Những năm qua, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều kỹ thuật điều trị bệnh viêm tai giữa mạn tính cho người bệnh, trong đó có phương pháp vá nhĩ bằng kỹ thuật Underlay, giúp người bệnh có lại được thính giác.
Bác sĩ Trần Văn Khen – Trưởng khoa Tai mũi họng (TMH), BVĐK tỉnh cho biết, bệnh viêm tai giữa là bệnh thường gặp trong chuyên khoa TMH. Theo nghiên cứu sơ bộ của ngành TMH nước ta, ước tính có khoảng 5% dân số bị viêm tai giữa các loại, chiếm khoảng 6-10% so với các bệnh TMH. Đặc biệt, một số loại viêm tai giữa gây chảy mủ tai kéo dài, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, có thể gây các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Phẫu thuật vá nhĩ trong viêm tai giữa mạn tính không những giải quyết được ổ nhiễm trùng, tránh biến chứng mà còn có mục đích bảo tồn và phục hồi thính giác cho người bệnh.
TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Những năm qua, Khoa TMH của BVĐK tỉnh đã triển khai phương pháp vá nhĩ nội soi bằng kỹ thuật Underlay với mảnh ghép cân cơ thái dương dành cho những bệnh nhân bị viêm tai giữa mạn tính có thủng nhĩ và đạt hiệu quả cao. Chị Nguyễn Thu Thủy (45 tuổi, phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa) cho biết, cách đây hơn 1 năm, chị thi thoảng bị đau nhói và giật giật ở tai, đau lan lên tới đầu khiến tai bị tê cứng. Cứ nghĩ bệnh nhẹ nên chị không chú ý, đến khi thấy tai ù, sức nghe bị giảm sút, nghe không rõ… chị mới đi khám tại BVĐK tỉnh thì biết mình bị viêm tai giữa mạn tính. Sau khi được các bác sĩ vá nhĩ bằng phẫu thuật trên, đến giờ thính lực của chị đã gần phục hồi, các tình trạng trên không còn.
Mới đây, tại hội nghị khoa học ngoại sản phụ khoa của BVĐK tỉnh, kết quả nghiên cứu khả năng phục hồi sau phẫu thuật của các bệnh nhân được áp dụng điều trị phương pháp vá nhĩ bằng kỹ thuật Underlay cho thấy, tỷ lệ phẫu thuật thành công đạt hơn 97%, đa phần sức nghe của bệnh nhân sau mổ tăng lên rõ rệt. Hiện nay, kỹ thuật này trở thành kỹ thuật được thực hiện thường xuyên tại BVĐK tỉnh.
Theo bác sĩ Khen, viêm tai giữa mạn tính là bệnh lý nguy hiểm ở tai, nếu không điều trị sớm và đúng cách có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm, làm giảm thính lực, gây nhiễm trùng lan đến não. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm tai giữa mạn tính, thường gặp nhất là do các tác nhân vi rút, vi khuẩn hay nấm xâm nhập vào vết thương hở hoặc không vệ sinh tai tốt gây ra. Ngoài ra, có nguyên nhân chấn thương trong tai do dùng vật sắc nhọn hoặc côn trùng xâm nhập vào tai. Những người dễ bị viêm tai giữa là người bị viêm họng mãn tính, suy nhược cơ thể, mắc bệnh mạn tính, trẻ nhỏ bị suy dinh dưỡng. Bệnh sẽ tiến triển theo từng giai đoạn với triệu chứng khác nhau, nhưng càng về sau tổn thương càng nặng nề. Đến giai đoạn muộn của bệnh, tổn thương xuất hiện trên toàn bộ đường dẫn truyền dẫn đến sốt cao kéo dài, nhiễm trùng, thể trạng suy nhược…, người bệnh lúc này nghe rất kém ở bên tai bị viêm, trẻ mắc bệnh còn chậm phát triển ngôn ngữ do không thể nghe rõ. Những biến chứng nặng có thể gặp ở giai đoạn này như: gây chóng mặt, liệt mặt, áp xe não, viêm não hoặc màng não, áp xe ngoài màng cứng… Vì thế, khi thấy có các dấu hiệu bị viêm tai giữa, người bệnh nên sớm đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời.