Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Vào vụ nuôi ốc hương: Nông dân còn phân vân

Giá ốc giống xuống thấp


Không như những năm trước, vùng ương nuôi ốc hương giống tại xã Ninh Phước (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) bây giờ không còn cảnh người xe vào ra mua ốc giống về thả nuôi. Hàng chục cơ sở sản xuất giống tại đây đang hoạt động cầm chừng. Ông Ngô Đình Đức – chủ cơ sở sản xuất giống ốc hương chia sẻ: Mọi năm, bây giờ là thời gian cao điểm sản xuất ốc hương giống để phục vụ người nuôi thương phẩm, các trại ương nuôi ốc giống đều hoạt động hết công suất. Năm nay, nhu cầu nuôi thương phẩm rất thấp nên nhiều cơ sở đành thu hẹp sản xuất, thậm chí tạm ngưng hoạt động vì sản xuất ra rất ít người mua. Cao điểm vùng sản xuất ốc hương giống ở xã Ninh Phước có đến 110 cơ sở, hiện nay chỉ còn 20 – 25 cơ sở hoạt động cầm chừng.




Trò chuyện với những người ương, nuôi ốc giống tại đây, được biết, những cơ sở lớn có đến 4 – 5 trại ương, sản lượng ốc giống có thể sản xuất lên đến 4 triệu con mỗi tháng. Nguồn giống từ các trại nuôi này không chỉ cung cấp cho nhu cầu nuôi ốc thương phẩm của người dân Ninh Hòa, huyện Vạn Ninh… mà còn xuất đi nhiều tỉnh, thành khác. Hiện nay, do khó khăn về đầu ra nên chỉ khi có khách đặt chắc chắn thì các cơ sở mới ương nuôi con giống. Lượng giống sản xuất cũng chỉ khoảng 1 triệu con/cơ sở, giảm đến 75% so với thời điểm này năm trước.


Không chỉ vậy, giá ốc giống cũng đang xuống thấp. “Nếu thời điểm này năm trước, ốc giống có giá 6 đồng/con thì hiện nay chỉ còn 3 đồng/con mà vẫn không mấy người mua; mức giá này thấp nhất trong nhiều năm qua. Nhiều cơ sở sản xuất giống đã liên kết với hộ có đìa nuôi thủy sản để hợp tác nuôi thương phẩm nhưng các chủ đìa cũng e ngại vì đầu ra của ốc hương thương phẩm thời điểm này khá bấp bênh”, ông Trương Văn Thanh – chủ một cơ sở nuôi ốc giống ở Ninh Phước cho hay.


Không riêng gì thị xã Ninh Hòa, nhiều cơ sở ương nuôi ốc hương giống trên địa bàn tỉnh cũng gặp khó khăn tương tự. Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, trên địa bàn tỉnh có 330 cơ sở sản xuất giống nhuyễn thể, chủ yếu là ốc hương, năng lực sản xuất lên đến 6 –  7 tỷ con giống mỗi năm. Từ đầu năm đến nay, các cơ sở chỉ sản xuất được hơn 660 triệu con, bằng 36% so với cùng kỳ năm trước.


Chưa dám thả nuôi 


Ông Nguyễn Liên – người nuôi ốc tại phường Ninh Hải (Ninh Hòa) cho biết: “Đầu tư nuôi ốc hương đòi hỏi chi phí rất lớn, 1 ao nuôi có diện tích 3.000m2, thả từ 2,5 đến 3 triệu con giống, trong 6 tháng nuôi tốn chi phí khoảng 1 tỷ đồng. Với mức giá 180.000 đồng/kg, tỷ lệ hao hụt 50%, nông dân vẫn còn hòa vốn. Với mức giá 150.000 đồng/kg ốc kích cỡ 150 con/kg, tỷ lệ hao hụt càng cao thì người nuôi thua lỗ càng lớn. Nếu tình hình đầu ra vẫn tiếp tục khó khăn như hiện nay thì nông dân không dám mạo hiểm thả nuôi mà phải chuyển sang nuôi cá hoặc tôm, có hộ thả ít để bán nội địa”.


Ông Trần Hải – Chủ tịch UBND phường Ninh Hải cho biết, Ninh Hải là một trong những vùng trọng điểm nuôi ốc hương của thị xã Ninh Hòa, với diện tích lên đến 40ha. Tuy nhiên, qua rà soát mới đây từ các tổ dân phố, toàn bộ diện tích nuôi ốc hương năm trước người dân không tiếp tục thả nuôi vì lo ngại đầu ra gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì vậy, người nuôi chuyển sang thả nuôi một số đối tượng khác hoặc treo ao chờ thị trường hồi phục.  


Theo ông Võ Khắc Én – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, năm 2020, dự kiến toàn tỉnh sẽ thả nuôi hơn 710ha ốc hương thương phẩm. Mặc dù thời điểm này thời tiết khá thuận lợi cho việc thả giống nhưng do lo ngại đầu ra nên diện tích thả nuôi ốc hương rất thấp. Không chỉ do dịch Covid-19, việc tiêu thụ ốc hương trước đó đã bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc thắt chặt đường tiểu ngạch trong năm 2019. Với những khó khăn về đầu ra như hiện nay, việc nuôi ốc hương thương phẩm đòi hỏi người nuôi cần tuân thủ các điều kiện về tiêu chuẩn, chất lượng, hồ sơ… Vì vậy, trong quá trình nuôi, người dân cần lưu ý thả nuôi đúng quy hoạch, có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý; áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học, phải truy xuất được nguồn gốc rõ ràng. Về lâu dài, để ổn định đầu ra cho sản phẩm ốc hương thương phẩm, cần xúc tiến để tiêu thụ nội địa, mở rộng thị trường, tránh phụ thuộc vào một thị trường như hiện nay. Muốn làm được điều này phải tiến hành tái cơ cấu lại đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện vùng nuôi, với nhu cầu của thị trường.


HẢI LĂNG

Theo: Báo Khánh Hòa