Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, với tinh thần “xưa thắng giặc, nay thắng đói nghèo”, cựu chiến binh (CCB) Võ Tánh (thôn Mỹ Thanh, xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh) luôn nỗ lực trong lao động sản xuất để vươn lên làm giàu. Ông được biết đến như một tỷ phú “chân đất” với nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả.
Vươn lên từ nghèo khó
Một buổi sáng cuối tuần, chúng tôi theo chân ông Nguyễn Tấn Đức – Chủ tịch Hội CCB xã Cam Thịnh Đông đến tham quan mô hình trang trại của CCB Võ Tánh. Lúc này, ông Tánh đang say mê giới thiệu trái me ngọt chuẩn bị đến độ thu hoạch cho thương lái. Đợi đến lúc thỏa thuận xong giá cả và thời điểm thu hoạch, khách hàng rời đi, ông Tánh mới có thời gian tiếp chuyện chúng tôi. “Các chú nhìn những chùm me tua tủa như vậy có thích mắt không? Ban đầu, tôi trồng thử nghiệm 5 cây, sau đó nhân giống lên 30 cây. Nhìn vậy thôi, chứ từ năm thứ 5 trở đi, mỗi cây cho thu nhập 5-6 triệu đồng/mùa đấy!”, CCB Võ Tánh bắt đầu trải lòng với chúng tôi về chuyện làm kinh tế của mình.
Qua trò chuyện với người cựu binh về câu chuyện mưu sinh, lao động sản xuất trong mấy chục năm qua, chúng tôi không khỏi thán phục tinh thần “chiến đấu” với cái nghèo của ông để có được thành quả thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng/năm như ngày hôm nay. Sau 4 năm tham gia phục vụ trong quân đội, năm 1987, ông xuất ngũ trở về địa phương, rồi lập gia đình và bắt đầu cuộc sống mưu sinh với nhiều khó khăn, vất vả. Ban đầu, bằng số vốn ít ỏi từ gia đình hai bên hỗ trợ, cộng với tiền phụ cấp chế độ khi ra quân, vợ chồng ông khởi nghiệp bằng nghề mua hoa quả dạo về bán tại chợ thôn. Được một thời gian, vợ chồng ông chuyển sang thu mua các loại lá, hạt, thân, rễ một số loại cây có tính năng sản xuất ra thuốc nam, thuốc bắc để bán lại cho người khác. Từ chiếc xe đạp cũ kỹ không đáp ứng được việc đi nhanh, về sớm, chở nhiều, ông đã thay bằng chiếc xe máy để thuận tiện cho việc ngược xuôi mưu sinh. Cứ như thế, gần chục năm sau, bằng số vốn tích cóp, vợ chồng ông mua được 5ha đất để chuyển sang làm kinh tế vườn. Nhờ tính toán phù hợp, cộng với cần cù chịu khó, mô hình vười cây ăn trái (chủ lực là cây dừa) kết hợp chăn nuôi gà, heo, bò của vợ chồng ông ngày càng phát triển, cho thu nhập ổn định, giúp gia đình ông thoát nghèo và có của ăn của để. Khi có điều kiện, vợ chồng ông Tánh lại mua thêm đất ở khu vực lân cận để mở rộng quy mô trang trại. Đến nay, gia đình ông đã có 28ha đất vườn đồi chuyên trồng điều, xoài; 4ha đất đồi trồng bạch đàn và 4ha chuyên canh các giống dừa mới, chanh leo kết hợp chăn nuôi.
Nhạy bén trong lao động sản xuất
2 năm trước, sau khi nhận thấy mô hình chăn nuôi bò thịt phát triển rầm rộ, giá cả thấp và không ổn định, CCB Võ Tánh đã quyết định bán hết đàn bò hơn 100 con để chuyển đổi sang mô hình sản xuất điện năng lượng mặt trời, kết hợp chăn nuôi gà dưới hệ thống pin. Ông đã mạnh dạn đầu tư hơn 2 tỷ đồng để xây dựng mô hình “công – nông kết hợp”, được đánh giá là CCB thành công nhất với mô hình này trên địa bàn tỉnh. “Chỉ chiếm diện tích 1.000m2, nhưng mô hình điện năng lượng mặt trời bình quân mỗi tháng cho thu nhập 30 triệu đồng; mỗi lứa gà công nghiệp cho thu nhập trên dưới 200 triệu đồng, tính ra hiệu quả kinh tế rất cao”, ông Tánh chia sẻ.
Trong chăn nuôi gà công nghiệp, để đạt chất lượng thịt và giá cả cao hơn, ông đã nghĩ ra phương pháp nuôi riêng bằng cách cắt cám tổng hợp và cho gà ăn bột ngô, cám gạo trộn với cơm dừa xay (tận dụng số dừa thải loại trong vườn) trong khoảng 1 tháng trước khi xuất bán. Ngoài mô hình này, ông Tánh cũng đang thử nghiệm mô hình nuôi bò 3B lai giống bò cỏ bản địa, với mong muốn có được giống bò lai có trọng lượng lớn, chất lượng thịt cao và có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu tại địa phương. Hiện tại, ông rất phấn khởi khi đã lai tạo được 4 con bê 3 tháng tuổi, có ngoại hình đẹp và phát triển tốt.
Bên cạnh đó, trong 2 năm trở lại đây, vợ chồng ông Tánh còn phát triển thêm mô hình hỗ trợ vật tư với giá ưu đãi cho hàng chục hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương và xã Công Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận trồng lúa nước và bao tiêu sản phẩm với giá thị trường. Gia đình ông cũng đầu tư nhà kho, máy xay xát lúa ngay tại trang trại để phục vụ việc tiêu thụ lúa cho người dân, vừa cung cấp gạo ra thị trường, đồng thời có thêm nguồn cám gạo để phục vụ chăn nuôi. Với các mô hình hiện tại, trong 5 năm qua, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông Tánh thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng.
Tiên phong, tích cực trong công tác hội
Song song với đầu tư phát triển kinh tế, CCB Võ Tánh còn quan tâm tới đời sống của nhiều hội viên CCB, cựu quân nhân địa phương bằng những việc làm thiết thực, như: Giúp cây, con giống; cho vay vốn không tính lãi; hướng dẫn trồng các loại cây có giá trị kinh tế… Điển hình nhất là ông đã giúp đỡ cựu quân nhân Trần Thanh Nghị ở cùng thôn trong phát triển kinh tế gia đình, ổn định đời sống. Thấy gia đình ông Nghị có hoàn cảnh khó khăn, năm 2014, ông Tánh đã cho vợ chồng ông Nghị mượn đất, hỗ trợ con giống để nuôi dê. Nhờ mô hình này, sau 6 năm, vợ chồng ông Nghị đã có được số vốn để quay về nơi ở cũ, cất nhà, làm chuồng dê phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Ngoài ra, ông còn thường xuyên giúp đỡ người dân trong và ngoài thôn khi gặp khó khăn đột xuất. Trong 2 năm qua, ông giúp đỡ 5 hộ khó khăn gần trang trại của mình về điện sinh hoạt từ hệ thống điện năng lượng mặt trời của gia đình. Trong 2 năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, với tinh thần “tương thân tương ái”, CCB Võ Tánh đã kịp thời hỗ trợ cho các hội viên và người dân có hoàn cảnh khó khăn hàng trăm triệu đồng.
Ông LÊ VĂN HÒA – Chủ tịch Hội CCB TP. Cam Ranh đánh giá: CCB Võ Tánh là hội viên rất năng động, sáng tạo, cần cù chịu khó trong phát triển kinh tế, luôn tìm tòi những mô hình kinh tế phù hợp và hiệu quả cao. Bên cạnh đó, ông luôn gương mẫu, tích cực trong việc thực hiện các phong trào thi đua của hội, nhất là phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi; tham gia tích cực các hoạt động xã hội, giúp đỡ hội viên nghèo, những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.
|
THẾ ANH
Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202303/ty-phu-chan-dat-8277448/