Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Ứng dụng kỹ thuật siêu âm trong lòng mạch máu

Khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa vừa ứng dụng siêu âm trong lòng mạch máu (IVUS). Đây là một kỹ thuật tiên tiến, đánh giá trực tiếp, chính xác các mức độ tổn thương trong lòng mạch, từ đó cho phép chẩn đoán và can thiệp bệnh động mạch vành hiệu quả hơn.

Giữa tháng 6-2018, bệnh nhân N.V.T nhập viện trong tình trạng đau ngực trái dữ dội, khó thở, huyết áp tụt dần. Kết quả thăm khám cho thấy người bệnh có tình trạng nhồi máu cơ tim cấp. Qua IVUS, các bác sĩ phát hiện những đoạn mạch máu bên trái đã đặt stent cách đây 10 năm của bệnh nhân bị tái hẹp và xuất hiện những sang thương mới. Đội ngũ bác sĩ của Khoa Tim mạch can thiệp đã hội chẩn và quyết định can thiệp đặt stent cấp cứu các sang thương, thủ phạm gây ra nhồi máu cơ tim cho người bệnh. Sau nhiều giờ, ê-kíp can thiệp đã tái thông thành công toàn bộ các mạch máu bị tắc. Chỉ nửa ngày sau, bệnh nhân T. đã được rút ống thở hỗ trợ. Sau một tuần, sức khỏe người bệnh phục hồi, ổn định và trở lại cuộc sống thường nhật.

Các bác sĩ Khoa Tim mạch can thiệp đang thực hiện ca siêu âm lòng mạch máu.

Ngoài ông T., từ đầu năm đến nay, có hơn 30 trường hợp được chỉ định sử dụng IVUS, qua đó, giúp đội ngũ y, bác sĩ của Khoa Tim mạch can thiệp phát hiện, chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị kịp thời những tổn thương phức tạp trong mạch máu ở các bệnh nhân trên.

Năm 2009, BVĐK tỉnh là BV tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước được trang bị máy chụp mạch máu xóa nền để triển khai tim mạch can thiệp và thành lập Đơn vị Tim mạch can thiệp. Ngay khi thành lập, các y, bác sĩ của đơn vị (nay là Khoa Tim mạch can thiệp) xác định phương hướng phát triển là phải nâng cao chất lượng điều trị, làm chủ các kỹ thuật mới, nghiên cứu khoa học. Sau khoảng 9 năm, các bác sĩ của khoa đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật phức tạp như: can thiệp sang thương thân chung, sang thương chia đôi, hay sang thương tắc mãn tính… Đồng thời, có nhiều nghiên cứu khoa học có giá trị như: đề tài can thiệp bằng bóng phủ thuốc, can thiệp stent tự tiêu.

Theo PGS.TS Huỳnh Văn Thưởng – Phó Giám đốc BVĐK tỉnh, hiện nay chụp mạch vành vẫn là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán bệnh mạch vành, tuy nhiên, chụp mạch vành chỉ đánh giá tổn thương mạch máu gián tiếp, có thể bỏ sót tổn thương. IVUS được thực hiện thông qua việc đưa đầu dò siêu âm với kích dưới 1mm vào trong lòng mạch vành, qua đó ghi nhận được hình ảnh trực tiếp của mạch máu. Nhờ đó, IVUS có thể đánh giá chính xác mức độ hẹp, kích thước mảng xơ vữa, đường kính mạch máu cũng như chiều dài của đoạn hẹp; đánh giá chính xác sang thương mà phương pháp chụp mạch khó chẩn đoán như: sang thương thân chung, sang thương chia đôi. Qua đó, giúp bác sĩ làm thủ thuật lựa chọn được phương pháp điều trị nội khoa hoặc can thiệp đặt stent một cách chính xác. Mặt khác, IVUS giúp cho bác sĩ thủ thuật tối ưu được kết quả can thiệp mạch vành.

Để thực hiện mục tiêu làm chủ được ứng dụng IVUS, các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên trong Khoa Tim mạch can thiệp đã được đi tập huấn tại BV Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) và Nhật Bản, Hàn Quốc. Sau quá trình chuẩn bị về mặt kiến thức, kỹ năng, phương tiện; cùng với sự giúp đỡ trực tiếp từ BV Chợ Rẫy, đoàn bác sĩ Hải quân Hoa Kỳ, năm 2018, các y, bác sĩ Khoa Tim mạch can thiệp đã hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật siêu âm trong lòng mạch.

Theo PGS.TS Huỳnh Văn Thưởng, rào cản lớn nhất của việc đưa kỹ thuật tiến bộ này đến với bệnh nhân là về kinh tế vì mỗi ca siêu âm là 30 triệu đồng. Vì vậy, Ban Giám đốc BV đang đề xuất bảo hiểm y tế chi trả phần kinh phí cho kỹ thuật này giống như một số BV ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện. Hy vọng sau khi được bảo hiểm y tế thanh toán, sẽ có nhiều bệnh nhân được tiếp cận kỹ thuật này.

T.Ly

Theo: Báo Khánh Hòa