Thời gian qua, đội tàu cá ở tỉnh Khánh Hòa đã chuyển dần sang đội tàu lớn, vươn ra khai thác xa bờ. Nhiều tàu cá đã ứng dụng khoa học kỹ thuật, lắp đặt thiết bị tiên tiến, qua đó nâng cao năng suất đánh bắt. Tuy nhiên, để hiện đại hóa tàu cá xa bờ, vẫn còn nhiều việc phải làm.
Nâng cao hiệu quả khai thác
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh hiện có 4.079 tàu khai thác và dịch vụ hậu cần đánh bắt có chiều dài từ 6m trở lên; trong số đó có 742 tàu khai thác xa bờ có chiều dài từ 15m trở lên. Những năm qua, đội tàu khai thác xa bờ ở tỉnh chủ yếu phát triển mạnh các nghề khai thác cá ngừ đại dương, cá ngừ sọc dưa. Ngoài ra, các nghề vây khơi, mành chụp cũng đạt sản lượng khá cao.
Ông Võ Khắc Én – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho hay, đến thời điểm này đội tàu cá của tỉnh đã tiếp cận, lắp một số loại máy móc thiết bị phục vụ cơ giới hóa trong quá trình sản xuất như: Trang bị máy thu lưới vây, máy thu – thả câu cá ngừ vây vàng mắt to hay hệ thống thu thả lưới của nghề mành chụp. Nhiều tàu cá đã lắp đặt các thiết bị điện tử hàng hải như: Máy đo sâu – dò cá, máy định vị, máy thông tin liên lạc. Các thiết bị hiện đại như máy dò ngang, ra-đa, máy đo dòng chảy, điện thoại vệ tinh… cũng đã được lắp đặt trên một số tàu cá xa bờ. Ngoài ra, các kỹ thuật tiến bộ như sử dụng ánh sáng màu, đèn ngầm, đèn LED đã được ngư dân áp dụng. Các công nghệ bảo quản, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm hao tổn sau thu hoạch trên tàu cá, sử dụng hầm bảo quản vật liệu Polyurethane (PU) đã phổ biến đại trà.
Một trong những ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trên tàu cá được ngư dân đánh giá cao là máy dò ngang trên tàu khai thác xa bờ. Theo đó, từ 7 tàu cá được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ lắp đặt, đến nay toàn tỉnh đã có hơn 1.200 tàu cá lắp đặt thiết bị máy dò ngang. Nhờ tầm dò xa, góc quét lớn đến 450 nên việc xác định ngư trường, luồng cá của ngư dân thuận lợi hơn nhiều. So với tàu không lắp đặt, những tàu lắp đặt máy dò ngang có hiệu quả chuyến biển cao hơn 50%. Sản lượng khai thác trong mỗi mẻ lưới tăng cao.
Trước đây, chuyện bảo quản sản phẩm sau thu hoạch luôn là nỗi lo thường trực của các tàu khai thác xa bờ. Với công nghệ bảo quản bằng hầm chứa đá lạnh, thời gian bảo quản tốt nhất không hơn 10 ngày. Chính vì vậy, thất thoát sau thu hoạch của các nghề khai thác luôn ở mức cao như nghề lưới kéo thất thoát đến 37,8%, nghề lưới rê hơn 18%. Trước những bất cập này, ngành Thủy sản tỉnh khuyến khích ngư dân đầu tư hầm bảo quản tiên tiến. Cụ thể, với hầm bảo quản vật liệu PU, thời gian bảo quản, tỷ lệ bảo quản cá đạt chất lượng trên các tàu xa bờ lên đến 95%, giải quyết được vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trên tàu cá, giảm tổn thất sau thu hoạch. Đến nay, các tàu cá đóng mới, nâng cấp trên địa bàn tỉnh đều trang bị hầm bảo quản bằng vật liệu PU.
Đẩy mạnh ứng dụng
Tuy đạt được một số kết quả khả quan nhưng việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trên tàu cá xa bờ của tỉnh vẫn còn một số hạn chế. Trước hết, mức độ cơ giới hóa trong quá trình khai thác chưa cao, vẫn còn nhiều tàu cá sử dụng công nghệ bảo quản, công nghệ khai thác lạc hậu, trang thiết bị hiện đại không nhiều… Trong thời gian tới, ngành Thủy sản sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền ngư dân ứng dụng khoa học kỹ thuật trên tàu cá, nhất là đối với đội tàu khai thác xa bờ. Trong đó, chú trọng công nghệ khai thác, công nghệ bảo quản, sử dụng các thiết bị hàng hải hiện đại để vừa nâng cao hiệu quả chuyến biển vừa đảm bảo an toàn cho ngư dân trong quá trình khai thác trên biển.
Tại diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp được tổ chức tại TP. Nha Trang mới đây, ông Kim Văn Tiêu – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho hay, trung tâm sẽ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các mô hình thí điểm về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trên tàu cá tại 3 tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định, trong đó có lắp đặt hầm bảo quản cá ngừ câu tay bằng bột khí Ni tơ hay nhân rộng mô hình ứng dụng đèn LED sản xuất trong nước cho các tàu khai thác xa bờ để hạ giá thành sản phẩm… Để đẩy nhanh việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, ông Kim Văn Tiêu cho rằng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tham mưu UBND tỉnh sớm có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho ngư dân ứng dụng các trang thiết bị hiện đại trên tàu cá. Về phía doanh nghiệp cung cấp thiết bị cần có sự chia sẻ, hạ giá thành sản phẩm để ngư dân mạnh dạn tìm hiểu, ứng dụng nhằm nâng cao hiệu quả chuyến biển…
HẢI LĂNG
Theo: Báo Khánh Hòa
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/kinh-te/202007/ung-dung-tien-bo-ky-thuat-cho-tau-ca-8172694/