Thời gian qua, nguồn vốn vay tín dụng chính sách giải quyết việc làm đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) có điều kiện phát triển sản xuất và tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn, góp phần vào công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện.
Việc phát triển kinh tế từ chăn nuôi bò sinh sản và canh tác hơn 2ha ruộng lúa đã giúp cuộc sống gia đình ông Lương Đình Chinh (thôn Xuân Trang, xã Xuân Sơn) ổn định hơn trước với nhà cửa khang trang, con cái được học hành đầy đủ. Có được kết quả đó, bên cạnh nỗ lực lao động của gia đình thì việc được vay vốn tín dụng chính sách kịp thời đã giúp gia đình ông Chinh có điều kiện phát triển sản xuất. Ông cho biết, năm 2018, gia đình dự định mua thêm bò giống sinh sản nhưng lại gặp khó về nguồn vốn. Biết được có chương trình vay vốn tín dụng ưu đãi giải quyết việc làm, ông đã làm hồ sơ vay vốn và được giải ngân cho vay 20 triệu đồng. Có được nguồn vốn vay, ông mua bò đực giống và đầu tư chăm sóc 3 con bò cái sinh sản. Năm 2019, đàn bò sinh 3 con bê, gia đình đã bán số bê này để lấy vốn tiếp tục đầu tư chăn nuôi và trang trải cuộc sống. Nhờ chăn nuôi mà đời sống gia đình ông đã khá hơn trước rất nhiều.
Đối với bà Lê Thị Thảo (thôn Phú Cang 2 Nam, xã Vạn Phú), số tiền 40 triệu đồng được giải ngân trong tháng 10-2019 từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm đã giúp gia đình bà có thêm điều kiện để phát triển sản xuất. Số vốn trên được bà mua 3 con bò cái sinh sản. Việc mở rộng sang chăn nuôi đã tạo việc làm thường xuyên cho 3 thành viên của gia đình, đồng thời hứa hẹn mang đến hiệu quả trong thời gian tới.
Trên địa bàn huyện đang triển khai 13 chương trình vay vốn tín dụng chính sách ưu đãi. Đến hết năm 2019, tổng dư nợ tín dụng chính sách hơn 374,6 tỷ đồng, với 19.296 khách hàng vay vốn; nợ quá hạn chiếm 0,2%, giảm 0,05% so với đầu năm 2019 |
Đó chỉ là 2 trong số hàng ngàn hộ được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách giải quyết việc làm trên địa bàn huyện trong thời gian qua. Theo ông Nguyễn Thành Long – Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, hiện nay, người dân trong huyện được tiếp cận nguồn vốn giải quyết việc làm từ nguồn phân bổ ngân sách của tỉnh với lãi suất 8,25%/năm và vốn phân bổ từ Trung ương với lãi suất cho vay 7,92%/năm. Năm 2019, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã thực hiện giải ngân vốn giải quyết việc làm cho 591 hộ với số tiền hơn 26,3 tỷ đồng. Hiện nay, dư nợ vốn vay giải quyết việc làm trên địa bàn huyện gần 55,9 tỷ đồng. Từ đó, đã giúp nhiều hộ gia đình có điều kiện để phát triển kinh tế, chuyển đổi mô hình sản xuất, tạo việc làm cho lao động nông thôn trung bình mỗi năm khoảng 600 người, góp phần vào việc nâng cao thu nhập và đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 3,43%.
Cũng theo ông Long, để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát từ quá trình xét duyệt hồ sơ vay vốn đến sử dụng nguồn vốn sau khi giải ngân. Vì vậy, nhìn chung, nguồn vốn vay giải quyết việc làm được sử dụng đúng mục đích và mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, huyện cũng gặp khó khăn trong quá trình triển khai cho vay vốn, nhất là nguồn lực vốn vay còn hạn chế. Qua rà soát, nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm trên địa bàn huyện hiện nay rất lớn. Thống kê cho thấy, nhu cầu vay vốn giai đoạn 2021-2025 khoảng 100 tỷ đồng. Do nguồn vốn được phân bổ về còn ít nên chưa đủ để đáp ứng nhu cầu vay vốn của nhân dân.
THẾ ANH – THANH HẢI
Theo: Báo Khánh Hòa