Chiều ngày 10/6, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã chia sẻ thông tin liên quan đến Trường Đại học Tôn Đức Thắng (trực thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) phản ứng những chỉ đạo của cơ quan chủ quản.
Chưa thu một đồng từ Đại học Tôn Đức Thắng
Về việc trường Đại học Tôn Đức Thắng “tố” Tổng Liên đoàn có ba văn bản buộc nộp 30% tiền chênh lệch thu chi, ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tich Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, vào năm 2017, Đoàn kiểm tra về công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công đoàn của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã tiến hành kiểm tra tại Đại học Tôn Đức Thắng. Khi đó, ban đầu nhà trường phản đối, không đồng ý cho tiến hành kiểm tra. Sau đó, đoàn kiểm tra phải viện dẫn các quy định của pháp luật, trường mới đồng ý cho kiểm tra nhưng khi có Dự thảo Báo cáo kết quả, Trường Đại học Tôn Đức Thắng tiếp tục phản đối cho rằng cơ quan chủ quản không có quyền trực tiếp kiểm tra tài chính nhà trường.
Sau quá trình làm việc, Đoàn kiểm tra kiến nghị: “Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hàng năm phê duyệt dự toán thu, chi của trường và giao nghĩa vụ phải nộp lên Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam theo quy định.” Quy định 1684 năm 2006 của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nêu rõ: “Đơn vị tự bảo đảm kinh phí hoạt động phải trích nộp cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp tối đa không quá 30% kết quả tài chính sau khi đã nộp thuế, mức cụ thể do cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp quyết định.”
Kiến nghị này của đoàn kiểm tra chưa được Thường trực và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phê chuẩn và triển khai vì lãnh đạo Tổng Liên đoàn cho rằng ngoài quy định của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, trường còn thực hiện theo Quyết định 158 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ.
“Có thể khẳng định, đến giờ phút này, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chưa thu của Đại học Tôn Đức Thắng một đồng nào,” ông Phan Văn Anh nhấn mạnh.
Trường Đại học Tôn Đức Thắng được chuyển thành trường đại học công lập trực thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam theo Quyết định số 747/QĐ-TTg ngày 11/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Lãnh đạo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam khẳng định, sau khi tiếp nhận trường, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà trường phát triển theo xu thế đổi mới giáo dục đại học, phát huy tính tự chủ.
[‘Tháng Công nhân’ – Xây dựng chính sách tốt hơn cho người lao động]
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho hay, khi trường về Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, đơn vị này đã kiến nghị Chính phủ cấp 61,7 tỷ đồng để xây hai khối nhà ở cho học sinh; với tác động của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Chính phủ cũng cho trường vay gói kích cầu hơn 100 tỷ đồng. Ngoài ra, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh còn hỗ trợ tài chính, cấp hơn 8 tỷ đồng; Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Liên đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cho trường vay không tính lãi hơn 180 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất giai đoạn 2009-2015.
Ngoài ra, từ năm 2008 đến nay, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện cho trường một số cơ sở nhà đất và tài sản trên đất. Cụ thể: Giao quyền quản lý và sử dụng cơ sở tại 22 Nguyễn Đình Chiểu, phường Vĩnh Phúc, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa với diện tích 29.189 m2 và tài sản trên đất. Tài sản này được xác định trị giá vài trăm tỉ đồng. Tiếp đó là cơ sở tại khóm 6, phường 9, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau có diện tích 21.616 m2 trị giá khoảng 100 tỷ đồng.
Ông Ngọ Duy Hiểu khẳng định Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam không cấp cho trưởng 1.000 tỉ đồng tiền mặt, nhưng bằng nhiều hình thức cấp, cho vay, giao quản lý, sử dụng và đề nghị cơ quan có thẩm quyền giao đất…
Liên quan đến việc nhà trường “tố” Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam can thiệp vào nhân sự trường, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng Luật Giáo dục đại học đến 1/7/2019 có hiệu lực. Tuy nhiên, thời điểm Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có văn bản chỉ đạo trường Đại học Tôn Đức Thắng là dựa vào quy định hiện hành: “Lúc nào luật có hiệu lực mới thay thế luật cũ, nên chỉ đạo tại công văn 665 của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam không sai.”
Ông Ngọ Duy Hiểu khẳng định và cho biết theo quy định, những vấn đề lớn như nhân sự chủ chốt của trường Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phải cho ý kiến, vì đây chính là đảm bảo sự lãnh đạo của cơ quan chủ quản.
Xác minh theo phản ánh của dư luận
Liên quan đến việc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xác minh chức danh phong giáo sư của ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường đại học Tôn Đức Thắng, ông Ngọ Duy Hiểu lý giải: “Có dư luận kiến nghị với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam về vấn đề trên. Nhưng Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam không có chuyên môn, nên đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét và khẳng định.”
“Nếu ông Lê Vinh Danh được cơ quan chức năng khẳng định học hàm đó thì Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phải bảo vệ đến cùng. Vì đây là danh hiệu cao quý mà chúng ta phải trân trọng, nếu nó phù hợp với pháp luật. Kết quả chúng tôi sẽ báo cáo sau và hy vọng không có vấn đề gì,” ông Ngọ Duy Hiểu nói.
Ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng đây là sự việc đáng tiếc và không bằng lòng với phản ứng của nhà trường vì quá gay gắt.
“Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã 5 lần mời Ban Giám hiệu nhà trường ra họp bàn về sự phát triển của nhà trường, tuy nhiên đến 31/5 vừa qua, Ban Giám hiệu mới cử hai hiệu phó nhà trường ra dự họp. Hiệu trưởng nhà trường không tham dự,” ông Ngọ Duy Hiển dẫn chứng.
Ngoài ra, ông Hiểu cho rằng sự việc chưa dừng lại khi Hiệu trưởng nhà trường “tranh thủ” việc Chủ tịch Hội đồng trường là tiến sỹ Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Việt Nam đi công tác nước ngoài để tổ chức cuộc họp hội đồng thành viên. Mặc dù Chủ tịch Hội đồng trường đã yêu cầu lùi thời gian tổ chức cuộc họp tuy nhiên hiệu trưởng nhà trường vẫn chủ trì họp và ra các quyết nghị, trong khi quy định tại Điều lệ Trường Đại học thì chỉ có Chủ tịch Hội đồng trường mới có quyền chủ toạ cuộc họp Hội đồng trường.
“Đây là điều đáng tiếc, thể hiện việc tuân thủ pháp luật của trường chưa đạt yêu cầu. Chưa đảm bảo cấp dưới phục tùng cấp trên, trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ,” ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh./.
Trước đó, nhiều cán bộ, giảng viên trường Đại học Tôn Đức Thắng đã gửi đơn đến một số cơ quan Trung ương, phản đối Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam buộc trường phải nộp 30% phần chênh lệch thu chi tài chính sau khi nộp thuế. Họ cho rằng cơ quan chủ quản đã có nhiều chỉ đạo vi phạm quyền tự chủ của nhà trường và trái với các quy định hiện hành, khi yêu cầu lãnh đạo trường trước khi có quyết định quan trọng phải thông qua cơ quan chủ quản trước khi đưa ra Hội đồng trường quyết định. Bên cạnh đó, Thường trực Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tự tiện sửa Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng trường Đại học Tôn Đức Thắng và ban hành luôn để chỉ định Hội đồng trường phải bầu Chủ tịch Tổng liên đoàn làm Chủ tịch Hội đồng trường… Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi công văn yêu cầu các trường đại học chuẩn bị thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học để bảo đảm ngày 1/7/2019, đạo luật này triển khai thực thi ngay. Tuy nhiên, mặc dù hội đồng trường đã nhất trí và có nghị quyết để thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học và chỉ đạo của Bộ, song Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo có nhiều nội dung vi phạm trái với quy định sắp có hiệu lực. |
Hồng Kiều (Vietnam+)
Theo: Viet Nam Plus