Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Vạn Ninh: Thiệt hại nặng nề do bão

Cơn bão số 12 đi qua, khắp nơi trên địa bàn huyện Vạn Ninh trở nên xác sơ, ngỗn ngang, tiêu tàn. Thiệt hại nặng nề nhất là những hộ nuôi trồng thủy hải sản, với ước thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Hiện, huyện đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị, cùng với người dân khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.

Nhà xưởng của một doanh nghiệp trên địa bàn huyện bị sập hoàn toàn

Tiền tỷ trôi ra biển

Sáng 5-11, tại bến cảng Vạn Giã, hàng chục người nuôi trồng thủy hải sản ở thị trấn Vạn Giã và các xã lân cận thuê ghe cho người lao động ra biển tìm kiếm lồng bè với hy vọng vớt vát phần nào những thiệt hại do bão gây ra. Khuôn mặt thất thần, bà Nguyễn Thị Loan (thị trấn Vạn Giã) nghẹn ngào nói: “Sau bão dữ, toàn bộ lồng bè của gia đình bị đánh tan hết. Gần 14.000 con tôm chuẩn bị thu hoạch đã trôi ra biển. Ước thiệt hại lên đến gần 30 tỷ đồng. Nợ ngân hàng chồng chất, sắp đến kỳ phải trả, tôi tính cuối tháng thu tôm sẽ thắng lớn, không chỉ trả nợ được toàn bộ mà còn mở rộng đầu tư, mua sắm trang thiết bị trong nhà đón Tết. Chẳng ai dè, cơn bão lớn đổ bộ, gia đình tay trắng, nợ nần chồng chất”.

Toàn bộ lồng bè của gia đình người phụ nữ này đã cuốn trôi theo cơn bão, bà ngồi thất thần bên biển

Cũng giống như nhiều người nuôi trồng thủy hải sản khác, chị Đỗ Thị Hằng (xã Vạn Lương) vẫn ngóng về phía biển chờ ghe tìm kiếm lồng bè vào bờ. Chị cho biết, gia đình nuôi khoảng hơn 8.000 con tôm hùm. Tôm đang độ phát triển mạnh, dự kiến sẽ cho thu hoạch vào cuối năm nay. Khi nghe tin báo bão, gia đình đi vay mượn hơn 100 triệu để gia cố lồng bè. Thế nhưng khi bão vào, đã cuốn trôi mọi thứ. Gia đình vay 500 triệu đồng của ngân hàng và ở cả bên ngoài để nuôi tôm với hy vọng đổi đời. Thế nhưng sau trận bão, lồng bè bị phá, cuốn trôi, thiệt hại gần 10 tỷ đồng. “Anh em hùn nhau thuê ghe đi kiếm tôm, tìm bè chẳng qua cũng hy vọng mong manh thôi. Chứ thực chất, lồng bè bị phá tan hết rồi, giờ tôi chỉ mong nhà nước hỗ trợ cho trả chậm ngân hàng và hỗ trợ một phần kinh phí để gia đình khôi phục sản xuất. Mọi thứ trông mòng vào biển, trông vào những con tôm, giờ không có tiền tái sản xuất thì không biết sẽ sống ra sao, khổ quá chú ơi!”, chị Hằng vừa khóc vừa nói.

Những người nuôi trồng thủy sản trao đổi với phóng viên Khánh Hòa Online về những thiệt hại của gia đình

Theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn huyện có hơn 12.400 lồng bè nuôi trồng thủy hải sản. Sau trận bão, toàn bộ lồng bè đã bị phá tan và cuốn trôi đi khắp nơi. Thiệt hại về tài sản đối với ngành nuôi trồng thủy sản hải là lớn nhất trong các ngành với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Nhiều hộ nuôi với số lượng lớn, ước thiệt hại hơn 100 tỷ đồng như gia đình ông Tám Tuân (Vạn Giã), ông Dương, ông Nhà, Mười Châu (xã Vạn Hưng)…

Người dân bắt tay vào khắc phục hậu quả sau bão

Không chỉ vậy, cơn bão đi qua cũng đã làm người dân Vạn Ninh thiệt hại nặng nề về nhà cửa. Chưa hết bàng hoàng, bà Lê Thị Hoài Khanh (thôn Đông Nam, xã Đại Lãnh) cho biết: “Vợ chông tôi làm nghề biển, tích cóp mãi mới xây được căn nhà mới với tổng trị giá hơn 600 triệu đồng. Cả gia đình mới chuyển về căn nhà mới ở được 1 tháng. Hôm bão vào, cả gia đình phải sơ tán đến nhà văn hóa thôn tránh trú. Sáng hôm sau trở về tôi không còn tin vào mắt mình nữa. Sau một đêm, căn nhà đã bị gió bão, sóng biến đánh sập hoàn toàn, rồi cuốn trôi ra biển khơi. Đã thế, chiếc thuyền hơn 100CV của gia đình cũng bị sóng biển đánh chìm. Giờ đây, gia đình tôi rơi vào cảnh trắng tay”.

Người dân lợp lại mái nhà sau khi bão tốc mất mái

Ông Võ Lục Phẩm – Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, do huyện nằm trong tâm bão số 12 nên bị thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản. Tính đến 17 giờ ngày 5-11, toàn huyện có 6 người chết, hơn 60 người bị thương nặng. Hơn 12.400 lồng bè bị mất trắng, ước thiệt hạn hơn 1.400 tỷ đồng; 340 ha ao đìa nuôi tôm và ốc hương bị mất trắng; hơn 80 điểm trường học bị hư hại, ước thiệt hại hơn 35 tỷ đồng; hơn 300 ha hoa màu bị hư hỏng; hơn 300 căn nhà bị xập, hơn 18.000 căn nhà bị lốc mái; hơn 11.300 con gia cầm, 300 con gia súc bị chết, cuốn trôi, ước thiệt hại hơn 10 tỷ đồng…

Khẩn trương khắc phục

Tại buổi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau bão tại huyện Vạn Ninh chiều 4-11, ông Lê Đức Vinh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, Vạn Ninh là một trong những địa phương chịu nhiều thiệt hại do bão. Do đó, địa phương cần phối hợp với lượng chức năng khẩn trương thực hiện các biện pháp giúp nhân dân gia cố nhà cửa, nhằm đảm tính mạng cho người dân. Đối với nhưng hộ có người bị chết, địa phương phải lo công tác mai táng; những hộ có nhà bị xập thì phải đảm bảo lương thực, nước uống, nơi ở cho bà con. Đặc biệt, không cho người dân quay về nơi ở cũ khi hậu quả chưa được khắc phục xong. Các đơn vị chuyên môn nhanh chóng sửa chữa lưới điện, giao thông, thông tin liên lạc nhằm đảm bảo đời sống cho bà con…

Lãnh đạo huyện Vạn Ninh thăm hỏi, động viên và trao hỗ trợ cho gia đình có người thiệt hại

Theo ghi nhận của chúng tôi, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, trong ngày 5-11, khắp nơi trên địa bàn huyện Vạn Ninh, người dân và các lực lượng chức năng đã bắt tay vào khắc phục hậu quả sau bão. Tại 6 xã cánh Bắc của huyện, Trường Đại học Thông tin liên lạc cũng đã điều hơn 150 cán bộ, chiến sĩ tỏa đến các xã để giúp nhân dân sửa nhà, chặt cây xanh bị ngã, kè móng nhà. Bên cạnh đó, huyện Vạn Ninh cũng đã huy động toàn bộ lực lượng dân quân tự vệ, thanh niên xung kính, công an, quân sự địa phương cùng các phương tiện khắc phục hậu quả. Các ngành chức năng như điện lực, giao thông, đô thị, nước sạch cũng ngay lập tức bắt tay sửa chữa những hư hại sau bão…

Bộ đội giúp dân khắc phục hậu quả sau bão

Ông Võ Lục Phẩm – Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Chúng tôi đã huy đồng toàn hệ thống chính trị, người dân cùng vào cuộc khắc phục hậu quả do bão gây ra. Trước mắt, huyện đã huy động các lực lượng chức năng tiếp tục tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn những người dân còn mất tích, còn bị cô lập trên các đảo. Gấp rút cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống cho những hộ dân bị xập nhà, nằm trong vùng xung yếu hiện đang phải ở tập trung tại các trung tâm cộng đồng. Đồng thời, tập trung chặt bỏ cây xanh bị đổ ngã gây ách tắc giao thông; khắc phục hệ thông đường giây điện thoại để thông tin được thông suốt; sửa chữa hệ thống cấp nước sạch. Bên cạnh đó, trước mắt khắc phục hệ thống lưới điện ở các cơ sở y tế, thị trấn Vạn Giã với quyết tâm trưa ngày 6-11 phải cấp điện cho bà con. Đặc biệt, huy động mọi lực lượng khắc phục thiệt hại ở 80 điểm trường học của huyện, phấn đấu đến ngày 9-11 phải xong để học sinh đi học trở lại”.

Ngoài ra, ông Võ Lục Phẩm cũng đã yêu cầu các ban, ngành, đoàn thể, 13 xã, thị trấn tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ cho những gia đình có người chết, bị sập nhà do bão. Đồng thời, cơ sở y tế tiến hành triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường…


Tại buổi kiểm tra tại Vạn Ninh chiều 4-11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo, việc làm trước ngay là các địa phương cần tập trung lực lượng khắc phục những hư hỏng về trường học, bệnh xá, công trình công cộng, dịch vụ, nhà cửa của nhân dân. Các bộ ngành, địa phương phải dành phần lớn sự hỗ trợ cho người dân. Đặc biệt, không để những người dân bị sập nhà, thiệt hại nặng nề nhất về tài sản bị đói, khát, thiếu nơi ở an toàn. Lãnh đạo các địa phương cần quan tâm tổ chức, thăm hỏi, hỗ trợ những hộ có người chết, mất tích, bị thương, bị sập nhà cửa để có cuộc sống ổn định. Không để xảy ra tai nạn bởi những sự cố về điện, giao thông, sập nhà. Các ngành giao thông, công an phải đảm bảo cho giao thông được thông suốt. Đồng thời, sớm tổng hợp những thiệt hại do bão gây ra báo cáo chu Thủ tướng Chính phủ để có phương án hỗ trợ.

—————————

Ông Võ Lục Phẩm cho biết, nhờ sự giúp đỡ của Hải đội Cảnh sát biển 302 (Vùng Cảnh Sát biển 3) và Bộ đội biên phòng tỉnh, địa phương đã tìm kiếm và đưa được hơn 250 người dân nuôi trồng thủy sản trên biển bị cô lập trên các đảo về đất liền an toàn. Đối với 6 hộ có người chết, trước mắt, UBND huyện Vạn Ninh đã trích hỗ trợ 6 triệu đồng/1 trường hợp.


VĂN GIANG – MẠNH HÙNG

——————-

VIDEO: Vạn Ninh khắc phục hậu quả sau bão

Theo: Báo Khánh Hòa