Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Triển vọng mới từ loài móng tay dày

Đề tài khoa học “Xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và thử nghiệm nuôi thương phẩm móng tay dày” vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh nghiệm thu và đánh giá cao. Đề tài đang kỳ vọng góp phần đa dạng nguồn lợi hải sản ở tỉnh.

Nghiên cứu thành công

Thạc sĩ Trần Trung Thành – Phó Trưởng phòng Sinh học thực nghiệm, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III cho biết, móng tay dày là động vật thân mềm, hai mảnh vỏ, phân bố từ Vạn Ninh đến Cam Ranh. Thịt móng tay dày thơm ngon, có giá trị kinh tế cao (giá bán từ 450.000 đến 550.000 đồng/kg) nên có nguy cơ bị khai thác triệt để. Đây lại là loại ăn lọc, thức ăn là sinh vật phù du và mùn bã hữu cơ nên có tác dụng làm sạch môi trường sinh thái biển. Vì vậy, việc nghiên cứu và sản xuất thành công giống và nuôi thương phẩm móng tay dày không những tăng thêm đối tượng nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân mà còn góp phần vào việc tái tạo, bảo tồn nguồn lợi tự nhiên, giảm áp lực khai thác và duy trì hệ sinh thái biển ven bờ theo hướng bền vững. Từ những thành công ban đầu trong thử nghiệm sản xuất giống nhân tạo móng tay dày của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, Sở KH-CN tỉnh đã đặt hàng cho viện thực hiện đề tài trên với mục tiêu phát triển thêm nghề nuôi mới cho ngư dân.

Học viên được hướng dẫn thu hoạch giống và đóng túi vận chuyển

Qua 2 năm thực hiện (từ tháng 7-2015 đến tháng 7-2017) với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng, các nhà khoa học đã nắm bắt rõ đặc điểm sinh sản của móng tay dày, đồng thời nghiên cứu một số chỉ tiêu kỹ thuật để xác định mật độ ương nuôi thích hợp… Trên cơ sở đó, các nhà khoa học đã phác thảo được quy trình nhân giống móng tay dày và thử nghiệm sản xuất giống. Mô hình nuôi thử nghiệm đã sản xuất thành công 50.000 con giống cỡ 2 – 3mm và 5.000 con giống cỡ 10 – 15mm. Từ đó, các nhà khoa học đã chuyển giao cho 2 mô hình nuôi thương phẩm tại đầm Nha Phu và đầm Thủy Triều với diện tích 500m2 mô hình.

Mở ra triển vọng mới

Theo ông Đặng Tri Thông – chuyên viên Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, móng tay dày có phân bổ ở huyện Vạn Ninh, tuy nhiên rất ít. Hiện nay, người dân cũng muốn phát triển nuôi trồng loại này nhưng chưa có nguồn giống. Đề tài nên nghiên cứu sâu hơn về những vùng biển phù hợp với điều kiện phát triển của con giống này để tránh gây thiệt hại cho người dân khi áp dụng nuôi thương phẩm.  

Kích thích cho móng tay bố, mẹ sinh sản

 
Theo đánh giá của Hội đồng KH-CN tỉnh, đề tài đã tìm ra thêm một đối tượng nuôi mới có giá trị cao, có thể phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Móng tay dày có tính ưu việt cao hơn hẳn so với các đối tượng thủy sản khác như: sản xuất giống có chi phí thấp; nuôi thương phẩm không tốn chi phí thức ăn, lợi nhuận kinh tế cao. Kết quả đề tài sẽ tạo ra một nghề nuôi mới, giúp đa dạng đối tượng nuôi, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Ngoài ra, có thể tận dụng các trại sản xuất giống tôm đã đóng cửa do thua lỗ để sản xuất giống nhân tạo móng tay dày. Đồng thời, góp phần phục hồi nguồn lợi thủy sản, cải thiện chất lượng môi trường nuôi. “Các cơ quan như: Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH-CN Khánh Hòa, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Chi cục Thủy sản tỉnh nên sử dụng kết quả nghiên cứu để triển khai cho các hộ sản xuất chủ động trong việc nhân giống và nuôi thương phẩm”, Tiến sĩ Ngô Anh Tuấn – giảng viên chính Trường Đại học Nha Trang đề nghị.

Ông Huỳnh Kỳ Hạnh – Giám đốc Sở KH-CN khẳng định: “Đây là đối tượng nghiên cứu mới không chỉ ở Khánh Hòa mà còn ở cả nước. Trước những hiệu quả đề tài mang lại, Hội đồng KH-CN thống nhất sẽ tiếp tục cho phát triển đề tài theo hướng hoàn thiện hơn quy trình kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm móng tay dày nhằm mở thêm hướng mới cho nghề nuôi thủy sản trong tỉnh”.

T.L


Theo Thạc sĩ Trần Trung Thành, móng tay dày có khả năng sinh sản quanh năm, mức sinh sản và phát triển tốt nhất từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Phương pháp kích thích sinh sản cho kết quả cao nhất là sốc nhiệt kết hợp dòng chảy. Thức ăn của móng tay dày là tảo tươi, trong điều kiện thời tiết khó khăn có thể kết hợp tảo tươi với thức ăn tổng hợp. Ở độ mặn khoảng 29‰, ấu trùng có tỷ lệ sống và tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Đề tài đã nuôi thử nghiệm thương phẩm đạt kích cỡ 72g/con, thu hoạch được 198kg, vượt 32kg so với mục tiêu đặt ra.


 

Theo: Báo Khánh Hòa