Để trang bị những kiến thức cần thiết trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cũng như những kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy, chiều 26-3, Cảnh sát PCCC tỉnh đã tổ chức tuyên truyền cho giáo viên và học sinh (HS) Trường THCS Âu Cơ (TP. Nha Trang).
Chiều 26-3, nhiều phụ huynh bất ngờ vì đã tới giờ tan trường nhưng tất cả HS và giáo viên Trường THCS Âu Cơ vẫn ngồi thành hàng trong sân trường. Khi nghe những câu hỏi và câu trả lời liên quan đến việc phòng cháy chữa cháy, họ mới biết con em họ đang có một buổi sinh hoạt ngoại khóa hết sức thú vị và ý nghĩa. 
Cô và trò Trường THCS Âu Cơ thực hành dập tắt đám cháy.
Cô và trò Trường THCS Âu Cơ thực hành dập tắt đám cháy.
Thượng úy Đào Văn Hiên – Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cảnh sát PCCC tỉnh chia sẻ, sau vụ cháy lớn chung cư Carina ở TP. Hồ Chí Minh, nhiều người cho rằng, nếu được trang bị những kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy, có lẽ con số thương vong sẽ không nhiều như vậy. Nhận thấy việc trang bị những kỹ năng này là hết sức cần thiết, Cảnh sát PCCC tỉnh đã tổ chức tuyên truyền cho giáo viên và HS các trường học, trong đó Trường THCS Âu Cơ là điểm đầu tiên. 
Buổi tuyên truyền diễn ra hết sức sôi động và ý nghĩa. Cán bộ chữa cháy hướng dẫn cho HS biết không chỉ phát hiện đám cháy mới gọi đến số điện thoại khẩn 114, mà số điện thoại này còn được sử dụng trong trường hợp bị kẹt trong thang máy, trong nhà vệ sinh… khi cha mẹ vắng nhà. Và trong các vụ hỏa hoạn, phần lớn nạn nhân tử vong vì nghẹt thở do khói nhiều hơn là bỏng hay chết cháy. Do đó, nguyên tắc đầu tiên là các em cần quan sát thật kỹ, tìm mọi cách di tản ra khỏi khu vực nhiễm khói càng nhanh càng tốt và tri hô để mọi người ứng cứu. Khi cán bộ chữa cháy đặt câu hỏi: “Để tránh hít phải khí độc khi có cháy, các em cần phải làm gì?”. Nhiều HS trả lời: “Chúng ta cần dùng khăn nhúng nước để che kín mặt mũi tránh hít phải khí độc khi thoát khỏi đám cháy, khói”. Cán bộ chữa cháy hướng dẫn thêm cho các em có thể dùng mền nhúng nước trùm lên người để tránh ngọn lửa bén vào quần áo và thoát ra ngoài, sau đó di chuyển đến lối thoát nạn an toàn.
Cán bộ chữa cháy còn hướng dẫn một kỹ năng rất quan trọng khác, đó là khi bị lửa tấn công, mọi người thường hoảng loạn và có rất ít thời gian để suy nghĩ. Chính tâm lý đó khiến nạn nhân không đủ tỉnh táo để quan sát tìm ra lối thoát hiểm. Chính vì vậy, yếu tố quan trọng để các em thoát khỏi đám cháy là phải thật bình tĩnh, nhanh nhẹn thực hiện theo đúng phương pháp, kỹ năng thoát nạn để xử lý các tình huống xảy ra. “Kể cả khi đã có khăn ướt che mặt mũi thì các em cần tuân thủ nguyên tắc cúi thấp người, đi sát tường khi di chuyển vì khói luôn bay lên cao. Và khi nhận thấy khói quá dày đặc, các em cần bò dưới sàn để tránh ngạt rồi nhanh chóng thoát ra ngoài”, cán bộ chữa cháy nói.
Cùng với việc đặt câu hỏi tình huống, các cán bộ chữa cháy hướng dẫn các em HS dập tắt đám cháy bằng bình chữa cháy. Phần thực hành này được các em HS tham gia hào hứng. “Lúc đầu nhìn thấy ngọn lửa em run lắm, vậy mà chỉ trong ít giây sau đó em đã sử dụng bình chữa cháy dập tắt được đám cháy”, một HS lớp 7 chia sẻ. “Khi xảy ra cháy, các em có thể sử dụng bình chữa cháy cầm tay. Cùng với việc mở van bình hoặc giật chốt van bình chữa cháy, các em cầm loa phun hướng về đám cháy để dập đám cháy. Tuy nhiên, theo thống kê của chúng tôi, hiện tại các hộ gia đình hầu như không có bình chữa cháy, đây chính là một trong những thiếu sót mà người dân cần trang bị trong thời gian đến”, cán bộ chữa cháy thông tin.
Thượng úy Đào Văn Hiên cho biết: “Buổi tuyên truyền chỉ kéo dài chưa đầy 1 giờ nhưng đã được các thầy giáo, cô giáo cùng các em HS hưởng ứng hết sức nhiệt tình. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền cho một số trường học trên địa bàn cũng như các chung cư để người dân nắm vững hơn các kiến thức phòng cháy chữa cháy”. 
Thành Long

Theo: Báo Khánh Hòa