Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Ứng xử – từ mạng xã hội đến đời thực

Tại phiên tòa xét xử bị cáo N.H (sinh năm 1986, trú TP. Nha Trang) về tội giết người, trong khi bị cáo khá trầm lặng, thành khẩn nhận tội thì mấy phụ nữ được triệu tập đến tòa ồn ào nói qua nói lại về mâu thuẫn của họ trên mạng xã hội – nguồn cơn dẫn đến vụ án.


Chị V. cho biết, lúc nửa đêm, quá bực bội chuyện em gái của bị cáo H. đăng bài nói xấu chị trên mạng xã hội nên chị đã cùng vài người đến nhà bị cáo H. để yêu cầu cô em gỡ bài. Nhưng thay vì hợp tác, em bị cáo H. lại cãi cọ với chị. Hai bên ném đá nhưng không ai thương tích. Nhóm chị bỏ về được một đoạn thì gặp H. Hai bên kình cãi. Đúng lúc đó, gia đình H. tới. Chị xô xát với em gái của H. Chị có xịt hơi cay để tự vệ nhưng không rõ có trúng ai không. Trong khi đó, H. lấy cây sắt đánh vào đầu thanh niên đã chở chị tới nhà H. lúc trước, gây thương tích 37%.


Nhưng em gái bị cáo H. lại bác bỏ phần lớn lời khai này và khẳng định, cô không vô cớ bới móc trên mạng xã hội khi anh trai cô và chị V. đã chia tay nhau. Cô bức xúc than vì chị V. đã đối xử với anh trai cô không thật lòng; anh cô bị lợi dụng… Nửa đêm đó, cả nhà cô đang ngủ thì chị V. kéo cả nhóm tới, la ó om xòm, khiến cha mẹ mất ngủ, lo lắng. Sau một hồi hò la, ném đá, nhóm chị V. bỏ về, cô mới gọi điện thoại cho anh  H. thông báo nhóm chị V. tới nhà và nói anh về. Thấy cô gọi cho anh trai, gia đình cô lo sợ hai bên gặp nhau có thể xảy ra đánh lộn nên cả nhà đuổi theo để kịp thời can ngăn (nếu cần). Gia đình cô tới đúng lúc H. và chị V. đang kình cãi. Bênh anh trai, cô cãi cọ, xô xát với chị V. thì bị xịt hơi cay trúng mặt. Đang lúc tối tăm mặt mũi, cô lại bị thanh niên chở chị V. dùng côn ba khúc đánh vào đầu, nhưng cô không yêu cầu xem xét trách nhiệm. Anh trai cô vì thấy em bị đánh mà nóng vội ra tay…


Những lời nói qua nói lại đó chỉ chấm dứt khi hội đồng xét xử phân tích: Trong vụ án này, ngoài bị cáo đã nhận tội, hối lỗi, những người khác cũng cần xem lại mình. Em gái H. tùy tiện đăng bài viết về người khác. Thanh niên chở chị V. cũng can ngăn không đúng cách. Thay vì khuyên chị V. chờ đến hôm sau, bình tĩnh tới nói chuyện, anh này lại sẵn sàng chở giùm đến tận nhà H. giữa đêm, khi người lớn đang nghỉ ngơi, rồi la ó um xùm. Chị V. cũng cần biết lỗi của mình. Tại sao chị không đề nghị cơ quan quản lý thông tin xem xét, xử phạt, buộc gỡ bỏ bài viết, hình ảnh xúc phạm mình (nếu có), mà lại rủ nhiều người tới nhà người khác la lối, kình cãi… Tận khi ra tòa, chị vẫn không nhận thức được phần sai của mình! Đã tham gia vào mạng xã hội là phải có nghĩa vụ biết quyền, trách nhiệm của mình mà ứng xử đúng quy định của pháp luật.


Đến lúc này, mọi người mới cúi đầu, im lặng. Lãnh án 8 năm tù về tội giết người, bị cáo H. lặng lẽ ra xe về trại, bỏ lại đằng sau ánh mắt buồn rầu của em gái và gia đình. Dẫu H. và chị V. từng có vướng mắc, không thể hòa hợp, nhưng khi H. đã chọn quên đi chuyện cũ, nếu em gái H. bình tĩnh, hành động đúng mực hơn trên mạng xã hội, có lẽ cô đã giúp anh mình để quá khứ ngủ yên, không phải tham gia vào cuộc cãi cọ, đánh lộn để rồi dẫn tới vào tù.


TAM THUẬT

 

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/phap-luat/chuyen-ghi-o-toa/202204/ung-xu-tu-mang-xa-hoi-den-doi-thuc-8249493/