Dự thảo tiêu chuẩn Việt Nam quy phạm thực hành sản xuất nước mắm (Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN -12607:2019) gây tranh cãi những ngày qua vì có nhiều nội dung gây thiệt hại cho nhà sản xuất nước mắm truyền thống.
Trước làn sóng phản ứng, Bộ Khoa học và Công nghệ phải tạm dừng thủ tục công bố tiêu chuẩn này.
“Dự thảo ngưng nhưng ngưng để làm gì? Ngưng thì phải điều tra tại sao lại để xảy ra sự việc soạn thảo bộ tiêu chuẩn có nhiều nội dung gây thiệt hại cho nhà sản xuất nước mắm truyền thống như thế? Ai phải chịu trách nhiệm? Cần phải thông báo sai đúng thế nào thì mới tiếp tục xây dựng”, ông Lê Trần Phú Đức, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP nước mắm Phan Thiết, đại diện Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết tham gia xây dựng dự thảo tiêu chuẩn nước mắm, nêu ý kiến.
Masan tham gia dự thảo
Ông Đức cho biết ông nằm trong số 12 thành viên được Bộ NN&PTNT ký quyết định thay mặt Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết tham gia xây dựng dự thảo từ giữa năm 2017.
Theo ông, ban đầu nhóm xây dựng có 10 người gồm ông, 2 đại diện từ nước mắm Nha Trang và Phú Quốc cùng thành viên các bộ, ngành liên quan. Có khoảng 3 cuộc họp được tổ chức, thảo luận và thống nhất được các vấn đề cho cả nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp, dự tính sẽ ban hành luôn quy chuẩn chứ không họp nữa.
Chế biến nước mắm truyền thống. Ảnh: Đình Hòa. |
“Bản chất khi xây dựng không phải để tiêu diệt nước mắm nào mà để người tiêu dùng biết đang tồn tại 2 loại, để người tiêu dùng lựa chọn. Có nhiều nội dung nhưng tôi nhớ đại loại là thống nhất được 4 thành phần mà nước mắm truyền thống không được dùng là: Hóa chất bảo quản, màu nhân tạo, mùi nhân tạo và chất làm dày. Nếu dùng 4 chất này thì không được ghi là nước mắm truyền thống. Ngược lại, nước mắm công nghiệp được dùng”, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nước mắm Phan Thiết kể.
Tuy nhiên, đến tháng 2/2018, ông Đức không rõ vì lý do gì, nội dung cuộc họp đầu tiên hoàn toàn bị xóa bỏ và tổ chức họp lại với điều kiện phải có sự tham dự của đại diện Tập đoàn Masan (nước mắm Nam Ngư).
Ông Đức cho biết cuộc họp sau đó có Masan, nội dung không rõ ràng, không đề cập vào vấn đề trọng tâm mà chủ yếu nhiều nội dung bất lợi cho nước mắm truyền thống và có lợi cho nước mắm công nghiệp.
Lúc này, ông Đức tỏ ý phản đối nội dung dự thảo và cách làm “họp một đằng, thông báo một nẻo” qua emai. Và sau lần đó, thành viên này không nhận được bất cứ giấy mời nào để tiếp tục tham gia góp ý cho dự thảo mới.
“Thông qua báo chí, tôi mới biết dự thảo này đang lấy ý kiến lần cuối trước khi ban hành. Những người làm trong ngành nước mắm truyền thống như tôi hoàn bất ngờ. Trong dự thảo, một trong những nội dung được truyền thông nhắc nhiều là yêu cầu các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống phải kiểm soát dư lượng thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, nội dung quan trọng nhất để bức tử nước mắm truyền thống chính là quy định về hàm lượng Histamine trong nước mắm”, ông Đức nhấn mạnh và cho rằng đây là chiêu “nghi binh” của những người ban hành dự thảo.
Hàm lượng Histamine không phù hợp với Việt Nam
Ông Đức chỉ ra theo quy định của Codex (Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế), hàm lượng Histamine trong nước mắm không được quá 400 mg/lít. Đây là tiêu chuẩn do Việt Nam và Thái Lan cùng biên soạn xây dựng cho cá tươi, là hàng rào kỹ thuật làm nước mắm truyền thống ở Việt Nam không thể xuất khẩu được.
“Nước mắm chúng ta có hàm lượng Histamine luôn ở mức cao từ 700 mg – 1.200 mg/lít. Chỉ tiêu về Histamine thấp như thế chỉ có nước mắm công nghiệp là đáp ứng được, vì nước mắm pha loãng nên không có nhiều Histamine”, ông Đức nói và cho rằng mỗi ngày, một người trung bình chỉ có thể ăn khoảng 5 ml nước mắm nên khó có thể xảy ra ngộ độc Histamine.
Codex đưa ra tiêu chuẩn về Histamine không phù hợp với nước mắm Việt Nam. Ảnh: Zing.vn. |
Về điều này, bà Hồ Kim Liên – Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phú Quốc, cũng đồng tình. Bà cho biết mỗi vùng miền sản xuất nước mắm khác nhau. Chỉ tiêu Histamine cũng đặc trưng từng vùng. Nước mắm từ miền Bắc và miền Trung thường có hàm lượng Histamine cao (có khi từ 1.200-1.500 mg/lít). Do đó, xây dựng tiêu chuẩn này là cách “bức tử” nước mắm truyền thống.
“Codex Việt Nam xây dựng thời gian 2003-2006, hiện với thực tiễn Việt Nam không còn phù hợp nữa. Nước mắm ở Thái Lan là pha chế, công nghiệp chứ không phải truyền thống. Phải xây dựng lại tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với nước mình”, bà Yến nêu ý kiến.
Các thành viên của hiệp hội nước mắm truyền thống đề xuất cần phải định nghĩa lại nước mắm là gì, tách bạch riêng chứ không đánh đồng tất cả các loại đều là “nước mắm” và đặc biệt là tổ chức hội thảo khoa học quốc gia để đánh giá, bàn riêng về Histamine để từ đó ban hành quy chuẩn thực hành riêng cho 2 loại (truyền thống, công nghiệp).
“Tạm ngưng dự thảo thì cần phải làm rõ trách nhiệm, nghiên cứu lại dựa trên cơ sở khoa học và phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Dự thảo ban hành mà bất chấp sự phản đối của các hiệp hội, các nhà sản xuất nước mắm truyền thống, thì toàn bộ ngành nghề sản xuất nước mắm truyền thống tồn tại hàng trăm năm nay ở Việt Nam sẽ trở thành ‘công trường’ sản xuất cho nước mắm công nghiệp và chúng ta không thể bảo tồn nét văn hóa riêng của việt Nam”, ông Đức tha thiết.
Theo: Zing News