Từ ngày 20-11, một đợt tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi sẽ được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ được Nhà nước hỗ trợ hóa chất khử trùng, riêng khu vực chăn nuôi tập trung sẽ được tiêu độc khử trùng dưới dự giám sát của cơ quan chức năng.

Sự cần thiết

Theo kế hoạch, mỗi năm, Khánh Hòa tổ chức 2 đợt tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi, mỗi đợt kéo dài 1 tháng. “Năm nay, tình hình dịch tả heo châu Phi (ASF) đang diễn biến phức tạp. Việc tổ chức tổng vệ sinh, phun khử trùng tiêu độc chuồng trại và môi trường chăn nuôi càng trở nên cần thiết và phải được thực hiện một cách quyết liệt hơn. Đây là đợt tiêu độc, khử trùng tập trung, triển khai đồng loạt, cùng thời điểm trên toàn tỉnh. Lực lượng chức năng sẽ tổ chức phun hóa chất, không cấp phát hóa chất cho người dân tự phun”, ông Lê Thắng – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh nhấn mạnh.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Người chăn nuôi ở Diên Khánh rắc vôi bột khử trùng môi trường chăn nuôi.

Người chăn nuôi ở Diên Khánh rắc vôi bột khử trùng môi trường chăn nuôi.

Theo thống kê, tính đến ngày 3-11, ASF đã xảy ra ở 614 hộ, 125 thôn, 48 xã của 5 địa phương gồm: Diên Khánh, Cam Lâm, Khánh Vĩnh, Nha Trang và Cam Ranh. 12.358 con heo với tổng trọng lượng trên 711 tấn đã phải tiêu hủy. Cơ quan chuyên môn cảnh báo, những tháng cuối năm, ASF có nguy cơ tiếp tục phát sinh ổ dịch mới, bùng phát trên diện rộng và diễn biến phức tạp. Đây cũng là thời gian thời tiết mưa nhiều, sức đề kháng của vật nuôi giảm, nhưng lại là môi trường thuận lợi cho vi rút gây bệnh sinh sôi và phát tán ra môi trường. Chưa kể hoạt động vận chuyển, mua bán, giết mổ gia súc gia cầm vào đợt cuối năm cũng sôi động hơn so với bình thường, nguy cơ lây truyền dịch bệnh vì thế cũng cao hơn. Chính vì vậy, theo cơ quan chuyên môn, việc thực hiện đợt tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng để chủ động ngăn ngừa, tiêu diệt mầm bệnh truyền nhiễm trong môi trường là việc làm hết sức cần thiết. Hoạt động này nhằm hạn chế và ngăn chặn sự bùng phát và lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường cũng như giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho ngành chăn nuôi.

Tập trung vào nông hộ

Theo quy định, các cơ sở chăn nuôi tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm phải mua hóa chất để sát trùng khu vực của mình. Các nông hộ chăn nuôi, khu vực chợ buôn bán gia súc, gia cầm sử dụng hóa chất từ ngân sách tỉnh cấp. Trong đợt tiêu độc khử trùng kéo dài từ ngày 20-11 đến 20-12 năm nay, số hóa chất sát trùng phân bổ cho các địa phương từ ngân sách tỉnh là 6.350 lít. Trong đó, Ninh Hòa được phân bổ 1.350 lít, do nơi đây quy mô chăn nuôi nông hộ nhiều. Các địa phương còn lại, mỗi địa phương được phân bổ từ 400 đến 950 lít.

Được biết, ở khu vực chăn nuôi trang trại, hoạt động tiêu độc, khử trùng vốn được thực hiện thường xuyên, nhưng nay quyết liệt hơn, nhất là từ khi xuất hiện ASF. Lãnh đạo Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP – Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, việc khử trùng được tiến hành hàng ngày ở khâu vận chuyển heo. Còn tại trại nuôi gia công cho CP, các chủ trang trại cũng đang thực hiện rắc vôi bột, phun thuốc khử trùng và áp dụng các biện pháp an toàn sinh học hàng tuần. Đặc biệt, người, phương tiện ra vào trại chăn nuôi được áp dụng quy trình rất nghiêm ngặt.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 90.000 con trâu, bò, khoảng 300.000 con heo và 2,5 triệu con gia cầm. Riêng đối với chăn nuôi heo, toàn tỉnh có khoảng 4.400 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với tổng đàn khoảng 38.000 con. Đây chính là đối tượng mà đợt tiêu độc khử trùng đang tập trung hướng đến, vì so với các hộ chăn nuôi quy mô lớn, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa quan tâm thực hiện tốt việc bảo đảm môi trường chăn nuôi cũng như tiêu độc khử trùng thường xuyên.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện công tác chuẩn bị về lực lượng, phương tiện đang được cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các địa phương tập trung hoàn tất.

Hồng Đăng
 

Theo: Báo Khánh Hòa