Bước chân xuống đảo Bình Hưng, xã Cam Bình, TP Cam Ranh, Khánh Hòa, tôi thấy cuộc sống người dân ở nơi đây thật nhẹ nhàng yên bình, nhưng công việc mưu sinh hàng ngày của mỗi người dân vùng này cũng không kém phần vất vả.
Buổi sáng của người dân trên đảo Bình Hưng
Ông Nguyễn Quế Phương (70 tuổi), trưởng thôn Bình Hưng cho biết, hiện thôn Bình Hưng có trên 450 nhân khẩu với gần 2.000 người đang sinh sống. Nơi đây khoảng 10 năm về trước người dân vẫn xài điện bằng máy nổ, đi lại vào đất liền mất hàng giờ bằng ghe, tàu. Sau khi chương trình NTM về đến đảo, tuyến đường đèo mới từ Vĩnh Hy đến bãi Kinh – Bình Hưng làm xong đã thay đổi được phần nào những vất vả đi lại về đất liền của bà con nơi đây.
75 tuổi lên chức bà sơ
Bà Nguyễn Thị Đẩu năm nay tròn 75 tuổi cũng vừa được lên chức bà sơ. Theo cách gọi người dân trên đảo Bình Hưng từ xưa đến nay, hễ ai có chắt thì được người chắt đó gọi mình bằng cố, còn trường hợp đứa chắt đó có con thì “con của chắt” (ở ngoài Bắc gọi là chút) gọi mình bằng sơ.
Bà Nguyễn Thị Đẩu cho biết, bà được bố mẹ sinh ra trên đảo Bình Hưng và thời gian sống trên đảo đến giờ cũng bằng với số tuổi của mình. Không nhớ lấy chồng năm bao nhiêu tuổi chỉ nhớ năm 17 tuổi bà Đẩu sinh được cô con gái đầu đặt tên là Nguyễn Thị Hoa.
Niềm vui của bà Nguyễn Thị Đẩu khi vừa lên chức bà sơ ở tuổi 75
Cô Hoa, con gái đầu tiên cũng lấy chồng năm 17 tuổi, đẻ ra người con trai đầu tên Nguyễn Kỳ Cân, anh Cân (cháu ngoại bà Đẩu) sau đó lấy vợ sớm đẻ người con trai đầu tên Nguyễn Kỳ Anh. Mới vừa rồi vợ của anh Kỳ Anh cũng vừa sinh được đứa con trai đầu lòng, 2 mẹ vẫn đang nằm ở bệnh viên Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Theo tục lệ ở trên đảo, khi sinh con xong phải cúng đầy tháng thì mới được đặt tên cho con, khi cúng chỉ có cha mẹ cúng thôi nên đứa chút này vẫn chưa được cha mẹ đặt tên.
Đó là chuyện bà Đẩu được lên chức bà sơ. Còn vợ chồng bà Đẩu hiện có đến 11 người con, người con trai út bà Đẩu sinh năm 1985 cũng đã có con thì đang sống với vợ chồng bà. Bà Đẩu cho hay, do ở trên đảo bà con hàng xóm gần nhau, đi biển cùng nhau nên nhiều gia đình thường kết nghĩa hàng xóm rồi hẹn ước để con cái sau này lấy nhau, vì vậy việc dựng vợ gả chồng nơi đây rất đơn giản.
Tính ra, vợ chồng bà Đẩu sinh được 13 người con nhưng đứa thứ 6, thứ 7 gồm một trai một gái khi sinh xong do điều kiện y tế trên đảo lúc bấy giờ còn thiếu thốn nên sau 2 tuần thì yếu sức nên mất. Sau đó vài năm vợ chồng bà vẫn tiếp tục sinh nở thêm cho đến thằng út bây giờ. Sau ngày giải phóng được chục năm, khi mà cán bộ đến đảo Bình Hưng để tuyên truyền về kế hoạch gia đình lúc đó vợ chồng bà mới không sinh nữa.
Hồi xưa để nuôi hết 11 người con, vợ chồng bà làm chủ ghe để đưa người dân trên đảo sang đất liền. Bây giờ già rồi nên giao hết cho con cháu, con cháu của bà giờ người làm nghề nuôi tôm, người đánh bắt hải sản như đi mành, đi biển… Do họ hàng bà con đều ở hết trên đảo nên bà Đẩu cũng thường khuyên con cháu cứ ở đây bám biển mà sống chứ đừng đi nơi khác lập nghiệp, ở đảo này chỉ cần chịu khó một tí là có ăn.
Bây giờ ngồi nhẩm tính hết số con cháu của bà Đẩu thì phải trên 50 người, đông quá nên bà cũng không thể nhớ hết tên con cháu được, chỉ tính riêng cô con gái đầu là chị Hoa cũng có đến 6 người con. Không biết nếu sống thêm được 20 năm nữa thì đứa chút nhỏ vừa ra đời, rồi nó lấy vợ đẻ con thì con của nó sẽ gọi bà bằng gì nữa… Nói đến đây khuôn mặt bà Đẩu cười rạng lên.
54 tuổi đã có chắt ngoại
Cùng ở trên đảo Bình Hưng còn có bà Nguyễn Thị Cường, năm nay 58 tuổi, bà Cường lấy chồng khi mới 15 tuổi, hiện đang có được 7 người con gồm 4 trai và 3 gái.
Cô con gái đầu của bà Cường tên Lê Thị Nhung sinh năm 1975, chị Nhung lấy chồng khi mới được 16 tuổi và hiện có 3 người con. Con gái đầu chị Nhung tên Phạm Thị Mỹ làm dâu năm 21 tuổi, năm nay chị Mỹ đã có đứa con trai đầu được 4 tuổi, đặt tên Nguyễn Phạm Thiên Lâm. Bà Cường nhẩm tính khi mới 54 tuổi mình đã được lên chức bà cố rồi (so với bà Đẩu nói ở trên thì bà Cường lên chức bà cô còn sớm hơn đến 4 năm).
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Cường xem ảnh đứa chắt vừa đi thăm trên Lâm Đồng
Bà Cường cho biết, ngày xưa không biết triệt sản là gì, cứ có bầu là đẻ thôi, đẻ được bao nhiêu thì cố gắng nuôi bấy nhiêu. Trước kia, hầu hết người dân đều sinh con trên đảo, có trường hợp nào khó sinh quá thì phải đưa ghe vào đất liền để nhờ bác sĩ giúp. Mấy năm nay ở đảo có trạm xá nên cũng đỡ hơn trước nhiều.
Sau này cán bộ đến tuyên truyền nói không triệt sản sẽ không cho chồng đi biển nữa nên 2 vợ chồng dừng lại không sinh nữa, năm 1992 khi sinh xong cô con gái út là bà Cường triệt sản luôn. Hồi đó nghe nói triệt sản sớm khi về già sẽ bị khùng, bị điên nên hai vợ chồng cũng lo lắm, nhưng thấy đông con quá với lại sợ chồng bị cấm đi biển nên tình nguyện triệt sản luôn.
Bà Cường kể, từ xưa đến nay phụ nữ trên đảo chủ yếu ở nhà cắt mồi cho tôm ăn và nuôi dạy con nhỏ, còn đàn ông thì đi biển kiếm tiền, riêng con cái nuôi lớn đến đâu đều lo phụ mẹ trông em đến đấy. Những khi chồng đi biển, một mình bà Cường ở nhà phải chăm sóc cả cha mẹ chồng, 2 đứa cháu mồ côi, cùng với 7 đứa con. Ngày đó, mỗi bữa ăn 11 người trong nhà cùng ngồi ăn, mỗi bữa chỉ nấu đúng nửa kg gạo còn lại trộn chung khoai và mì, để phục vụ đủ 11 người ăn phải ngồi cắt khoai với mì trước cả tiếng, do đông con nên dù trên đảo thiếu thốn những thứ giải trí nhưng thời gian qua nhanh lắm, thoáng cái là hết 1 ngày…
Khó khăn là thế, nhưng đến nay con cái của bà Cường ai cũng to cao khỏe mạnh, gia đình đầy đủ, nên bây giờ vợ chồng mới được thảnh thơi, thỉnh thoảng nhớ con cháu vợ chồng bà Cường lại bắt xe đi Lâm Đồng thăm con và đứa chắt nhỏ…
Rời Bình Hưng, tuy điều kiện sống, cơ sở vật chất trên đảo vẫn còn nhiều khó khăn thiếu thốn, nhưng người dân nơi đây ai nấy đều to cao khỏe mạnh lạ thường. Nhìn những người như bà Cường, bà Đẩu còn có được cái phúc con đàn cháu đống mà không phải ai trên đời này đều có được, tôi mới thấy được cái quý giá của môi trường sống, thực phẩm ăn uống hàng ngày… có lẽ nhờ vậy mới mang lại cho cuộc sống người dân nơi đây khỏe mạnh, tràn đầy sức sống.
Ông Nguyễn Quế Phương, Trưởng thôn Bình Hưng cho biết, chuyện người sống trên 100 tuổi trên đảo Bình Hưng này không hiếm, hồi xưa có bà Trọng sống trên đảo gần 100 tuổi mới lên được chức sơ nhưng nay đã mất lâu rồi. Trường hợp của bà Đẩu mới 75 tuổi vừa lên chức bà sơ (có chút) và bà Cường 54 tuổi làm bà cố (có chắt) thì đúng là chưa từng có trên đảo từ trước đến nay.
Mạnh Tuấn/nongnghiep.vn