Vài năm trở lại đây, hoạt động chuyển đổi cây trồng ở xã Ninh An (thị xã Ninh Hòa) diễn ra khá sôi động. Nhiều loại cây ăn quả đã được nông dân mạnh dạn đầu tư. Xã cũng vừa tổng kết mô hình cây mãng cầu Thái, thêm vào danh sách cây trồng thích hợp với điều kiện nơi đây.

Dễ trồng, chịu hạn tốt

Năm 2018, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) Ninh Hòa phối hợp cùng UBND xã Ninh An, Hội Nông dân và cán bộ nông nghiệp xã triển khai mô hình trồng cây mãng cầu Thái trên diện tích 1ha tại vườn của ông Nguyễn Anh Tuấn ở thôn Hòa Thiện 2. Theo ông Tuấn, 1ha đất trên được ông trồng bắp, đậu xanh nhưng hiệu quả không cao, vì vậy, ông đã đăng ký và được hỗ trợ thực hiện mô hình. Theo đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 70% lượng giống và 30% lượng phân bón, thuốc BVTV với tổng kinh phí hơn 29 triệu đồng. Tháng 6-2018, mô hình bắt đầu trồng 834 cây mãng cầu Thái.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Tập huấn đầu bờ mô hình trồng cây mãng cầu Thái tại xã Ninh An.

Tập huấn đầu bờ mô hình trồng cây mãng cầu Thái tại xã Ninh An.

Theo ông Trần Thanh Hải – Chủ tịch Hội Nông dân, cán bộ khuyến nông xã Ninh An, sau 7 – 8 tháng trồng, cây mãng cầu Thái bắt đầu ra hoa, đậu quả. Hiện nay, hầu hết trong số hơn 800 cây của mô hình đều đã cho trái bói, sẽ cho thu hoạch trong khoảng 3 tháng nữa. “Chúng tôi nhận thấy đây là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư ban đầu không quá cao, cây chịu hạn tốt, đạt chiều cao trên 1,5m sau 1 năm trồng. Trong quá trình phát triển, cây mãng cầu Thái có xuất hiện một số sâu bệnh như: sâu ăn lá và bệnh thán thư, nhưng tỷ lệ thấp, chỉ chiếm từ 4 – 7%. Hộ tham gia mô hình cũng đã áp dụng các biện pháp phòng trừ tích cực, trong đó chú trọng giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV, tuân thủ các quy trình quản lý dịch hại tổng hợp I.P.M. Ngoài ra, trên diện tích trồng mãng cầu, người dân còn có thể trồng xen canh các loại cây trồng ngắn ngày ở thời kỳ cây còn nhỏ để tận dụng diện tích đất tự nhiên bỏ trống như: đậu xanh, đậu bắp, bắp… để tăng thêm thu nhập”, ông Hải nói.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn – Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV thị xã Ninh Hòa cho biết, qua quá trình thực hiện mô hình, đến nay có thể kết luận cây mãng cầu Thái phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện thời tiết ở Ninh An nói riêng, thị xã Ninh Hòa nói chung. Chính vì thế, thời gian tới, Trạm Trồng trọt và BVTV thị xã, Hội Nông dân và UBND xã Ninh An cùng với hộ gia đình tham gia mô hình sẽ tiếp tục theo dõi sâu bệnh và hiệu quả kinh tế, từ đó làm cơ sở khuyến khích nhân rộng mô hình.

Đẩy mạnh chuyển đổi

Theo ông Nguyễn Quốc Chí – Chủ tịch UBND xã Ninh An, toàn xã có hơn 1.800ha đất sản xuất nông nghiệp với nhiều loại cây trồng như: lúa, mía, rau màu, xoài canh nông, điều, bạch đàn… Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều loại cây trồng không mang lại hiệu quả như mong đợi. Vì thế, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang một số cây trồng khác, hiệu quả hơn. Toàn xã hiện có khoảng 20ha xoài Úc, gần một nửa trong số đó đã cho thu hoạch, chủ yếu trên diện tích giống xoài cũ được nông dân ghép với giống xoài Úc. Gần 20ha bưởi da xanh đang phát triển khá tốt. Hoạt động chuyển đổi diễn ra mạnh hơn ở những diện tích đất cát phù sa ven sông Lốp. Đất mía kém hiệu quả được chuyển sang trồng bưởi, đất lúa 1 vụ không chủ động nước tưới được chuyển qua trồng rau màu, một số diện tích vườn, rẫy tạp được thay thế bởi các loại cây như: tỏi, sả, dừa xiêm, cam, mít…

Mãng cầu phát triển tốt, cho trái đẹp sau 1 năm trồng ở xã Ninh An.

Mãng cầu phát triển tốt, cho trái đẹp sau 1 năm trồng ở xã Ninh An.

Tuy chưa nhiều nhưng những diện tích cây ăn quả đang phát triển tốt ở một xã thuần nông như Ninh An đang hứa hẹn sẽ mang lại luồng sinh khí mới trong đời sống sản xuất nông nghiệp nơi đây. Với cây mãng cầu Thái, theo bà Trịnh Thị Thùy Linh – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, sau quá trình đánh giá, tổng kết, mô hình này sẽ được chuyển giao cho nông dân để ứng dụng vào sản xuất hộ gia đình, từng bước nâng cao năng suất cây trồng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định cuộc sống.

Hiện 1 cây giống mãng cầu Thái được bán tại Ninh Hòa khoảng 45.000 đến 50.000 đồng. Theo ước tính, để trồng 100 cây mãng cầu Thái, nông dân chỉ cần đầu tư cây giống, phân bón ban đầu khoảng 10 triệu đồng. Các cán bộ chuyên môn cũng đã hướng dẫn người dân đăng ký tham gia đề án chuyển đổi cây trồng để Nhà nước xem xét hỗ trợ.

Hồng Đăng
 

Theo: Báo Khánh Hòa