bị xét xử về tội “chứa mại dâm”, 1.971 bị cáo bị xét xử về tội “môi giới mại dâm” và 59 bị cáo bị xét xử về tội “mua dâm người chưa thành niên”; 79 trường hợp phạm tội thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm.

Mua bảo hiểm y tế cho người bán dâm

Cũng theo báo cáo giám sát, tổng kinh phí dự kiến thực hiện Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 – 2015 là 629 tỉ đồng, trong đó hỗ trợ từ ngân sách Trung ương là 100 tỉ đồng, các địa phương tự cân đối 529 tỉ đồng. Trên thực tế, các địa phương chỉ bố trí kinh phí rất hạn hẹp mang tính tượng trưng cho công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, chủ yếu sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách trung ương.

Giai đoạn 2011 – 2016, công tác hỗ trợ giảm hại và hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm đã có những bước tiến rõ rệt và hiệu quả hơn. Đến nay đã có 356.169 lượt người bán dâm được hỗ trợ, trong đó có 335.261 lượt người bán dâm được hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe, cung cấp các dịch vụ về phòng, chống lây nhiễm HIV; 4.643 lượt người được tư vấn, trợ giúp pháp lý; 5.734 lượt người được hỗ trợ giáo dục, dạy nghề; 10.531 lượt người được tạo việc làm, vay vốn sản xuất kinh doanh với số tiền 7,630 tỉ đồng. Số đối tượng tham gia các câu lạc bộ đồng đẳng, các nhóm tự lực…là 5.508 người.

Tại 50 tỉnh, thành phố đã có khoảng gần 1.400 xã, phường, thị trấn xây dựng mô hình hỗ trợ dựa vào cộng đồng (bao gồm mô hình thí điểm và mô hình duy trì). Một số tỉnh đã xây dựng mô hình lồng ghép với các chương trình an sinh xã hội khác được đánh giá có hiệu quả. Cụ thể tỉnh Khánh Hòa có mô hình “Cho vay vốn tạo việc làm” đã cho vay vốn đối với 43 người, trong đó có 19 người bán dâm hoàn lương được vay vốn với tổng số tiền vay là 346 triệu đồng, bình quân mỗi đối tượng được vay từ 15-20 triệu đồng.

TP HCM có mô hình “Tiến lên phía trước” đã giới thiệu học nghề miễn phí cho 47 người, có 24 người tốt nghiệp, 14 người được vay vốn tạo việc làm; Chi Cục phòng, chống tệ nạn xã hội đã phối hợp với nhóm “Hoa cát tường” tổ chức mô hình “Nhóm tín dụng – tiết kiệm” dành cho chị em được hỗ trợ vốn thông qua việc tiết kiệm mỗi tuần 100.000 đồng/người (không thu lãi).

Còn TP Hà Nội là mô hình hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người bán dâm của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thực hiện trong 3 năm từ 2012 – 2015, đã tiếp cận và hỗ trợ về khám sức khỏe cho 303 chị em, tư vấn tâm lý chuyên sâu cho 34 chị em, dạy nghề cho 58 chị em, giới thiệu việc làm với mức lương từ 2,5 đến 4 triệu/tháng cho 31 chị em; hỗ trợ mô hình sinh kế cho chị em mở cửa hàng làm tóc và chăn ga với mức hỗ trợ từ 15-20 triệu/người.

Tỉnh An Giang đã lồng ghép các nguồn vốn đang quản lý hỗ trợ cho 36 người bán dâm hoàn lương có hoàn cảnh khó khăn vay vốn với số tiền 122,2 triệu đồng, hỗ trợ học nghề 14 người và giới thiệu 48 người tìm việc làm, khám các bệnh phụ khoa, truyền nhiễm cho 46 người.

Đáng chú ý, TP đã Cần Thơ hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho 100% người bán dâm có hộ khẩu thường trú.

Quảng Ninh, Thừa Thiên -Huế và Tuyên Quang thành lập các câu lạc bộ phụ nữ bán dâm để thực hiện các can thiệp giảm hại, phòng, chống bạo lực và hỗ trợ sinh kế cho chị em muốn thay đổi công việc.

Báo cáo của Đoàn giám sát cho biết quan điểm xã hội về mại dâm đã có sự chuyển biến về phương pháp tiếp cận theo hướng nhân văn hơn, bảo đảm quyền con người, quyền công dân đối với người bán dâm. Chú trọng công tác khám chữa bệnh, chăm sóc y tế… và thực hiện xử phạt vi phạm hành chính. Tăng cường xử phạt hành chính và xử lý hình sự các đối tượng khác có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm.

Đặc biệt là thống nhất thực hiện quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính nhằm “Không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm. Người có hành vi bán dâm bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật”. Về chính sách, chú trọng các giải pháp nâng cao nhận thức, đẩy mạnh can thiệp giảm hại đối với nhóm người bám dâm, giúp họ tiếp cận với các dịch vụ xã hội ở cộng đồng.

Cùng với đó là tăng cường hỗ trợ xã hội, tạo sinh kế đối với người bán dâm sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính. Hoạt động thí điểm mô hình, hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm tiếp cận với các dịch vụ xã hội (giáo dục, dạy nghề, chăm sóc sức khỏe, thay đổi công việc…) tại cộng đồng bước đầu có hiệu quả.

Đoàn giám sát kiến nghị quan tâm xây dựng và triển khai các chương trình dự phòng lây nhiễm HIV trong nhóm người bán dâm.

Bảo Trân

Theo: Người Lao Động