Những vướng mắc về tiến độ thu phí tự động không dừng (ETC) về việc cách tính tỷ lệ doanh thu cho đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí không dừng (VETC), chi phí quản lý, công tác bàn giao dịch vụ thu phí đã được Bộ Giao thông Vận tải đàm phán và giải đáp thỏa đáng cho các nhà đầu tư BOT nhằm đẩy nhanh tiến độ ký kết phụ lục hợp đồng và tiến tới triển khai lắp đặt, vận hành ETC trong năm nay.
Nhà đầu tư hoang mang
Liên quan đến việc 4 trạm BOT bị Tổng cục Đường bộ “đe” dừng thu phí từ ngày 10/7 tới, tại buổi đàm phán về việc ký kết phụ lục hợp đồng thu phí ETC vào hôm nay (ngày 8/7), đại diện các nhà đầu tư này cho rằng, phí trước đây tính theo doanh thu làn tự động của đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí không dừng, trong khi phương án mới là tính trên tổng doanh thu.
“Nhà đầu tư không phản ứng về chủ trương thu phí mà phản ứng tỷ lệ % doanh thu trích cho đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng,” đại diện các nhà đầu tư cho hay.
[BOT không có trạm thu phí tự động sẽ bị dừng thu vào cuối năm 2019]
Khẳng định các nhà đầu tư BOT đồng thuận chủ trương lắp đặt thu phí tự động không dừng nhưng không đồng tình cách triển khai, đại diện Công ty cổ phần BOT Phước Tượng-Phú Gia cho biết, vướng mắc hiện nay liên quan đến tỷ lệ % doanh thu, chi phí giám sát, công tác bàn giao dịch vụ thu phí.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng bày tỏ sự băn khoăn với hàng loạt câu hỏi như đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí VETC có phải dịch vụ thanh toán trung gian không? Vẫn còn tồn tại rủi ro trong trường hợp chuyển tiền, quản lý dữ liệu nếu mất hết thì sẽ ra sao?
Theo đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư 194 BOT Quốc lộ 1-Cam Ranh (nhà đầu tư trạm phí BOT Cam Thịnh), đơn vị đã ký phụ lục hợp đồng từ đầu năm 2018 đang vận hành thu phí không dừng suôn sẻ.
“Trước đây, nhà đầu tư đã ký với VETC và đã thực hiện không vấn đề gì, nay chỉ bổ sung phụ lục về chi phí. Không phải vì không ký phụ lục hợp đồng mà tạm dừng thu phí. Hiện nay, nhiều nhà xe đến trạm và bảo trạm có vấn đề do sắp dừng thu phí, đòi lại tiền đã đóng hàng tháng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trạm thu phí,” lãnh đạo nhà đầu tư BOT Cam Thịnh nhấn mạnh.
Theo vị đại diện BOT Đức Long-Gia Lai, đơn vị đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ thu phí điện tử không dừng với VETC và đang vận hành trơn tru. Nhà đầu tư cũng đã ký phụ lục hợp đồng với Bộ Giao thông Vận tải.
“Vừa rồi, trạm BOT có nhận được thông báo tạm dừng thu phí. Bản thân VETC chưa có thắc mắc nào với nhà đầu tư BOT về phí cao hay thấp. Các thông tin đưa ra lý do buộc dừng thu phí là chưa ký hợp đồng làm các nhà đầu tư hoang mang,” đại diện BOT Đức Long-Gia Lai nói.
Khẳng định đồng tình với chủ trương thu phí không dừng của Chính phủ, song đại diện các doanh nghiệp cho rằng tỷ lệ mà họ phải trích lại cho đơn vị cung cấp dịch vụ ETC là chưa hợp lý.
Cụ thể, các dự án phải trích từ 2-4,5%, thậm chí 7% doanh thu làn không dừng, trong khi với nhiều đơn vị thì doanh thu dự án BOT hiện nay chưa đủ trả lãi vay ngân hàng. Một số chủ đầu tư phản ánh chi phí lắp đặt ETC khiến phương án tài chính của dự án tăng hàng trăm tỷ đồng và kéo dài thời gian thu phí 1-2 năm. Doanh nghiệp muốn tự đàm phán với đơn vị cung cấp dịch vụ ETC thay vì Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu họ phải trả theo tỷ lệ doanh thu.
Rút lại thông báo tạm dừng thu phí 4 trạm
Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem lại quyết định dừng thu phí bởi một số nhà đầu tư đã ký phụ lục hợp đồng với nhà đầu tư VETC nên quyết định dừng thu phí sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của nhà đầu tư.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu Tổng cục Đường bộ rút lại thông báo tạm dừng thu phí với 4 dự án BOT đồng thời Vụ đối tác công tư (PPP) tính toán tỷ lệ trích lại chi phí doanh thu, quản lý dự án cho nhà cung cấp dịch vụ ETC, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa bên cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư BOT.
“Tỷ lệ trích hiện nay Bộ Giao thông Vận tải đưa ra chỉ là tạm tính, khi nào thanh quyết toán dự án thu phí không dừng mới có số liệu chính thức,” Thứ trưởng Thọ nhấn mạnh.
[Thu phí không dừng: Tại sao nhà đầu tư BOT chần chừ và dân e ngại?]
Thứ trưởng Thọ cho biết, tổng vốn đầu tư để lắp đặt thu phí không dừng tại 44 trạm BOT trên toàn quốc (giai đoạn 1) là 1.700 tỷ đồng và sẽ được phân bổ hợp lý, công bằng cho các dự án như trạm gần thành phố với lưu lượng xe cao thì tỷ lệ trích phải cao, trạm nhỏ có doanh thu thấp thì trích vừa phải.
“Không có chuyện nhà đầu tư BOT phải bàn giao toàn bộ trạm cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng, mà chỉ bàn giao một số làn để tổ chức thu phí theo công nghệ ETC. Tất cả nhân sự, tài sản của trạm thu phí vẫn thuộc doanh nghiệp dự án quản lý,” Thứ trưởng Thọ quả quyết./.
Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu tạm dừng thu phí 4 dự án BOT kể từ 18 giờ ngày 10/7 do chậm trễ trong việc ký phụ lục hợp đồng triển khai thu phí tự động không dừng. Các trạm thu phí bị tạm dừng thu phí gồm trạm thu phí Km2079+535 Quốc lộ 1 thuộc dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ-Phụng Hiệp (Công ty Trách nhiệm hữu hạn BOT Cần Thơ-Phụng Hiệp); Bắc Hải Vân thuộc dự án hầm đường bộ Phú Gia-Phước Tượng (Công ty Cổ phần Phước Tượng Phú Gia BOT); BOT Cam Thịnh tại Km1517+647, Quốc lộ 1 thuộc dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1488-Km1525 qua tỉnh Khánh Hòa (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư 194 BOT Quốc lộ 1-Cam Ranh); hai trạm thu phí tại Km1610+800 và Km1667+470 thuộc dự án mở rộng Quốc lộ 14 đoạn thành phố Pleiku đến cầu 110 (Công ty Cổ phần BOT&BT Đức Long Gia Lai). |
Việt Hùng (Vietnam+)
Theo: Viet Nam Plus