Những năm qua, nguồn vốn vay giải quyết việc làm tại huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực, giúp tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hàng trăm người dân vay vốn.
Trước đây, mô hình sản xuất kẹo dừa, kẹo đậu phụng ở thôn Lộc Thọ (xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh) phát triển theo hình thức nhỏ lẻ, manh mún, ít hiệu quả. Đầu năm 2015, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (thôn Lộc Thọ) vận động 5 phụ nữ trong thôn tham gia thành lập tổ hợp tác sản xuất kẹo dừa, kẹo đậu phụng. Do thiếu vốn đầu tư, sản xuất nên tổ hợp tác làm ăn không mấy hiệu quả. Năm 2016, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện khảo sát và cho tổ hợp tác vay 150 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm để mở rộng quy mô sản xuất. Có vốn, bà Lan đầu tư mua sắm máy móc và nguyên vật liệu sản xuất. Đồng thời, bà kêu gọi những phụ nữ đã và đang làm kẹo nhỏ lẻ trong thôn cùng gia nhập và sản xuất theo dây chuyền khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, tổ hợp tác không ngừng mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
Bà Ngọc Lan cho biết: “Hiện nay, tổ hợp tác đang tạo việc làm ổn định cho 10 phụ nữ địa phương. Mỗi ngày, chúng tôi sản xuất được hơn 2.000 sản phẩm. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng thu về hơn 50 triệu đồng, mỗi chị em được 5 triệu đồng/người/tháng. Mức thu nhập này cao gấp 2 lần so với trước đây, giúp chúng tôi ổn định được cuộc sống. Phấn đấu đến cuối năm 2018, tôi sẽ trả hết nợ và tạo việc làm cho hơn 20 phụ nữ”.
Nguốn vốn vay giải quyết việc làm còn giúp nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện có việc làm ngay trên mảnh đất của mình. Nhiều năm liền, gia đình ông Vũ Trọng Hải (thôn Xuân Đông, xã Vạn Hưng) muốn phát triển đàn bò sinh sản nhưng lại thiếu vốn. Năm 2014, ông vay 40 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội mua bò sinh sản về nuôi. Từ đó đến nay, đàn bò của gia đình ông tăng lên hơn 30 con, tạo việc làm cho 5 nhân khẩu trong gia đình, cho thu nhập trung bình hơn 80 triệu đồng/năm.
Gia đình ông Nguyễn Chánh Lập (thôn Xuân Tự 2, xã Vạn Hưng) cũng được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 30 triệu đồng vốn giải quyết việc làm để nuôi tôm hùm lồng. Ông Lập cho hay: “Trước đây, mỗi năm, gia đình chỉ thả nuôi được 5 lồng tôm hùm với khoảng 200 con do thiếu vốn. Năm 2016, tôi được vay vốn nên đã đầu tư mở rộng quy mô. Bây giờ, gia đình có 20 ô lồng, thả nuôi hơn 1.500 con tôm hùm. Đợt nuôi này tôm đã đạt trọng lượng 1,5kg/con, nuôi thêm vài tháng nữa là xuất bán, ước tính sẽ thu lời hơn 200 triệu đồng”…
Ông Bùi Nhật Quang – Phó phụ trách Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vạn Ninh cho biết, nguồn vốn vay giải quyết việc làm đã và đang phát huy hiệu quả rất tốt trên địa bàn huyện. Nguồn vốn đã tác động đến việc hỗ trợ người dân ổn định công việc, mở rộng mô hình sản xuất, kinh doanh, qua đó, góp phần phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Năm 2016, đơn vị đã giải ngân hơn 5,3 tỷ đồng, giúp tạo việc làm cho 237 lao động; từ đầu năm 2017 đến nay, đơn vị đã giải ngân hơn 13,5 tỷ đồng, giúp tạo việc làm cho 417 lao động.
Ông Trần Ngọc Khiêm – Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, nhiều năm qua, nguồn vốn vay giải quyết việc làm được xem là một kênh tạo việc làm khá hiệu quả cho lao động địa phương. Nhiều hộ gia đình, hợp tác xã khi tiếp cận được nguồn vốn đã đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập. Hiện nay, nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm của người dân còn rất lớn, nhưng nguồn vốn khá hạn chế. Do đó, thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, các cấp, ngành cần xem xét bố trí thêm nguồn vốn, tạo điều kiện cho người dân địa phương được vay.
PHÚ VINH
Theo: Báo Khánh Hòa