Cơn bão số 12 đã làm trầm trọng thêm hiện tượng “cát nhảy” tại 2 xã: Vạn Thọ, Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa), nhưng giải pháp trồng cây chắn gió đang gặp nhiều khó khăn.
Ảnh hưởng đời sống, sản xuất
Người dân Vạn Ninh gọi đồi cát ven biển chạy dài hàng chục kilômét từ Cổ Mã đến Đầm Môn là động cát. Đây cũng là khu vực cát nhảy, cát bay ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Ông Nguyễn Văn Ri – công nhân nuôi tôm tại Vạn Thọ cho hay, cơn bão số 12 đã ảnh hưởng đến các đìa nuôi tôm trong khu vực, phủ một lớp cát dày các ao nuôi và phá hỏng các bờ bao. Đến nay, ông và nhiều người khác vẫn phải tiếp tục thu dọn cát. 
Ông Lê Văn Trao – nhà gần đồi Cô Đơn (trong khu vực động cát) cho biết, bão đã làm tốc mái tôn khiến cát tràn vào nhà, vợ chồng ông phải dọn rửa nhà mất mấy ngày. Còn chuyện cát bay lên mái nhà, rồi rơi xuống mỗi ngày là chuyện thường. Vì thế, khi để thức ăn hay vật dụng gì cũng phải che đậy cẩn thận. Cũng theo ông Trao, nạn khai thác cát làm đìa tôm đang làm cho mật độ cây rừng giảm sút, khiến hiện tượng cát di động tăng lên. Thỉnh thoảng, gia đình ông phải thuê người hốt cát tràn vào nhà. 
Ông Phạm Như Bửu – Phó Trưởng thôn Tuần Lễ (Vạn Thọ), hiện tượng cát bay xuất hiện đã lâu, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Thôn Tuần Lễ có hơn 500 hộ, nhà nào cũng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, cát còn chui vào đọt dừa làm dừa khó phát triển. Tuy nhiên, mức độ xâm lấn, di động của cát không đáng kể, trừ khu vực đồi Cô Đơn.  
Ông Lê Hoàng Vương – Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh cho biết, hiện tượng cát bay và đặc biệt sau cơn bão số 12 để lại lớp cát dày trên mặt đường hơn 20cm, nhất là tuyến Cổ Mã – Đầm Môn, đoạn qua khu vực Vĩnh Yên. Cát xâm nhập vào cả các tuyến đường bê tông và các đường nhánh trong khu vực của Khu tái định cư Vĩnh Yên. Cát còn che lấp toàn bộ hố ga thoát nước gây tắc nghẽn. Trước tình hình đó, xã đã đề nghị Công ty TNHH San lấp Phương Nam san gạt, tạo thông thoáng mặt đường, bảo đảm giao thông. 
Cát bay từ đồi cát

Cát bay từ đồi cát

Cần trồng lại rừng 
Hiện tượng cát di động ngày một tăng, tuy nhiên theo ông Vương, giải pháp căn cơ gần như không có. Khu vực Vĩnh Yên, đường sát biển, nếu trồng cây chắn gió sẽ không giúp được gì vì trước đây cũng đã trồng phi lao, xoan chịu hạn nhưng cây không sống nổi vì gió biển, nước mặn. Biện pháp xây tường chắn cát cũng khó khả thi, vì nhiều đoạn xây tường rồi nhưng cát vẫn tràn qua. 
Ông Đặng Thành Hòa – Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thọ cho hay, để khắc phục hiện tượng cát nhảy sau bão, xã đã cho xe cào cát, dọn dẹp lòng đường tuyến Cổ Mã – Đầm Môn, nhưng chỉ một thời gian ngắn cát lại tràn tới nên việc khắc phục gặp nhiều khó khăn. Xã cũng động viên người dân sống ven đường chủ động dọn dẹp, hốt lớp cát phủ để bảo đảm giao thông. Nhiều năm nay, UBND xã cấm tuyệt đối việc xúc cát, hốt cát trộm xây đìa tôm gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Huyện Vạn Ninh đang hoàn thiện dự án trồng rừng góp phần đối phó với hiện tượng cát nhảy.
Theo ông Nguyễn Văn Tới – Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Vạn Ninh, trong số các biện pháp chống cát bay thì chỉ có trồng rừng là tốt nhất. Thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều đề tài trồng cây phòng hộ nhưng đều dở dang. Đến nay, tại khu vực Vạn Thọ, Vạn Thạnh vẫn chưa có dự án trồng rừng phòng hộ nào triển khai, huyện chỉ mới dừng ở bước quy hoạch. Lớp thảm thực vật tại đồi cát hiện tại là cây rừng tự nhiên và một số phi lao được người dân gây trồng. Thực hiện Quyết định 38 ngày 14-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách bảo vệ, phát triển rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ Vạn Ninh đã đề xuất tỉnh đầu tư Dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất giai đoạn 2017 – 2020 huyện Vạn Ninh, quy mô hơn 1.000ha, tại 12 xã trong huyện, dự án đã hoàn chỉnh nhưng chưa được tỉnh phê duyệt. “Việc trồng rừng sản xuất của dự án này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế và môi trường to lớn, góp phần hạn chế tác động của thiên tai, cát bay, rất mong UBND tỉnh quan tâm”, ông Tới nói. 

Theo: Báo Khánh Hòa