Sau khi lạm thu học phí hơn 18 tỉ đồng; thu phí khám sức khỏe, phí học lại, thi lại, phí tốt nghiệp sai quy định hơn 1,46 tỉ đồng, lãnh đạo Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa đã chi xài cá nhân và ‘chi đối ngoại’…
Chỉ trong ba năm học, Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa đã lạm thu các loại phí từ sinh viên lên đến con số gần… 20 tỉ đồng cùng nhiều sai phạm tiền tỉ khác từ ngân sách. Đó là nội dung kết luận thanh tra theo đơn tố cáo đối với ông Vũ Viết Sơn, hiệu trưởng trường này.
Nhiều khoản thu trái phép
Theo kết luận Thanh tra tỉnh Khánh Hòa, Trường CĐ Y tế Khánh Hòa đã thu các khoản lệ phí trái pháp luật và lạm thu học phí, thu vượt “mức trần” Chính phủ quy định.
Trong đó, số tiền lạm thu học phí hơn 18 tỉ đồng (trong ba năm 2016, 2017, 2018); số tiền thu các loại phí sai quy định pháp luật hơn 1,46 tỉ đồng. Các khoản thu sai quy định pháp luật gồm: thu lệ phí khám sức khỏe, lệ phí học lại, thi lại, lệ phí tốt nghiệp và làm bằng tốt nghiệp.
Cụ thể, khoản thu “lệ phí khám sức khỏe” là sai vì theo nghị định 105/2014/NĐ-CP ngày 15-11-2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế, Bảo hiểm y tế sẽ chi trả cho việc khám sức khỏe học sinh, sinh viên. Còn các loại “lệ phí học lại”, “lệ phí thi lại”, “lệ phí tốt nghiệp, làm bằng tốt nghiệp”, Thanh tra tỉnh Khánh Hòa cũng kết luận là không có quy định, chế độ nào cho phép.
Các sai phạm này diễn ra chủ yếu trong thời gian làm hiệu trưởng của hai ông Trương Quang Thuận (từ tháng 3-2017 trở về trước) và Vũ Viết Sơn (từ tháng 4-2017 đến nay).
Ứng chi “ngoại giao” nhiều tỉ đồng
Cùng với việc lạm thu, từ năm 2016 đến tháng 6-2018, lãnh đạo nhà trường đã chi tiêu nội bộ, mua sắm thiết bị, lập quỹ… sai quy định của Nhà nước hơn 27,81 tỉ đồng. Trong đó, ông Vũ Viết Sơn (hiệu trưởng) cùng ông Lê Đức Hiền và bà Bùi Thị Xuân Thái (trưởng và phó phòng kế hoạch, tài chính của trường) đã nhiều lần tự ý tạm ứng, chiếm dụng ngân sách nhà nước và tùy tiện rút tiền quỹ của trường để chi đối ngoại.
Theo thanh tra tỉnh, căn cứ tài liệu đã thu được và trình bày của các cá nhân liên quan thì các trường hợp “chi ngoại giao” đều được tạm ứng từ quỹ trường. Sau khi người ứng hoàn ứng bằng tiền mặt hoặc bằng chứng từ, giấy tạm ứng được trả lại người ứng hoặc tiêu hủy.
Tổng số tiền mà các cá nhân đã tạm ứng quỹ trường theo kiểu kể trên trong hơn hai năm (từ năm 2017 đến tháng 3-2019) là hơn 4,13 tỉ đồng. Trong đó, “chi ngoại giao” 2,464 tỉ đồng, còn lại các cá nhân chi xài hơn 1,56 tỉ đồng và chi cho công tác khác của trường là gần 228 triệu đồng.
Đặc biệt, trong số tiền tạm ứng để “chi ngoại giao”, theo các bảng kê, chứng từ thu giữ được, trong đó có giao cho ông Sơn 2,341 tỉ đồng (bao gồm khoản chi quà tết năm 2017). Theo kết luận thanh tra, qua xác minh nhận thấy còn những vấn đề tồn tại bất bình thường như các giấy tạm ứng được kế toán trình bày là để “chi ngoại giao” nhưng thể hiện bằng nhiều nội dung khác.
Chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra
Theo thanh tra tỉnh, ông Sơn thừa nhận có nhận số tiền tạm ứng nêu trên và đã chi hết (hiện tại không còn chứng từ), nhưng do nhận thấy một số trường hợp trường không có nguồn thanh toán được nên ông đã dùng tiền cá nhân hoàn trả lại quỹ trường.
Kể từ tháng 11-2018, ông Sơn đã hoàn ứng ba lần với tổng số tiền hơn 2,464 tỉ đồng tạm ứng đã nêu. Thanh tra tỉnh cho rằng việc ông Sơn tạm ứng kéo dài từ năm 2017 là hành vi chiếm dụng tiền ngân sách.
Từ đó, Thanh tra tỉnh Khánh Hòa kết luận: “Các hành vi sai phạm của trường trong việc chủ trương thu sai quy định, để ngoài sổ sách nhà nước, sử dụng tùy tiện và không theo dõi trên sổ kế toán và báo cáo tài chính; tiêu hủy chứng từ là sai phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính, kế toán”.
Được biết, hiện hồ sơ vụ việc sai phạm nghiêm trọng về tài chính tại Trường CĐ Y tế Khánh Hòa đã được chuyển cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa (PC03) và cơ quan này đang xử lý vụ việc.
Sinh viên không biết có được nhận lại tiền
Chánh Thanh tra tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định thu hồi hơn 1,46 tỉ đồng mà Trường CĐ Y tế Khánh Hòa đã thu các khoản lệ phí của học sinh, sinh viên sai quy định, để ngoài sổ sách từ năm 2016-2018. Đối với các khoản lạm thu hơn 18 tỉ đồng của sinh viên, UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính và Thanh tra tỉnh đề xuất hướng xử lý.
Tuy nhiên, các “nạn nhân” đích thực trong chuyện lạm thu này là sinh viên chưa biết có được trả lại tiền hay không và nếu trả lại thì bằng cách nào.