Để nâng cao hiệu quả hoạt động, các hợp tác xã (HTX) trên toàn tỉnh Khánh Hòa đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, máy móc, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Đây là hướng đi tất yếu trước những đòi hỏi ngày càng cao của thị trường.
Những điểm sáng
Tại HTX thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Vĩnh Phước (thị xã Ninh Hòa), bên những đôi tay khéo léo đan lát thoăn thoắt, những sản phẩm đặc trưng với tay nghề thủ công rất cao, còn có hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại, chủ yếu phục vụ cho việc tạo ra nguyên liệu sản xuất. HTX có doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm này đã áp dụng toàn bộ máy móc vào khâu xử lý nguyên liệu. “Con người tạo ra thành phẩm, còn việc xử lý nguyên liệu sao cho đều đặn, bền đẹp thì phải áp dụng máy móc”, bà Nguyễn Thị Phương – Trưởng phòng Nhân sự của HTX nói. Cũng theo bà Phương, các mặt hàng của HTX xuất khẩu là chủ yếu nên các khâu giới thiệu, quảng bá, trao đổi, ký kết hợp đồng… đều được thực hiện trên môi trường online. Điều này giúp cho sản phẩm có sức lan tỏa lớn hơn, việc ký kết, hợp tác làm ăn cũng dễ dàng hơn.
Theo ông Đinh Văn Dũng – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, những năm qua, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với Sở Công Thương thực hiện chương trình chính sách khuyến công hỗ trợ các HTX phi nông nghiệp với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng. Trong đó, HTX thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Vĩnh Phước được Nhà nước hỗ trợ hơn 100 triệu đồng để thực hiện đề án “Ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ mây tre đan phục vụ xuất khẩu và du lịch”. Tổng vốn thực hiện đề án này, HTX đã đầu tư gần 3,5 tỷ đồng cho hệ thống máy móc thiết bị phục vụ sản xuất. Giữa tháng 1-2021, trong chương trình “Xây dựng mô hình HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị”, HTX nông nghiệp 1 Ninh Quang đã tiếp nhận bàn giao gói hỗ trợ trị giá 320 triệu đồng từ Liên minh HTX Việt Nam để đầu tư máy hút chân không, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm… Trước đó, HTX cây ăn quả Sơn Bình (huyện Khánh Sơn) và HTX nấm Vĩnh Ngọc (TP. Nha Trang) đều đã nhận được sự hỗ trợ từ chương trình này với mỗi dự án hàng trăm triệu đồng để đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất.
Đẩy mạnh ứng dụng máy móc, khoa học
Theo ông Đinh Văn Dũng, các HTX thủ công mỹ nghệ, tiểu thủ công nghiệp đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, máy móc vào hầu hết các khâu sản xuất, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất. Riêng 96 HTX nông nghiệp, hiện đã có 30 đơn vị sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, ký kết hoạt động tiêu thụ sản phẩm dài hạn với doanh nghiệp. Lợi ích mang lại cho thành viên các HTX này là chi phí đầu vào thấp hơn 7 – 10%, chất lượng sản phẩm cao, giá bán tăng, thu nhập của thành viên tăng 20 – 30%.
Dẫu vậy, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm ở các HTX vẫn chiếm tỷ lệ khá thấp. Trong tổng số 132 HTX trên toàn tỉnh, số HTX có máy tính kết nối Internet chỉ chiếm khoảng 78%; chưa đến 10% số HTX có trang web để quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại; số HTX sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo để quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại cũng chỉ mới 17%.
Hiện nay, Khánh Hòa có 132 HTX, 1 liên hiệp HTX và 300 tổ hợp tác. Khối kinh tế hợp tác thu hút hơn 51.000 thành viên. Tổng vốn điều lệ đến cuối năm 2020 của các HTX là 210 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2017. Tổng nguồn vốn hoạt động của HTX khoảng 630 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2017. Có 70 HTX hoạt động hiệu quả, chiếm 53% tổng số HTX. Doanh thu mỗi năm bình quân 1,89 tỷ đồng/HTX, lợi nhuận sau thuế bình quân 240 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân người lao động 3,4 triệu đồng/tháng. |
Một trong những mũi chiến lược phát triển kinh tế hợp tác trong giai đoạn 2021 – 2025 được tỉnh xác định, đó là tập trung ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả của kinh tế hợp tác. Theo Liên minh HTX tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025, việc hỗ trợ “Xây dựng mô hình HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị” tiếp tục được đẩy mạnh. Ngoài ra, việc sáp nhập, hợp nhất và xây dựng mô hình HTX đa chức năng, sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, thu hút nhiều thành viên cũng được đẩy mạnh. Các hoạt động liên doanh, liên kết giữa HTX với các tổ chức kinh tế khác để mở rộng phạm vi hoạt động, quy mô sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường và đảm bảo sự phát triển bền vững được tăng cường.
“Riêng đối với khối HTX nông nghiệp, việc hình thành các HTX quy mô lớn là cần thiết. Các HTX này cung cấp các dịch vụ vật tư đầu vào (cây giống, vật nuôi, thuốc bảo vệ…), tín dụng – ngân hàng, bảo hiểm, kho tàng, vận tải và các dịch vụ đầu ra cho nông sản theo hình thức trọn gói, quy mô lớn nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất”, ông Đinh Văn Dũng nhấn mạnh.
Hồng Đăng
Theo: Báo Khánh Hòa
Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202101/ung-dung-khoa-hoc-ky-thuat-trong-kinh-te-hop-tac-8205642/