Theo quy định, trước ngày 8-3-2020, các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản (NTTS) đối tượng nuôi chủ lực như tôm sú, tôm thẻ chân trắng… phải thực hiện thủ tục đăng ký cấp giấy xác nhận đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực (viết tắt là giấy xác nhận) và cấp mã số cơ sở nuôi. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chỉ có 5% số cơ sở nuôi trong tỉnh được cấp giấy xác nhận và mã số.
TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
|
Mới có 50 cơ sở được cấp giấy xác nhận
Gia đình ông Trần Văn Thông có 2ha nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng tại vùng đìa Hà Liên (phường Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa) đã 15 năm nay. Tuy gia đình đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất NTTS đối với diện tích này, nhưng đến nay, ông Thông vẫn chưa thực hiện các thủ tục để được cấp giấy xác nhận. Ông Thông cho biết: “Cứ sau mỗi vụ nuôi, gia đình lại thu bán toàn bộ cho thương lái, sau đó thương lái bán cho công ty hay tiêu thụ nội địa thì tôi không rõ. Họ không yêu cầu cung cấp giấy xác nhận nên chúng tôi cũng ít quan tâm đến việc làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận này”.
Nhiều hộ nuôi tôm khác trên vùng đìa này tuy đã được chính quyền cơ sở, ngành chức năng tuyên truyền về việc đăng ký cấp giấy xác nhận và cấp mã số cơ sở nuôi nhưng không thực hiện được, bởi hồ sơ yêu cầu phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi được giao, cho thuê đất để NTTS nhưng các hộ lại không có. Đây là khó khăn chung của nhiều hộ nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng tại các địa phương ven biển trong tỉnh khi thực hiện thủ tục cấp giấy xác nhận và cấp mã số cơ sở nuôi.
Ông Võ Khắc Én – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Với nhóm đối tượng nuôi chủ lực như: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, Luật Thủy sản đã có yêu cầu chủ cơ sở phải đăng ký để được cấp giấy xác nhận và cấp mã số cơ sở nuôi. Đây là vấn đề cấp thiết nhằm đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước cũng như về truy xuất nguồn gốc trong quá trình xuất khẩu sản phẩm tôm nuôi. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 1.000 hộ nuôi các loại tôm sú, tôm thẻ chân trắng với tổng diện tích 2.500ha ao đìa, nhưng đến thời điểm này, mới có 50 cơ sở thực hiện các thủ tục và được cấp giấy xác nhận và cấp mã số cơ sở nuôi”.
Cần tháo gỡ khó khăn
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi Nghị định 26/2019/ của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản có hiệu lực, ngành Thủy sản và các địa phương trong tỉnh đã hướng dẫn người nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh thực hiện các hồ sơ, trình tự để đăng ký cấp giấy xác nhận. Tuy nhiên, các hộ nuôi vẫn chưa thực hiện. Khó khăn lớn nhất hiện nay là đa số các hộ nuôi còn vướng mắc trong thủ tục về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc thuê đất để NTTS như: Không có giấy chứng nhận, không có hợp đồng giao, cho thuê đất NTTS. Một số hộ nuôi chưa nhận thức đúng về yêu cầu truy xuất nguồn gốc thủy sản nuôi nên chưa thực hiện các thủ tục trong cấp giấy xác nhận, cấp mã số cơ sở nuôi.
Theo ông Trương Hữu Thông – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thông Thuận Cam Ranh – đơn vị chế biến, xuất khẩu tôm lớn nhất Khu Công nghiệp Suối Dầu, hiện nay, các thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… đều yêu cầu truy xuất nguồn gốc tôm nhập khẩu. Muốn truy xuất nguồn gốc thì tất cả các cơ sở nuôi đều phải được cấp giấy xác nhận, được đánh mã số cơ sở nuôi. Doanh nghiệp muốn thu mua, chế biến xuất khẩu được thì buộc phải có mã số cơ sở nuôi, cập nhật vào hồ sơ lô hàng xuất khẩu. Truy xuất nguồn gốc tôm nuôi đang là yêu cầu cấp thiết, vì vậy cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy nhanh việc cấp giấy xác nhận, cấp mã số cơ sở nuôi tôm.
Mới đây, Chi cục Thủy sản có công văn đề nghị UBND các địa phương trong tỉnh phối hợp tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định về thủ tục trên đến người NTTS trên địa bàn; hướng dẫn người nuôi thực hiện đăng ký kê khai ban đầu theo quy định tại Nghị định 02 năm 2017 của Chính phủ “Về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh”. Chi cục cũng đề nghị các địa phương phối hợp để thực hiện thủ tục đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực và cấp mã số cơ sở nuôi với các hộ nuôi tôm nước lợ trên địa bàn quản lý. “Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị UBND các địa phương báo về Chi cục Thủy sản để phối hợp giải quyết nhằm triển khai nhanh việc cấp giấy xác nhận đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực”, ông Võ Khắc Én nói.
HẢI LĂNG
Theo: Báo Khánh Hòa
Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202104/viec-cap-giay-xac-nhan-dang-ky-doi-tuong-thuy-san-nuoi-chu-luc-con-kho-khan-vuong-mac-8213698/