Tháng trước, một số báo đăng bài về một vụ án hy hữu. Bà cụ 89 tuổi, người thực sự phát canh, trồng cấy liên tục mấy chục năm trên một mảnh đất, bỗng nhiên bị người khác kiện đòi đất chỉ vì họ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN). Bà cụ, với vốn hiểu biết pháp luật hạn chế, lại thêm bệnh tuổi già, ngất lên ngất xuống khi thấy những người lạ nhảy rào vào chặt cây, đòi đất. Bà càng không hiểu vì sao Nhà nước lại cấp GCN mảnh đất thuộc loại đất trồng cây hàng năm cho những người chưa từng trồng cấy ngày nào. Bản thân những người này cũng thừa nhận tại tòa chưa hề canh tác ngày nào bởi đều bị… đau bệnh kéo dài. Sau khi người có GCN rút đơn khởi kiện; bị bà cụ phản tố, đề nghị công nhận quyền sử dụng đất cho bà và hủy các GCN đã cấp, thì ngay trong thời gian tòa án thụ lý giải quyết, bên có GCN tiếp tục chuyển nhượng xong mảnh đất cho một người khác. Đáng nói hơn, sau thời điểm chuyển nhượng một mảnh đất đang tranh chấp, người đã chuyển nhượng lại tiếp tục được cấp GCN mới! Bài viết về vụ án này đã được hàng trăm bạn đọc chia sẻ. Nhiều người comment hy vọng phiên tòa xét xử cuối tháng 5 sẽ làm rõ trắng đen.
Nhưng tiếc thay, tận khi phiên tòa kết thúc, các đương sự vẫn còn sững sờ, không thể ra về ngay. Nghe vị chủ tọa tuyên đọc quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, họ xôn xao hỏi nhau: Như vậy là sao? Vụ án đến bao giờ mới ngã ngũ? Tiếp theo các bên sẽ giải quyết ra sao? Sao có thể đường hoàng trồng cây mà không lo bị đòi đất tiếp hoặc dám khẳng định tiếp tục chuyển nhượng là hợp pháp, khi mà chưa có phán quyết rõ ràng? Hậu quả pháp lý nặng nề đó, chắc chắn chỉ có người trong cuộc phải gánh chịu!
Hội đồng xét xử đã tạm đình chỉ bởi lý do tạm ngừng phiên tòa chưa được khắc phục. Điều này hoàn toàn đúng luật. Nhưng xét lý do phải tạm ngừng phiên tòa mới thấy buồn! Phiên tòa đã chính thức khai mạc từ trước ngày tạm đình chỉ cả tuần. Nhưng rất tiếc, hầu hết đại diện các cơ quan hành chính liên quan đến việc cấp GCN đối với mảnh đất trên đều vắng mặt. Phía UBND thành phố chỉ gửi tới tòa một công văn trả lời về việc cấp GCN cho người đã chuyển nhượng mảnh đất trên là đúng quy trình và căn cứ vào biên bản xác minh thực địa của UBND xã. Trong khi đó, đại diện theo ủy quyền cho bà cụ đang sử dụng đất khẳng định, chưa từng thấy cá nhân hay cấp xã tới đất đo vẽ, xác minh thực địa! Ngoài ra, gần chục năm trước, chính chủ tịch UBND xã đã có thông báo hòa giải tranh chấp đất xác định thực tế bà cụ trên đang quản lý sử dụng đất. Cuộc tranh luận này chắc chắn chỉ một người có thể làm sáng tỏ, đó chính là đại diện UBND xã. Tuy nhiên, người này lại vắng mặt không rõ lý do, cho dù đã được triệu tập hợp lệ. Chủ tọa phiên tòa quyết định tạm ngừng phiên tòa để triệu tập đại diện UBND xã. Nhưng ngưng tới cả tuần, việc này vẫn không thực hiện được; đồng nghĩa lý do tạm ngưng phiên tòa chưa được khắc phục! Điều này khiến đại diện viện kiểm sát đề nghị tạm đình chỉ vụ án để triệu tập các cơ quan liên quan, làm rõ nguồn gốc đất đang tranh chấp.
Được biết, năm vừa qua, UBND TP. Nha Trang là đơn vị duy nhất trong khối UBND cấp huyện có chỉ số hài lòng giảm điểm so với năm trước đó, chỉ đạt 71,06%; vẫn còn người dân chưa hài lòng với thái độ giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức chuyên môn. Có lẽ, để thành phố tăng chỉ số hài lòng, mỗi địa phương, đơn vị phải nỗ lực nhiều hơn, trong đó có việc cải thiện thái độ thờ ơ, vô cảm, ứng xử tích cực hơn. Vụ án trên bị tạm đình chỉ, suy cho cùng, cũng bởi có những người được gọi là công bộc của dân, nhưng lại hững hờ với bức xúc, vướng mắc của dân, xem việc đến hay không đến tòa chỉ là chuyện nhỏ!
ĐA THỊNH
Theo: Báo Khánh Hòa