Xác định tầm quan trọng của công tác đảm bảo chất lượng nói chung và công tác tự đánh giá nhà trường nói riêng, Trường Đại học (ĐH) Nha Trang đã không ngừng nỗ lực trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ… Mới đây, trường đã được công nhận Đạt kết quả kiểm định chất lượng giáo dục giai đoạn 2012 – 2017.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm Viện Nghiên cứu và Chế tạo tàu thủy, Trường Đại học Nha Trang.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm Viện Nghiên cứu và Chế tạo tàu thủy, Trường Đại học Nha Trang.
Những kết quả tích cực
Trường ĐH Nha Trang hiện có 43 ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ ĐH, 18 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và 6 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ. Đặc biệt, nhà trường đang tổ chức đào tạo 3 chương trình Thạc sĩ quốc tế gồm: Thạc sĩ Quản lý hệ sinh thái và biến đổi khí hậu, Thạc sĩ Quản trị kinh doanh du lịch, Thạc sĩ Công nghệ thực phẩm. Hàng năm, trường tuyển sinh hơn 2.000 sinh viên (SV) hệ chính quy bậc ĐH, gần 1.000 SV cao đẳng, 150 học viên cao học, từ 10 đến 15 nghiên cứu sinh, cùng hơn 2.000 SV hệ liên thông, vừa làm vừa học… Bên cạnh đó, trường tổ chức đào tạo, cấp bằng ĐH và thạc sĩ cho lưu học sinh Lào, Campuchia, Rwanda, Sri Lanka…, tiếp nhận các lưu học sinh quốc tế đến nghiên cứu, học tập ngắn hạn từ Cộng hòa Séc, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ, Pháp… Năm 2009, trường là 1 trong 20 trường ĐH đầu tiên của cả nước được Hội đồng Quốc gia kiểm định chất lượng giáo dục công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
PGS.TS Trang Sĩ Trung – Hiệu trưởng Trường ĐH Nha Trang cho biết, nhà trường chuyển đổi hình thức đào tạo từ niên chế sang tín chỉ đối với trình độ ĐH từ năm 2009 và đối với trình độ thạc sĩ, tiến sĩ từ năm 2010. Trên cơ sở khung tự đánh giá học chế tín chỉ do trường xây dựng, phương thức đào tạo tín chỉ ngày càng được hoàn thiện. Trường đã xây dựng chuẩn mực hoạt động giảng dạy nhằm giúp mỗi giảng viên tự hoàn thiện công tác giảng dạy và đưa việc đánh giá hoạt động này đi vào nề nếp. Trường cũng đang tổ chức hoàn thiện 2 chương trình đào tạo để năm 2018 có thể đăng ký đánh giá ngoài theo chuẩn AUN (mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á). 
Nhằm giúp người học hiểu đầy đủ các yêu cầu và nội dung về đào tạo, trường đã cung cấp cho người học sổ tay SV với đầy đủ các văn bản về mục tiêu, chương trình đào tạo, điều kiện tốt nghiệp, điều kiện dự thi kết thúc từng học phần, phương pháp học tập… Trường cũng thành lập Quỹ Khuyến học để kịp thời hỗ trợ những SV giỏi, SV có hoàn cảnh khó khăn. Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp và Hỗ trợ SV là nơi tổ chức các hội thảo hướng nghiệp và tuyển dụng cho SV. Trường còn xây dựng dữ liệu kết nối với cựu SV; tổ chức cho SV tham gia đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng viên và đánh giá chất lượng đào tạo…
Sinh viên Trường Đại học Nha Trang trong lễ tốt nghiệp.
Sinh viên Trường Đại học Nha Trang trong lễ tốt nghiệp.
Đạt kết quả kiểm định chất lượng giáo dục
Trường ĐH Nha Trang đã tham gia tích cực với các địa phương, đơn vị trong và ngoài tỉnh triển khai nhiều chương trình nghiên cứu khoa học ở các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là nghề cá. Số lượng các bài báo khoa học đăng trên tạp chí khoa học trong nước và quốc tế tăng đáng kể. Riêng giai đoạn 2010 – 2014, trường là 1 trong 20 tổ chức có số công bố quốc tế hàng đầu Việt Nam. Trường cũng là địa chỉ thu hút tổ chức các hội thảo khoa học quốc tế. Cùng với đó, công tác nghiên cứu khoa học của SV, học viên cao học và nghiên cứu sinh từng bước được mở rộng. Thông qua việc thiết lập quan hệ mật thiết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và các địa phương, nhà trường thường xuyên nhận được thông tin phản hồi về chất lượng, nhu cầu đào tạo, nhu cầu chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là về lĩnh vực thủy sản. Các mối quan hệ hợp tác quốc tế được củng cố, góp phần nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu của trường. Trên 60% số thạc sĩ, tiến sĩ của trường được đào tạo ở nước ngoài thông qua hợp tác song phương. 
Một tiết học của sinh viên Viện Khoa học và Công nghệ Khai thác thủy sản, Trường Đại học Nha Trang.
Một tiết học của sinh viên Viện Khoa học và Công nghệ Khai thác thủy sản, Trường Đại học Nha Trang.
Song song với định hướng phát triển, cơ sở vật chất của Trường ĐH Nha Trang ngày càng được quan tâm đầu tư. Ngoài 3 cơ sở thực nghiệm với diện tích 30ha, trường đã và đang triển khai đầu tư xây dựng Trung tâm Giáo dục quốc phòng và An ninh, Trung tâm thực hành du lịch, Trung tâm thực nghiệm nghề cá. Hệ thống thư viện, phòng học và các phòng chuyên dùng được trang bị hiện đại. Trường cũng đã và đang nâng cấp một số ký túc xá nhằm đáp ứng nhu cầu của lưu học sinh và các nhà giáo, nhà khoa học ngoài nước đến làm việc…
PGS.TS Trang Sĩ Trung cho biết, từ năm 2006, nhà trường đã trải qua 4 lần tự đánh giá cấp cơ sở giáo dục với 2 lần đánh giá ngoài chính thức. Dựa trên kết quả đánh giá ngoài vào tháng 9-2017 thực hiện bởi Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Trường ĐH Nha Trang đã được công nhận Đạt kết quả kiểm định chất lượng giáo dục giai đoạn 2012 – 2017 theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhà trường đã lên kế hoạch khắc phục các vấn đề còn tồn tại, hạn chế; đồng thời tiến hành tập huấn, triển khai Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trường ĐH phiên bản 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xây dựng lộ trình tiếp tục phát triển nhà trường, chuẩn bị cho chu kỳ kiểm định mới. Ngoài ra, hoạt động tự đánh giá cấp chương trình đào tạo cũng đã được nhà trường quan tâm đầu tư để có thể triển khai đăng ký đánh giá ngoài từ năm 2018. 

Với bề dày truyền thống gần 60 năm, Trường ĐH Nha Trang xác định sứ mạng trong thời gian tới là: “Đào tạo nhân lực trình độ cao; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và cung cấp dịch vụ chuyên môn đa lĩnh vực, trong đó lĩnh vực thủy sản là thế mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội”. Cùng với đó là tầm nhìn: “Đến năm 2030 là trường ĐH đa lĩnh vực có uy tín trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu khu vực Đông Nam Á về lĩnh vực khoa học thủy sản và một số ngành kinh tế biển”.

Trường ĐH Nha Trang đã vinh dự được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1981), hạng Nhì (1986), hạng Nhất (1989); Huân chương Độc lập hạng Ba (1994), hạng Nhì (1999), hạng Nhất (2004); Anh hùng lao động (2006). Trường hiện có hơn 600 cán bộ, viên chức, trong đó có 21 phó giáo sư, 126 tiến sĩ, 347 thạc sĩ, 14 giảng viên cao cấp, 53 giảng viên chính, 2 nhà giáo ưu tú cùng đội ngũ cán bộ, giảng viên mời giảng hơn 70 người có học vị tiến sĩ trở lên đã và đang giảng dạy tại các trường ĐH, viện nghiên cứu có uy tín trong nước và quốc tế.

Theo: Báo Khánh Hòa