Với giá trị kinh tế khá cao của sò mai (còn gọi là sò biên mai, thuổng), hàng chục hộ ở các xã ven biển huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã mua giống về nuôi. Do tự phát nên người nuôi gặp nhiều khó khăn, nhất là về kỹ thuật, nguồn giống và đầu ra.
Nuôi tự phát
Ông Trần Văn Bảy (xã Vạn Khánh) cho hay: “Sò mai là loại sò biển hình tam giác, to cỡ bàn tay người lớn, sống dưới lớp bùn đáy biển. Trước đây, tôi đi lặn biển, thấy sò mai thì bắt về ăn, có bán cũng không được bao nhiêu tiền. Mấy năm gần đây, sò mai được thương lái thu mua với giá cao nên nhiều người đổ xô khai thác. Một số hộ nuôi trồng thủy sản ở địa phương đặt mua sò mai loại nhỏ về làm giống để nuôi. Hiện nay, có rất nhiều hộ nuôi sò mai trên khắp các vùng biển: Vạn Khánh, Vạn Long, Vạn Thọ, Vạn Hưng…”.
Ông Đặng Trung Diễn (xã Vạn Khánh) kể: “Từ trước đến nay chưa có ai nuôi loại thủy sản này. Nghề nuôi sò mai chỉ mới xuất hiện ở địa phương từ tháng 2 năm nay, vụ nuôi đầu tiên đến nay vẫn chưa thu hoạch. Vào thời điểm ấy, người dân thấy sò mai được thương lái thu mua với giá gần 60.000 đồng/kg (loại khoảng 5 con/kg) nên đặt mua giống từ thợ lặn với giá 2.000 đồng/con (kích cỡ khoảng 50 con/kg)”. Trong lần nuôi thử nghiệm này, ông Diễn cũng đặt thợ lặn, mua… con giống với tổng số tiền 100 triệu đồng để nuôi. Đến nay, qua khoảng 6 tháng nuôi, tỷ lệ hao hụt còn 50%, sò mai đã có kích cỡ khoảng 8 – 9 con/kg, gần thu bán được.
Trong khi đó, ông Trần Phi (xã Vạn Long) cho biết: “Sò mai được nuôi theo kiểu tự nhiên, chỉ nhổ giống ở khu vực lạch Cổ Cò (vịnh Vân Phong) về rồi cắm xuống nuôi trong khu vực vùng nước của mình đánh dấu, hoàn toàn không cho ăn thức ăn gì. Về tỷ lệ hao hụt, từ khi cắm giống đến khi thu hoạch hơn 50%, có thể do người dân chưa biết cách nuôi; trong khi giống có con lớn, con bé, có thể có những con sức đề kháng yếu nên khi đưa về nuôi thì bị chết, chứ các loại bệnh trên đối tượng nuôi này chúng tôi cũng mù mờ”.
Do nghề nuôi này mới phát triển tự phát nên đến nay ở mỗi địa phương cũng chỉ có một vài hộ nuôi thử. Hiện nay các hộ vẫn chưa thu hoạch nên chưa có thông tin gì để đánh giá hiệu quả của sò mai.
Nhiều thách thức
Theo các ngư dân, thịt thân sò mai nhão, không ngon bằng 2 lớp cơ thịt (to cỡ đồng xu, dày chừng nửa lóng tay) nối liền 2 mảnh vỏ gọi là “cồi sò mai”, đây là phần ngon nhất của loại sò này. Sò mai là đặc sản của một số vùng biển, trong đó có Vạn Ninh. Hiện nay, loại sò này được thương lái thu mua bán cho một số vựa hải sản và tiêu thụ ở các nhà hàng trong và ngoài huyện. Với nhiều cách chế biến khác nhau, sò mai đang trở thành món ăn ngon, hấp dẫn, là một trong những mặt hàng hải sản thu hút thực khách. Vì vậy, giá trị kinh tế mang lại cho ngư dân ngày càng cao. Nếu như thời điểm này năm trước, sò mai chỉ được thu mua với giá chưa đến 60.000 đồng/kg thì hiện nay, thương lái thu mua với giá 75.000 đồng/kg ngay tại các vùng biển Vạn Ninh. Theo tính toán của ông Diễn, nuôi sò mai không tốn chi phí, chỉ mất tiền giống, đến khi xuất bán dù tỷ lệ hao hụt đến 50% người dân vẫn có lãi cao.
Tuy nhiên, người nuôi sò mai ở Vạn Ninh không khỏi lo lắng khi đầu ra chưa ổn định. Nhiều người cũng chưa biết gì về kỹ thuật nuôi loại hải sản này. Con giống cũng bấp bênh, có năm sò mai sinh sản nhiều nhưng có năm không được bao nhiêu, trong khi chưa có ai nhân giống đối tượng này. Đây là những thách thức lớn đối với nghề nuôi sò mai.
Ông Đặng Tri Thông – chuyên viên Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết: “Qua thống kê sơ bộ, trên địa bàn huyện Vạn Ninh hiện nay có khoảng 20 hộ nuôi sò mai theo kiểu tự phát. Nghề này mới rộ lên trong năm nay và đang đối diện với nhiều yếu tố không bền vững, trong đó lớn nhất là vấn đề tiêu thụ và con giống. Để định hướng cho nghề nuôi sò mai, địa phương đã đề xuất đề tài nghiên cứu, nhân giống sò mai. Nếu nhân giống thành công và thị trường đầu ra ổn định, địa phương sẽ có định hướng cho người dân phát triển nghề nuôi này”.
B.L – N.T
Theo: Báo Khánh Hòa