Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Vấn đề nhân lực khi du lịch phục hồi

Dịch Covid-19 đã khiến ngành Du lịch lao đao hơn một năm qua. Rất nhiều người lao động (NLĐ) bị mất việc hoặc chủ động xin nghỉ việc để kiếm sống bằng nghề khác… Không ít người lo ngại, chất lượng nhân lực ngành Du lịch sẽ bị giảm sút khi du lịch phục hồi trở lại.

Người lao động nghỉ việc ngày càng nhiều


Đầu tháng 2-2021, khi dịch Covid-19 bùng phát đợt 3, Khánh Hà – Trưởng nhóm Marketing truyền thông của một khách sạn lớn ở Nha Trang chia tay bạn bè về quê ăn Tết, cũng nghỉ luôn công việc mà cô đã gắn bó mấy năm qua. Hỏi chuyện, Khánh Hà chia sẻ, khách sạn kinh doanh không hiệu quả, từ quản lý đến nhân viên liên tục bị cắt giảm lương trong thời gian qua. Suốt mấy tháng liền, cô đã phải sử dụng tiền tiết kiệm để duy trì đời sống. Thêm đợt dịch mới này, cô đành phải chủ động xin nghỉ việc để kiếm công việc khác.



Nhân viên ẩm thực Champa Island phục vụ khách du lịch ở phố đi bộ Chandra.



Dịch Covid-19 đã khiến phần lớn khách sạn ở Nha Trang – Khánh Hòa đóng cửa trong thời gian dài. Các điểm du lịch chỉ thu hút được rất ít du khách, nhiều tour du lịch bị dừng… khiến các doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ du lịch phải cắt giảm NLĐ. Nhiều NLĐ có năng lực chủ động xin nghỉ việc để đi kiếm việc làm mới bởi thu nhập không đủ sống.


Theo báo cáo của Sở Du lịch, thời cao điểm cuối năm 2019, Khánh Hòa có khoảng 60.000 NLĐ trực tiếp làm việc trong lĩnh vực du lịch. Sau dịch đợt 1 (quý I/2020), ngành Du lịch Khánh Hòa cắt giảm khoảng 17.000 NLĐ. Trong đó, lĩnh vực lưu trú bị cắt giảm khoảng 15.000 người, chiếm 30% NLĐ ở lĩnh vực lưu trú; lữ hành bị cắt giảm khoảng 2.100 người, chiếm 60% lao động lữ hành. Sau khi dịch Covid-19 bùng phát đợt 3, lượng NLĐ trong ngành Du lịch bị mất việc càng nhiều hơn.


Mới đây, làm việc với lãnh đạo tỉnh và ngành Du lịch, ông Phạm Văn Hiến – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Biển Đông Bãi Dài (chủ đầu tư The Anam resort) cho biết, khu nghỉ dưỡng có hơn 500 NLĐ. Trải qua 3 đợt dịch Covid-19, tuy công ty rất cố gắng nhưng đến nay chỉ giữ được khoảng 50% lao động. “Đây là những người đã gắn bó với công ty trong nhiều năm, phải cho các lao động nghỉ việc là điều rất đau lòng, nhưng trong tình thế hiện nay không thể khác. Dịp Tết vừa qua, công ty vẫn tổ chức gặp mặt, tặng quà tất cả NLĐ, khi hoạt động du lịch phục hồi trở lại, chúng tôi sẽ ưu tiên gọi lại số lao động này”, ông Hiến chia sẻ. Tương tự, ông Brice Borin – Tổng quản lý Movenpick Resort Cam Ranh cho biết, đến nay, khu nghỉ dưỡng đã phải giảm 30% lao động. Số còn lại, ngoài lực lượng làm công tác bảo vệ, an ninh làm đủ thời gian, còn lại đa phần thời gian làm việc chỉ khoảng 50% so với trước khi có dịch.


Với những khu nghỉ dưỡng có thêm dịch vụ vui chơi giải trí, sử dụng số lượng NLĐ lớn, lượng NLĐ nghỉ việc, chuyển việc còn nhiều hơn. Ông Phạm Minh Nhựt – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hòn Tằm Biển Nha Trang cho biết, trước dịch Covid-19, công ty có 600 NLĐ, nhưng đến nay đã nghỉ khoảng 70%, chỉ còn giữ 200 NLĐ. Đến nay, tuy chưa có số liệu chính thức về số lượng lao động du lịch bị mất việc làm vì dịch bệnh nhưng qua khảo sát từ các DN du lịch, ước tính số NLĐ thất nghiệp trong ngành khoảng 60% tổng số lao động. Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, sắp tới, số lượng lao động du lịch nghỉ việc có thể còn tăng thêm.

Nỗi lo về nhân lực du lịch sau dịch


Tình trạng NLĐ trong ngành bị mất việc, chuyển việc sang làm nghề khác khiến không ít người lo lắng về chất lượng nhân lực du lịch sau dịch Covid-19. Lao động du lịch cần được làm việc thường xuyên để nâng cao tay nghề, khi nghỉ việc một thời gian dài, sẽ ảnh hưởng đến kỹ năng mềm trong công việc. Hơn nữa, khi đã chuyển sang công việc mới, sẽ có nhiều người không quay về lại với lĩnh vực cũ, nhất là những NLĐ có chuyên môn cao.


Theo ông Trần Minh Đức – Chủ tịch Hội Lữ hành Khánh Hòa, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Long Phú, trong tình hình hiện nay, thay vì cho NLĐ nghỉ việc hẳn, các DN nên vận động NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động (DN không phải trả lương, không phải chi trả bảo hiểm cho NLĐ), khi du lịch phục hồi sẽ gọi NLĐ trở lại làm việc. Với cách thức này, NLĐ sẽ yên tâm hơn với công việc sắp tới, có động lực hơn trong việc tranh thủ thời gian nghỉ việc để rèn luyện, nâng cao tay nghề.


Trong khi đó, các chuyên gia du lịch cho rằng, về lâu dài, ngành Du lịch cũng cần có giải pháp duy trì và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng cách mở cuộc điều tra về tình trạng nhân sự du lịch; xây dựng và áp dụng các bộ tiêu chí chuẩn chuyên nghiệp để chuẩn hóa nguồn nhân lực. Ngành Du lịch cần cơ cấu lại nguồn nhân lực bảo đảm số lượng, chất lượng; tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ để chuẩn bị cho sự phục hồi du lịch, nhất là ở thị trường khách quốc tế.


Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh – Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, nhằm hỗ trợ cho DN và chuẩn bị nguồn nhân lực cho sự phục hồi du lịch sau dịch Covid-19, năm 2021, ngành Du lịch sẽ tập trung triển khai các chương trình đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực cho NLĐ về ngoại ngữ, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, chuẩn bị nhân lực cho các thị trường khách quốc tế khi Chính phủ cho phép mở cửa trở lại đối với các đường bay quốc tế. Bên cạnh đó, ngành sẽ thực hiện việc rà soát, xây dựng chuỗi cung ứng lao động từ khâu định hướng phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu của thị trường lao động đến khâu đào tạo của các trường trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ngành sẽ chú trọng việc liên kết hợp tác, kết nối giữa các DN du lịch và cơ sở đào tạo.


XUÂN THÀNH

 

Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/du-lich/202102/van-de-nhan-luc-khi-du-lich-phuc-hoi-8208853/