Nguồn tín dụng chính sách đã giúp nhiều gia đình ở huyện Cam Lâm cải thiện đời sống, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Phát huy hiệu quả vốn vay
4 năm trước, gia đình chị Thái Thị Tuyết Hằng lập vườn trên diện tích gần 2.500m2 ở thôn Trung Hiệp 2, xã Cam Hiệp Bắc. Ban đầu, nguồn nước không đủ cung cấp nên gia đình chị vay 12 triệu đồng từ chương trình nước sạch – vệ sinh môi trường để đào giếng và làm công trình vệ sinh. Nhờ đó, nguồn nước tưới đảm bảo, kể cả mùa nắng hạn. Năm ngoái, gia đình chị còn đầu tư hệ thống tưới phun tự động cho cả khu vườn. Bên cạnh đó, chị Hằng vay thêm 30 triệu đồng vốn giải quyết việc làm để nuôi gà thả vườn và cải tạo vườn.
Hái mời khách mấy trái ổi lê Đài Loan ngọt, thơm, chị Hằng cho biết, hơn trăm gốc ổi này chỉ trồng sau 1 năm đã cho thu hoạch, là cây trồng lấy ngắn nuôi dài, còn cây trồng chính là bưởi và xoài bắt đầu cho thu hoạch từ năm nay. Vừa làm vườn, gia đình chị Hằng vừa tập trung nuôi gà nòi và gà ta thả vườn. Với chế độ thức ăn tốt, nuôi thả tự nhiên trong vườn cây nên gà đảm bảo chất lượng, xuất bán giá cao. Bình thường mỗi lứa, gia đình chị nuôi 200 – 500 con gà, vịt xiêm hiện nuôi gần 300 con. Dành dụm được tiền là gia đình lại dồn vào làm vườn và chăn nuôi nên lúc nào cũng cần vốn. Vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) lãi suất thấp nên chị không lo lắng, mỗi tháng, chỉ đóng lãi và tiết kiệm 300.000 đồng.
Tận dụng bãi cỏ ven con suối cạn, gia đình chị Thị Hậu (người dân tộc Raglai, ở thôn Trung Hiệp 2, xã Cam Hiệp Bắc) và vài hộ dân chăn thả bò. Mấy năm trước, chị Hậu vay 20 triệu đồng mua 1 con bò giống. Con bò này đã đẻ thêm 2 con. Sau khi trả hết nợ, năm ngoái, chị vay 40 triệu đồng mua thêm 2 con. Hiện nay, chị vừa làm rẫy, vừa nuôi bò; chồng chị làm thuê cho 1 công ty ở khu vực Bãi Dài được 250.000 đồng/ngày công nên đàn bò 5 con tiếp tục nuôi như của để dành.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cam Hiệp Bắc, hiện nay, dư nợ tín dụng chính sách ủy thác qua hội 4,4 tỷ đồng, cho vay 165 hộ. Các hộ vay chủ yếu để chăn nuôi và cải tạo vườn. Các hộ vay đóng lãi và tiết kiệm đều, không phát sinh nợ quá hạn.
Quan tâm tín dụng chính sách
Ông Trần Văn Khuê – Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Cam Lâm cho biết, thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, NHCSXH đã triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội hiệu quả. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu hoạt động tín dụng đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, chất lượng tín dụng tiếp tục được nâng lên. Tính đến ngày 30-6, trên địa bàn huyện đã và đang triển khai 14 chương trình tín dụng chính sách, tăng 4 chương trình so với trước khi có Chỉ thị số 40; tổng dư nợ đạt hơn 390,4 tỷ đồng, với 13.759 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Tăng trưởng tín dụng trong 5 năm (2014 – 2019) gần 148,8 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 12,32%. Trong 5 năm qua, có 20.492 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH. Việc vay vốn tín dụng chính sách với thủ tục đơn giản, không phải thế chấp, lãi suất ưu đãi, nhận tiền vay, trả nợ trả lãi tại điểm giao dịch xã đã giúp người dân tiếp cận được các chương trình tín dụng chính thức; góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”.
5 năm qua, vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 1.800 hộ nghèo, 4.010 hộ cận nghèo, 2.064 hộ mới thoát nghèo, 21 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn phát triển sản xuất; 307 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; 832 lao động được tạo việc làm mới, 10 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; 432 hộ tại vùng khó khăn vay vốn để sản xuất kinh doanh; xây dựng 10.993 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; xây dựng, mua 7 căn nhà ở xã hội và 16 căn nhà chống lũ. |
Có được kết quả đó là nhờ cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Cam Lâm đã thống nhất quan điểm về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương. Trên cơ sở đó, đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội, cụ thể: bố trí 100% chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện; quan tâm bố trí nguồn vốn ủy thác cho vay; chỉ đạo thường xuyên bám sát các tiêu chí hộ nghèo, hộ cận nghèo và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chủ động rà soát, bổ sung kịp thời vào danh sách những hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo của địa phương, đảm bảo các hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu được vay vốn từ NHCSXH; thường xuyên chỉ đạo các giải pháp củng cố nâng cao chất lượng tín dụng…
Hàng năm, bên cạnh việc tranh thủ tối đa nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách từ Trung ương chuyển về, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo bố trí ngân sách cấp huyện để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; nguồn vốn cho vay được tăng lên hàng năm. Tính đến ngày 30-6-2019, tổng nguồn vốn đạt 392,5 tỷ đồng, tăng 150,9 tỷ đồng so với cuối năm 2014. Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác của huyện đã tăng thêm hơn 1,3 tỷ đồng (tăng 97,33%), nâng tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương đến nay gần 2,7 tỷ đồng. UBND huyện đã chỉ đạo bố trí địa điểm cho NHCSXH tổ chức mở điểm giao dịch tại trụ sở của 100% UBND các xã, thị trấn; lồng ghép vốn tín dụng chính sách với các nguồn vốn khác của địa phương để giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng năng suất, tăng thu nhập.
NAM DU
Theo: Báo Khánh Hòa