Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Tuyển sinh vào lớp 10: Nên có một phương thức phù hợp

Kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2018 – 2019 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã kết thúc, với việc tuyển thêm 483 học sinh (HS) trên địa bàn TP. Nha Trang. Sau nhiều bất cập từ các mùa tuyển sinh gần đây, dư luận đang mong chờ một phương thức tuyển sinh được thay đổi phù hợp cho các năm học tới.

Để không còn cảnh “học giỏi vẫn rớt”

Có thể thấy, sau 6 năm thực hiện, phương thức xét tuyển vào lớp 10 ngày càng bộc lộ nhiều nhược điểm. Mỗi kỳ xét tuyển, kể từ khi đăng ký, thay đổi nguyện vọng cho đến lúc chờ điểm chuẩn các trường là mỗi lần HS, phụ huynh vô cùng căng thẳng, hồi hộp. Chưa kể điểm số trong suốt 4 năm học THCS vốn đã là gánh nặng, nỗi lo của nhiều gia đình. Kỳ tuyển sinh năm học 2018 – 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có một số thay đổi trong cách tính điểm xét tuyển, nhưng rốt cuộc vẫn diễn ra tình trạng HS giỏi phải cay đắng trượt trường công. Nhiều năm liền, sở phải xin tỉnh tuyển bổ sung HS sau khi thời gian tuyển sinh đã kết thúc.

Theo Quy chế tuyển sinh THCS và THPT của Bộ GD-ĐT, công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT được thực hiện theo 1 trong 3 phương thức: xét tuyển, thi tuyển, kết hợp thi tuyển với xét tuyển. Những năm qua, tỉnh đã thực hiện cả 3 phương thức này. Có thể nói, phương thức nào cũng có ưu điểm, khuyết điểm, dù áp dụng hình thức tuyển sinh nào thì hàng năm vẫn phải chấp nhận một tỷ lệ nhất định HS tốt nghiệp THCS không được học lớp 10 công lập. Nhưng rõ ràng, cách xét tuyển những năm qua đã có quá nhiều vấn đề bất hợp lý. Việc HS phải theo dõi số lượng đăng ký dự tuyển, suy nghĩ có nên thay đổi nguyện vọng hay không và chuyển nguyện vọng về trường nào là điều vô cùng khó và  mang yếu tố “hên xui”. Khoan chưa bàn đến cách tính điểm ở các trường đồng đều hay khập khiễng, chỉ thấy thật vô lý khi HS 4 năm đạt kết quả giỏi lại không vào được trường THPT công lập, chỉ vì thiếu may mắn trong khâu chọn trường. Việc tăng thêm sĩ số hay lớp học trong vài năm gần đây để giải quyết một số điểm nóng tuyển sinh, âu cũng chỉ là giải pháp tình thế. Do đó, đã đến lúc phải thay đổi phương thức tuyển sinh, sao cho HS chủ động trong việc chọn trường phù hợp với khả năng, nguyện vọng, không phải lo canh cánh “học giỏi vẫn rớt”.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Lý Tự Trọng (TP. Nha Trang) trong lễ khai giảng năm học 2017 – 2018.

Quản lý tốt chất lượng dạy và học ở các trường

Trong kỳ tuyển sinh năm học 2018 – 2019, Sở GD-ĐT tính điểm rất chi tiết, đến 1 phần trăm điểm (hơn kém nhau 0,01 điểm là có em đậu, em rớt). Nhưng khi các trường chấm điểm, liệu có chuẩn xác và công bằng hay không? Tuy ngành GD-ĐT đã có những giải pháp trong việc quản lý điểm số của HS như: sở ra kiểm tra chung học kỳ một số môn cho khối lớp 9 toàn tỉnh; phòng GD-ĐT mỗi huyện, thị xã, thành phố ra đề kiểm tra chung các khối 6, 7, 8 tại địa phương đó; từng trường ra đề kiểm tra chung 1 tiết ở tất cả các môn. Cách ra đề, cách chấm cũng được tập huấn, thẩm định qua các khâu. Thế nhưng, liệu ngành có thể quản lý xuể số lượng bài kiểm tra, kết quả của từng HS ở tất cả các trường? Ngoài ra, chưa có quy định nào để các trường, các phòng GD-ĐT có thể kiểm tra chéo nhau.

Nhiều ý kiến đề xuất cần có hình thức thi tuyển vào lớp 10 để tạo cơ hội công bằng hơn cho các HS, cũng như để đánh giá lại chất lượng dạy và học ở các trường qua nhiều năm xét tuyển. Tất nhiên, dù xét hay thi cũng cần có giải pháp hiệu quả để ngăn chặn tiêu cực, như đã xảy ra ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại một số tỉnh, thành. Xét cho cùng, dù áp dụng phương thức tuyển sinh nào thì mấu chốt vấn đề cũng là đánh giá đúng chất lượng dạy và học ở từng trường, có các giải pháp hiệu quả hơn nữa ngăn chặn bệnh thành tích, tạo động lực thúc đẩy dạy thật, học thật.

Bài toán phân luồng

Sở GD-ĐT cho biết, đang nghiên cứu thay đổi phương thức tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 – 2020 phù hợp, có thể kết hợp giữa xét tuyển và thi tuyển ở một số địa bàn “nóng”. Phương thức sẽ được sở trình UBND tỉnh sớm, để thông báo rộng rãi cho HS và phụ huynh biết trước khi khai giảng năm học 2018 – 2019.

Mới đây, theo Quyết định số 522 ngày 14-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025” thì mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu ít nhất 30% HS tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, đến năm 2025 con số này là 40%. Nghĩa là vào năm 2020, tối đa chỉ có 70% và năm 2025 chỉ có 60% HS tốt nghiệp THCS được tiếp tục học THPT, bao gồm cả hệ công lập và ngoài công lập. Trong bối cảnh trở ngại từ tâm lý xã hội đối với việc học nghề, trường nghề chưa thực sự thu hút HS, còn trường công lập lại không đủ chỗ cho nhu cầu học thì mục tiêu trên là một thách thức lớn.

Để mỗi mùa tuyển sinh nhẹ nhàng, giảm bớt áp lực, đòi hỏi ngành GD-ĐT và các ngành liên quan phải đổi mới về nhiều mặt: quản lý tốt chất lượng dạy và học ở các trường THCS; giải quyết bài toán mạng lưới trường lớp, đảm bảo sự cân đối về tỷ lệ tuyển sinh lớp 10 giữa các huyện, thị xã, thành phố; đưa ra quy chế tuyển sinh với những thước đo chặt chẽ, khoa học; làm tốt công tác hướng nghiệp cho HS sau THCS; nâng cao chất lượng hệ giáo dục thường xuyên, trường nghề…

H.NGÂN

 

Theo: Báo Khánh Hòa