Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Vạn Ninh: Huy động tổng lực khắc phục hậu quả sau bão

Ngày 6-11, theo ghi nhận của chúng tôi, toàn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đang tiếp tực, nỗ lực không ngừng để khắc phục hậu quả sau bão. Bước đầu, trên địa bàn huyện đã cấp điện, nước trở lại ở khu vực thị trấn Vạn Giã; sửa chữa lại các trạm y tế, trường học…

Kết quả bước đầu

Tại thị trấn Vạn Giã, ngay từ đầu giờ chiều bắt đầu xuất hiện những cơn mưa nặng hạt. Thế nhưng trên khắp mọi nẻo đường từng tốp người không ngại mưa gió vẫn tích cực, khẩn trương dọn dẹp cây xanh, vệ sinh môi trường, khơi thông dòng chảy các khu vực bị ngập úng; hàng chục máy cưa được huy động cắt các cây ngã đổ để lực lượng điện lực khôi phục hệ thống lưới điện. 

Ông Nguyễn Công Bằng – Chủ tịch UBND thị trấn Vạn Giã cho biết, với địa hình chạy dọc theo mép biển, cơn bão số 12 đã mang lại những hậu quả hết sức nặng nề cho địa phương. Để khắc phục sớm những hậu quả do bão gây ra, địa phương đã huy động tổng nhân lực và phương tiện để làm việc. Trước hết, chúng tôi tập trung cứu trợ cho các gia đình bị thiệt hại nặng. Cụ thể, trước mắt địa phương đã trực tiếp đưa hơn 500 thùng mì tôm cho các hộ dân. Đồng thời huy động khoảng 100 người phối hợp với các lực lượng tăng cường của tỉnh và huyện để nhanh chóng dọn dẹp cây xanh, cho các tuyến đường lưu thông. Chúng tôi cũng huy động gần 20 xe tải đi toàn bộ các tuyến đường để thu gom rác, cây xanh. Hiện nay các tuyến đường trên địa bàn thị trấn đã lưu thông bình thường.

Người dân Vạn Ninh sửa chữa lại tàu thuyền sau bão.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hệ thống điện lưới của địa phương đã bị mất từ đêm 3-11. Đồng thời hệ thống thông tin liên lạc cũng bị gián đoạn. Tín hiệu các mạng thông tin hiện rất chập chờn. Trước những khó khăn về điện, huyện đã đề xuất tỉnh để nhờ điện lực tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ và nhận được sự đồng ý của đơn vị này. Đại diện đơn vị điện lực Đắk Lắk cho biết, đơn vị huy động 60 người cùng 6 xe chuyên dụng, 4 xe cẩu xuống địa bàn Vạn Ninh hỗ trợ khắc phục hệ thống điện cao thế cho huyện. Để đẩy nhanh tiến độ khắc phục, đơn vị làm việc hầu như không nghỉ ngơi với mục tiêu nối điện cho địa phương càng sớm càng tốt.

Tại xã Vạn Long, được sự giúp đỡ của 25 chiến sĩ bộ đội và sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân bước đầu đã sửa lại mái nhà của trạm y tế xã, trường tiểu học. Đồng thời, chằn chống, kè lại những khu vực bị sạt lỡ nặng. Đặc biệt, toàn bộ hệ thống cây xanh bị đổ ra đường, gây cản trở giao thông đã được bộ đội, lực lượng dân quân tự vệ, thanh niên xung kích chặt bỏ, tạo thông suốt giao thông. Theo lãnh đạo UBND xã Vạn Long cho biết, việc ưu tiên hàng đầu của xã là cấp gạo, mì tôm và nước uống cho gần 200 hộ dân bị thiệt hại nặng. Đồng thời, đã sửa chữa lại trạm y tế xã để phục vụ khám, điêu trị bệnh cho người dân; sửa lại các điểm trương để cho học sinh sớm đi học trở lại; cấp phát thuốc cho ngươi dân tiêu trùng, khử độc, vệ sinh môi trường.

Gia cố lại khu vực bị sạt lỡ.

Ở xã Đại Lãnh, chính quyền địa phương đã thực hiện hỗ trợ cứu đói cho hơn 300 hộ dân bị sóng biển đánh sập nhà và gió tốc mái. Đồng thời, với sự giúp sức của hơn 50 chiến sĩ bộ đội Trường Đại học Thông tin liên lạc, bước đầu đã gia cống xong những điểm bị sóng biển cuốn trôi đất cát, tạo thành những hố nguy hiểm, có nguy cơ làm đổ nhà dân. Không chỉ vậy, gần 50 hộ dân bị tốc mái cũng đã được các ngành chức năng hỗ trợ lợp lại mái nhà. Hàng loạt cây xanh bị đổ đã được chặt bỏ, tạo thông thoáng về giao thông. 

Ông Võ Lục Phẩm – Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, hiện nay toàn huyện vẫn đang tiếp tục huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc để khắc phục hậu quả. Đồng thời, kêu gọi nhiều nguồn lực từ các đơn vị trong và ngoài tỉnh giúp sức. Chính nhờ vậy, đến chiều 6-11, khu vực thị trấn Vạn Giã đã có điện trở lại. Về nguồn nước sạch, huyện cũng đã nạo vét xong khối lượng đất đá chặn dòng trên đầu nguồn, do vậy nhiều khu vực của thị trấn Vạn Giã va xã Vạn Phú đã có nước sạch. Một số điểm trường học cũng đã khắc phục xong một phần công việc. Dự kiến ngày 9-11 toàn bộ học sinh toàn huyện sẽ đi học trở lại. Đặc biệt, công tác cứu đói cho hàng ngàn hộ dân được huyện chủ động cung cấp nguồn thực phẩm, nước uống… Dự kiến hơn 1 tuần nữa sẽ có điện trên địa bàn toàn huyện.

Tổng thiệt hại hơn 27.000 tỷ đồng

Mấy ngày nay, tang thương bao trùm các xóm nghèo ở Vạn Ninh. Căn nhà tềnh toàng của ông Lê Văn Lai (Tân Phước Bắc, Vạn Phước) nằm sâu trong con hẻm gần biển não nề hơn với tiếng kèn trống đám tang của bố (ông Lê Văn Lê) và em trai (Lê Văn Luân) mới mất do cơn bão số 12 gây ra. Khi chúng tôi đến, gia đình đang làm tang lễ, nét mặt ủ rũ, ông Lai buồn bã nói: “Đêm 3-11, khi cơn bão chuẩn bị vào bố tôi cùng em trai lo sợ đìa ốc hương mất trắng, gia đình sẽ lâm vào cảnh khó khăn. Thế nên bố và em chạy ra đìa với ý định gia cố đắp thêm đất bờ đìa. Chẳng may khi vừa ra tới, nước sông Tô Giang dâng cao, chảy siết cuốn trôi cả hai người ra biển. Trong đêm mưa bão, gia đình cũng không thể nào đi tìm kiếm, đến mãi hôm sau xác bố và em dạt vào bờ biển, cách nhà gần 1 km. Đau xót quá! Cơn bão đã cướp đi mạng sống của hai người đàn ông trụ cột trong gia đình tôi. Gia đình đã thuộc diện khó khăn, mất đi hai người nhà tôi càng trở lên cùng cực hơn”… 

Nỗ lực khắc phục lưới điện ở Vạn Ninh.

Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Vạn Ninh, đến 17 giờ ngày 6-11, trên địa bàn huyện có 10 trường hợp bị chết do mưa bão; 60 người bị thương nặng. Bão cũng đã làm sập hoàn toàn 578 căn nhà và hơn 18.700 căn nhà bị tốc mái, hư hỏng nặng. Hầu hết trụ sở các cơ quan, ban, ngành, đoan thể của huyện bị hư hỏng; 84 trụ sở văn hóa thôn, 13 trạm y tế bị sập, tốc mái, đổ tường, ước thiệt hại hơn 35 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 53 trường học và 80 điểm trường bị hư hại, ước thiệt hại hơn 45 tỷ đồng. Toàn bộ hệ thống điện, đèn chiếu sáng công cộng bị ngã, gãy, tê liệt hoàn toàn, ước thiệt hại hơn 25 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng, ước thiệt hại hơn 20 tỷ đồng. Về nông nghiệp, hơn 2.000 ha lúa đông xuân, 300 ha hoa màu, 11.300 con gia cầm, 300 con gia xúc bị cuốn trôi, ước thiệt hạn hơn 10 tỷ đồng. Đặc biệt, thủy sản được huyện Vạn Ninh đánh giá là bị thiệt hại nặng nề nhất. Hơn 12.200 lồng nuôi tôm hùm, 3.100 lồng nuôi cá bớp, cá mú bị cuốn trôi hoàn toàn, ước thiệt hại hơn 27.200 tỷ đồng. 

Ông Võ Lục Phẩm cho biết: “Đợt mưa bão này huyện bị thiệt hại quá nặng nề. Qua thống kê sơ bộ, toàn huyện bị thiệt hại hơn 27.415 tỷ đồng. Thiệt hại ở lĩnh vực thủy sản là nặng nhất. Nhiều hộ gia đình đang khấm khá, chỉ sau một đêm bão vào đã trắng tay, lâm vào nợ nần. Chính vì thế, trước khi bão vào, chúng tôi đã tăng cường vận động, thậm chí cho lực lượng công an xuống cưỡng chế đưa ngư dân về bờ. Nhưng do khối lượng tài sản quá lớn, nhiều hộ đã trốn lén ra lại lồng bè khiến nhiều người bị cô lập trên biển. Phát hiện sự việc đó, chúng tôi đã cầu cứu các cơ quan chức năng phối hợp tổ chức hàng chục đợt tìm kiếm cứu nạn. Đến nay, chúng tôi đã tìm kiếm cứu nạn, đưa về bờ 332 người”. 

Công nhân điện lực tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ khắc phục lưới điện cao thế tại Vạn Ninh.

Sáng 6-11, ông Lê Đức Vinh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo huyện Vạn Ninh. Tại đây, ông Lê Đức Vinh yêu cầu địa phương khẩn trương rà soát đánh giá tình hình lực lượng, đẩy nhanh công tác cứu trợ, hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại. Đồng thời chỉ đạo các địa phương nhanh chóng tổng hợp, xâu chuỗi, hệ thống công việc có khoa học, ưu tiên hỗ trợ, bảo đảm an toàn cho người dân các khu vực bị ven biển. Đặc biệt, quan tâm tập trung tiếp tục tìm kiếm người dân trên biển…

Ngay sau khi có chỉ đạo của ông Lê Đức Vinh, UBND huyện Vạn Ninh đã có công điện khẩn, yêu cầu các địa phương, ban ngành đoàn thể khẩn trương dọn dẹp vệ sinh môi trường; xử lý cây xanh bị ngã đổ, chủ động mọi nguồn lực hiện có để khắc phục tình trạng mái nhà bị tốc và các hư hỏng; đề nghị các đoàn thể huy động đoàn viên, hội viên để thành lập các đội xung kích hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại.

VĂN GIANG – MẠNH HÙNG

Theo: Báo Khánh Hòa