Site icon Tin Tức Khánh Hòa

‘Từng có thảm họa khi máy bay cất, hạ cánh nhầm đường băng’

Liên quan đến vụ việc máy bay Vietnam Airlines hạ cánh nhầm đường băng chưa khai thác ở sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa), Bộ GTVT vừa có báo cáo chi tiết gửi Thủ tướng. 

Theo đó, về kết quả điều tra sơ bộ cho thấy việc máy bay hạ cánh nhầm đường băng lỗi thuộc về tổ bay. Đây là sự cố được xác định là nghiêm trọng mức B, tức chỉ đứng sau sự cố tai nạn (mức A).

Nhìn nhận dưới góc độ một cựu phi công, đại tá – phi công Nguyễn Thành Trung, nguyên Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, khẳng định không chỉ tổ bay mà nhiều cơ quan phải chịu trách nhiệm trong sự cố này.

Đừng đổ hết lỗi cho tổ bay

– Là người nhiều năm công tác trong ngành hàng không, ông đánh giá như thế nào về mức độ nguy hiểm của sự cố máy bay hạ cánh nhầm đường băng?

– Rõ ràng máy bay hạ nhầm đường băng là sự cố rất nguy hiểm. Cục Hàng không Việt Nam đưa ra kết luận ban đầu đây là sự cố được xác định là nghiêm trọng mức B, tức chỉ đứng sau sự cố tai nạn (mức A).

Để căn cứ vào mức độ nguy hiểm trong sự cố này, người ta xem xét hiện trạng đường băng. Đường băng đã được đổ bê tông, trải thảm, có vật dụng như máy móc, thiết bị thi công không…

Phi công Nguyễn Thành Trung. Ảnh: Báo Nhân Dân.

Tôi còn nhớ ở Đài Loan hơn 20 năm trước xảy ra sự việc máy bay cất cánh nhầm đường băng khiến hơn 200 người chết. Việc hạ cánh nhầm đường băng còn có độ nguy hiểm và rủi ro cao hơn cất cánh rất nhiều.

– Vậy trong sự cố này, trách nhiệm thuộc về đơn vị nào?

– Nhà chức trách hàng không đã có kết luận ban đầu về máy bay VNA hạ nhầm đường băng rồi. VNA cũng thấy lỗi của mình và đình chỉ tổ bay.

Là người trong ngành, tôi thấy sự cố này lỗi có phần lớn do tổ bay. Điều khiển một chuyến bay, tổ bay phải nắm được hiện trạng của các sân bay nơi cất, hạ cánh. Nhưng có một vấn đề là phi công lái chuyến bay đó là người Mỹ, vừa làm việc tại Việt Nam từ 1/2018. Có thể không nắm được hiện trạng sân bay Cam Ranh nên để xảy ra lỗi.

Thứ hai, lỗi thuộc về hãng hàng không. VNA phải có trách nhiệm thông báo cho tổ bay nắm được toàn bộ hiện trạng sân bay, trong đó có sân bay Cam Ranh. Tôi cho rằng cơ quan chức năng cần làm rõ VNA có thuyết minh kỹ cho tổ bay, phi công của hãng bay về sân bay Cam Ranh hay không.

Thứ ba, lỗi thuộc về sân bay Cam Ranh. Nếu đường băng chưa đủ điều kiện khai thác, họ phải cảnh báo cho tổ bay. Có thể là đèn đỏ, đường gạch chéo phản quang trên đường băng… Nhưng việc này nhà chức trách của sân bay Cam Ranh xem thường. Có lẽ họ nghĩ phi công đều biết Cam Ranh chỉ khai thác một đường băng.

Hành khách trên chuyến bay sau khi xuống mặt đất. Ảnh: Đỗ Hoa.

Trên đường bộ, người ra sửa đường còn phải làm rào chắn, biển cảnh báo. Đằng này họ xây dựng đường băng trong sân bay lớn mà không có cảnh báo là không được.

Thứ 4 là cơ quan không lưu, đài chỉ huy. Đây là cơ quan chỉ huy cho máy bay hạ cánh, phải theo dõi máy bay xuống đúng đường băng hay không. Nếu hạ lệch đường băng phải cảnh báo, ngăn chặn và hướng dẫn máy bay lên hạ cánh lần 2. Không phải cứ hướng dẫn rồi phi công muốn hạ cánh sao thì hạ.

Trong sự việc này, nhiều cơ quan phải chịu trách nhiệm. Đừng đổ hết lỗi cho tổ bay

Ông Nguyễn Thành Trung

Nói chung, trong việc này đừng đổ hết lỗi cho tổ bay được.

Sân bay Cam Ranh trước đây có hai đường cất hạ cánh. Nhưng sau này, chúng ta chỉ khai thác một đường băng. Mới đây chúng ta xây thêm 1 đường băng để nâng công suất.

Nếu chỉ sử dụng một đường băng thì chỉ ký hiệu số đường băng là 02 hoặc 20. Nếu sử dụng hai đường băng thì phải dùng số kết hợp với tên như 20 phải, 20 trái, 02 phải, 02 trái giống như Tân Sơn Nhất.

Từng có ‘thảm họa’ vì cất, hạ cánh nhầm đường băng

– Nếu máy bay đang hạ cánh vướng phải chướng ngại như ôtô, máy móc, thiết bị thi công trên đường băng thì nguy cơ gì có thể xảy ra?

­- Lúc đó nguy hiểm sẽ ở mức cực kỳ nghiêm trọng. Tôi nói lại vụ máy bay cất cánh nhầm đường băng ở Đài Loan. Một chiếc Boeing 747 cất cánh nhầm đường băng vào ban đêm. Khi chạy ở vận tốc cao, phi công không thể dừng lại. Máy bay kéo tất cả ôtô đang làm nhiệm vụ trên đường băng đi. Và sau đó máy bay cháy.

Sự kiện đó được coi như một bài học quá lớn, quá đắt đối với ngành hàng không thế giới và cả Việt Nam.

Sân bay Cam Ranh, nơi xảy ra sự cố máy bay hạ nhầm đường băng. Ảnh: An Bình.

Cách đây 5 năm, tại sân bay Tân Sơn Nhất xảy ra trường hợp máy bay hạ cánh nhầm đường băng. Đây là sự cố hy hữu và nguy hiểm. Nhưng may mắn là đường băng này đang được sử dụng. Tuy nhiên, việc đó không thiệt hại gì nên không được để ý.

Sự cố hạ cánh nhầm đường băng sẽ là bài học lớn cho các hãng hàng không Việt Nam

Ông Nguyễn Thành Trung

Trong sự cố nêu trên, may mắn là không có thiệt hại gì về người. Các hành khách và tổ bay đều an toàn. Bởi trên đường băng đang thi công không có thiết bị thi công, xe cộ, máy móc… Sự cố hạ cánh nhầm đường băng sẽ là bài học lớn cho các hãng hàng không Việt Nam.

­

– Trong trường hợp phi công đang hạ cánh phát hiện nhầm sân bay, họ có thể xử lý theo hướng nào?

– Nếu đang hạ cánh, phi công nhận thấy nhầm đường băng hoặc phát hiện chướng ngại vật hoàn toàn có thể đẩy ga bay lên hạ cánh lại. Việc hạ cánh lần 2 là chuyện bình thường trong ngành hàng không.

Nhưng trong sự việc trên, tổ bay đến khi chạm đất rồi vẫn không biết là hạ cánh nhầm đường băng.

Vị trí máy bay VNA hạ cánh nhầm đường băng tại sân bay Cam Ranh (vùng khoanh tròn). Ảnh: Google Maps.

Theo: Zing News