Từ ngày 12 đến 14-9, tại Viện Hải dương học (TP. Nha Trang), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức hội nghị khoa học “Vì sự tăng trưởng xanh ở Biển Đông”. Hơn 230 nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia hội nghị.

Đề cập nhiều vấn đề bức thiết

Hội nghị tập trung vào 3 chủ đề lớn là khoa học vì sự phát triển bền vững ở Biển Đông; hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học trên Biển Đông và đào tạo nguồn nhân lực vì một Việt Nam mạnh về biển.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Trao đổi tại hội nghị về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quản trị và phát triển kinh tế ở Biển Đông thích ứng với xu thế mới, Tiến sĩ Nguyễn Tác An – Hội Khoa học Kỹ thuật Biển Việt Nam cho rằng, đây là vấn đề hết sức cần thiết. Trước mắt, sách lược đào tạo nên để tâm đến các vấn đề nóng mà thế giới và khu vực đang phải đối mặt trên biển như: chủ quyền và quyền chủ quyền biển, hải đảo; giới hạn và sự biến động các nguồn lợi, tài nguyên; mâu thuẫn, xung đột trong khai thác, sử dụng; ô nhiễm, suy thoái môi trường và đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu toàn cầu… Đồng thời, Nhà nước, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hải dương học nên có sách lược, chính sách phù hợp, tăng cường đầu tư về tri thức, công nghệ… cho đội ngũ nghiên cứu, triển khai điều tra biển đảo, cho họ tham gia sâu hơn các chương trình đào tạo quốc gia về các vấn đề trên.

Nhìn nhận dưới góc độ quản lý nhà nước về biển và hải đảo Việt Nam theo hướng phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, đại biểu Vũ Trường Sơn – Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam khẳng định, trước đây ở Việt Nam, việc quản lý biển và hải đảo phân theo ngành, điều này dẫn đến sự khai thác quá mức, lãng phí tài nguyên, suy thoái môi trường biển, hải đảo. Hiện nay, trong xu thế chung của thế giới coi “Thế kỷ XXI là thế kỷ của đại dương”; năm 2007, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam khóa X ban hành Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Quốc hội đã thông qua Luật Biển Việt Nam 2012, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015… là những tiền đề để Việt Nam quản lý và phát triển biển, hải đảo theo hướng bền vững, chủ động hội nhập quốc tế.

Tại hội nghị, nhiều vấn đề bức thiết tại Biển Đông và biển, hải đảo Việt Nam cũng được đề cập như: quản trị và phát triển kinh tế ở Biển Đông thích ứng với xu thế mới; vai trò của việc hợp tác kinh tế ở Biển Đông hiện nay; đặc điểm tai biến thiên nhiên và rủi ro môi trường tại dải ven biển Việt Nam; sự phát triển bền vững hệ thống đô thị ven biển của Việt Nam; việc liên kết các bên liên quan nhằm phục hồi và sử dụng bền vững các hệ sinh thái ở vùng biển ven bờ Việt Nam…

Các nhà khoa học Viện Hải dương học trong đợt lặn nghiên cứu vùng biển ông Nghi

Các nhà khoa học Viện Hải dương học trong đợt lặn nghiên cứu vùng biển ông Nghi

Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về Khánh Hòa

Tại hội nghị, các nhà khoa học còn đi sâu thảo luận vào các chuyên đề, trong đó có nhiều nghiên cứu khoa học liên quan đến vùng biển Khánh Hòa.

2 tác giả Nguyễn Đình Đàn, Hứa Thái Tuyến (Viện Hải dương học) đã trình bày kết quả ứng dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới trong việc xây dựng rạn nhân tạo và kết hợp phục hồi san hô ở khu vực mũi Bàng Thang, tây bắc Hòn Tre, vịnh Nha Trang. Theo đó, đề tài đã xây dựng được khu vực rạn nhân tạo đa chức năng với 100 giá thể bằng bê tông hình nón cụt có bọc lưới cước; đồng thời đã trồng phục hồi được 3.974 tập đoàn san hô với nhiều chủng loài.

Nhóm tác giả, Nguyễn Đăng Huyền Trân và các cộng sự  Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh mang đến hội nghị ứng dụng tư liệu viễn thám để phân loại và đánh giá biến động không gian xanh đô thị dưới tác động của đô thị hóa tại TP. Nha Trang giai đoạn 2007 – 2017. Kết quả cho thấy, chỉ trong vòng 10 năm, tình hình đô thị hóa đã làm tăng nhanh diện tích xây dựng mặt không thấm trên toàn thành phố khoảng 62,2% (tăng 1,6 lần) khiến cho mảng xanh đô thị bị thu hẹp khoảng 21,7%. Dự báo đến năm 2027, diện tích lớp phủ thực vật toàn thành phố tiếp tục giảm khoảng 2,78%. Theo tác giả, việc gia tăng diện tích mặt không thấm và giảm diện tích mảng xanh đô thị có thể làm gia tăng các rủi ro môi trường, đặc biệt là gây lũ lụt và xói mòn cho thành phố biển Nha Trang.

Tác giả Lê Thị Vinh (Viện Hải dương học) và các cộng sự đem đến hội nghị kết quả đánh giá chất lượng nước biển liền kề các khu dân cư ven biển tỉnh Khánh Hòa và chỉ ra nguyên nhân gây ô nhiễm. Theo kết quả thu được năm 2016 ở 21 khu dân cư ven biển cho thấy, nước biển,cửa sông liền kề các khu dân cư còn khá tốt, tuy nhiên tình trạng nhiễm bẩn coliform và dầu mỡ khá cao. Nguyên nhân là do việc quản lý chất thải rắn chưa đầy đủ, một số cơ sở sản xuất xả nước thải không qua xử lý hoặc xử lý không đạt vào môi trường, việc phóng uế bừa bãi của một số hộ dân không có nhà vệ sinh, hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản…

Ông Võ Sĩ Tuấn – Viện trưởng Viện Hải dương học, Trưởng Ban tổ chức hội nghị cho biết, đây là dịp để các nhà khoa học nhìn lại các hoạt động nghiên cứu khoa học trên vùng biển Việt Nam và lân cận. Đồng thời, là nơi để các nhà khoa học và quản lý gặp gỡ, trao đổi thảo luận về các lĩnh vực khoa học biển, các vấn đề về môi trường. Qua đó, giúp các nhà quản lý có cái nhìn tổng quan để đề ra những chính sách phát triển biển, đảo theo hướng bền vững. Đây cũng là cơ hội để các nhà khoa học trong và ngoài nước cùng xây dựng sự hợp tác nghiên cứu trên Biển Đông và cùng các doanh nghiệp, địa phương triển khai các hoạt động nghiên cứu – phát triển nhằm đưa khoa học vào thực tiễn khai thác bền vững tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

T.L

Theo: Báo Khánh Hòa